Ở nơi học trò mong manh trong giá rét

Hồng Đức Thứ ba, ngày 19/01/2016 14:25 PM (GMT+7)
Quyết tâm học con chữ, nên dù nhà ở cách xa trường hơn chục cây số, các em vẫn cố gắng vượt qua bao khó khăn, vất vả để tới trường. Chặng đường mà các em đeo đuổi để có được kiến thức cho bản thân mình, nó cũng chông chênh như những bước chân vượt đường rừng của chính mình vậy.
Bình luận 0

Áo chưa đủ mặc

Chúng tôi đến thăm Trường THCS Tân Phúc, xã Tân Phúc, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) vào một ngày đông giá rét. Cô Hà Thị Thanh - Hiệu trưởng nhà trường dẫn chúng tôi đi thăm khu nhà bán trú của học sinh và cho biết: Nhà trường hiện có hơn 60 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 phải ở lại trường. Số học sinh này đều cách xa trường từ 7 - 13km, trong khi điều kiện gia đình hầu hết là khó khăn, cuối tuần các em mới về nhà một lần.

img

Học sinh bán trú Trường THCS Tân Phúc tự lo bữa ăn tại trường.  Ảnh: H.Đ

Cũng vì điều kiện kinh tế của gia đình khó khăn, nên nhiều em chưa đủ quần áo ấm để mặc. Những ngày trời nắng ráo, ấm áp còn đỡ, những ngày mưa dầm, gió bấc, các em khổ lắm. Tuy không phải là trường THCS Dân tộc bán trú, nhưng nhà trường lại được Nhà nước đầu tư xây dựng cho 16 phòng ở để học sinh các bản xa ở lại học. “Hiện nay, toàn trường có 290 học sinh, trong đó có 60 em phải ở bán trú. Đây là mô hình bán trú dân nuôi, nên các em phải tự lo nấu ăn hàng ngày. Cũng do nhà trường không có giáo viên chuyên trách hay kiêm nhiệm về quản lý học sinh ở bán trú, nên không thể tổ chức bếp ăn tập thể cho các em được”- cô Thanh bộc bạch.

Chăn không đủ ấm, chiếu không đủ lành

Nhằm giảm bớt cho các em học sinh nỗi khó khăn khi mùa rét đang lên tới đỉnh điểm, Báo Nông Thôn Ngày Nay mở đợt quyên góp chăn, màn và áo ấm cho các em học sinh nơi đây. Rất mong nhận được chung tay của các nhà hảo tâm.

Mọi sự hỗ trợ xin gửi về: Báo Nông Thôn Ngày Nay - 13 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội; hoặc qua số tài khoản  150631100117 Ngân hàng NNPTNT Tây Hồ, Hà Nội.

Hoàn cảnh của em Lò Quốc Tuấn (lớp 6), ở bản Tân Bình vô cùng khó khăn và đáng thương. Bố qua đời khi Tuấn còn nhỏ, mẹ phải gửi em cho ông bà ngoại để vào tỉnh Đăk Lăk làm mướn, kiếm tiền gửi về phụ ông bà nuôi Tuấn ăn học.

Từ nhỏ đến nay chưa bao giờ Tuấn sống xa gia đình, vì vậy, lần đầu tiên phải  xa ông bà ngoại và ra “ở riêng” một mình, Tuấn rất lo sợ. Muốn học được cái chữ, chỉ còn cách phải tự mình lo toan cho bản thân khi ở lại ký túc xá. “Hàng ngày đi học về, chúng em tự nấu cơm ăn. Đêm đến, trời lạnh quá thì chúng em đắp chung chăn với nhau cho ấm. Nhà em cách trường 13 cây số, nên đến cuối tuần em mới về một lần. Đường đi khó lắm, nên chúng em phải đi bộ chứ không còn cách nào khác”- Tuấn tâm sự.

Thầy Lê Minh Thư - Trưởng phòng Giáo dục huyện Lang Chánh, cho biết: Trường THCS Tân Phúc không thuộc diện THCS dân tộc bán trú, nên không có giáo viên kiêm nhiệm hay quản lý khu ký túc xá. Chính vì thế, học sinh ở xa phải ngủ lại trường, nhưng không được ăn cơm tập thể như trường dân tộc bán trú. Trong khi đó, điều kiện kinh tế của 60 học sinh phải ở lại trường đều thuộc diện vô cùng khó khăn. Mùa đông rét mướt, các em phải ngủ trong điều kiện chăn không đủ ấm, chiếu không đủ lành.

“Chúng tôi luôn trăn trở, tìm cách kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ cho 60 em học sinh ở đây có đủ chăn ấm, chiếu lành để các em có được giấc ngủ ngon, đảm bảo sức khỏe học tập, nhưng kỳ thực rất khó khăn. Chúng tôi cũng đang có hướng sẽ lập dự toán và kế hoạch để xin chủ trương của cấp trên cho nhà trường có thêm giáo viên quản lý khu ký túc xá rồi tổ chức bếp ăn tập thể cho các em. Nhưng, hiện nay tất cả mới chỉ dừng lại ở dự kiến”- thầy Thư bộc bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem