Maria Veronica Fernandez phải tới 8 cửa hàng tại Caracas (thủ đô Venezuela) mới có thể đăng ký mua được điện thoại. Cô thậm chí không thể đăng ký mua đúng chiếc điện thoại mình mong muốn.
Giống như nhiều người Venezuela khác, Maria đang sống tại đất nước có mức lạm phát thuộc hàng cao nhất thế giới, Bloomberg đưa tin. Venezuela đang gặp vấn đề trong việc huy động USD, để có thể nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu.
Dầu mỏ chiếm tới 95% kim ngạch xuất khẩu hàng năm của quốc gia này. Việc giá dầu giảm 50% vào cuối năm 2014 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế Venezuela.
Giá dầu giảm đồng nghĩa với lượng USD chuyển về Venezuela ngày càng ít. Điều này, cùng với lượng hàng tồn kho không nhiều, đã khiến những chiếc điện thoại đời mới tại Venezuela trở thành món hàng "hot".
Người dân Venezuela phải mua iPhone 6 với giá hơn 47.000 USD (hơn 1 tỷ đồng).
Hiện tại, một smartphone tầm trung tại Venezuela có giá 17.000 bolivar, tương đương hơn 2 tháng lương tối thiểu của người dân Venezuela. Một chiếc iPhone 6 tại đây có giá 300.000 bolivars (47.678 USD - 1,04 tỷ đồng), gấp 41 lần mức lương tháng tối thiểu (7.325 bolivars). Giá cả tại Venezuela leo thang do lạm phát cao, lên tới 69% vào năm 2014.
Còn theo tính toán của Barclays, một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới, lạm phát vào thời điểm này tại Venezuela đã chạm mức "3 chữ số".
Đồng bolivar của Venezuela hiện có hai tỷ giá hối đoái chính thức ở mức 6,3 và 12 đồng bolivar đổi lấy 1 USD. Những tỷ giá này được chính phủ sử dụng để thanh toán những mặt hàng thiết yếu như các thuốc, dụng cụ y tế. Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái của đồng bolivar trên thị trường chợ đen sụt giảm nghiêm trọng. Trên thị trường chợ đen 1 USD đổi được tới 456 bolivar. Điều này khiến giá iPhone tăng cao khủng khiếp.
Do vậy, tính theo mức tỷ giá chính thức thấp nhất, một chiếc iPhone 6 có giá tới 47.619 USD. Nhưng tính theo tỷ giá thị trường chợ đen thì chiếc iPhone 6 này có giá chỉ 657 USD, mức giá bình thường cho một chiếc iPhone 6 không khóa mạng.
Tình trạng trộm cắp smartphone tại Venezuela cũng đang gia tăng do nguồn hàng khan hiếm và mức giá tăng vọt. "Nếu bạn có một chiếc smartphone đắt tiền và bạn khoe nó trên phố nó sẽ bị trộm bất kỳ lúc nào," một chuyên gia tư vấn Venezuela cho biết.
"Việc tôi đang làm cũng giống như khi ai đó phải đi tới 3, 4 siêu thị chỉ để mua giấy vệ sinh, hay những nhu yếu phẩm thông thường", Maria nói.
Sau nhiều tuần chờ đợi, cuối cùng cô nhận được chiếc Samsung Galaxy Fame, không là điện thoại cô ưa thích, nhưng phải trả 17.000 bolivars (tương đương 2.700 USD). Nói cách khác, số tiền cô phải bỏ ra bằng 23 lần lương tối thiểu tại Venezuela.
Tình trạng thiếu ngoại tệ, mà cụ thể là USD, khiến cho người dân nơi đây rất khó có thể mua những mặt hàng nhập khẩu.
Tính riêng mảng điện thoại, chỉ 4,9 triệu chiếc được bán ra trong năm 2015, giảm 46% so với con số 9 triệu vào 2012.
Giá cả sinh hoạt tại Venezuela đắt đỏ thứ 3 thế giới, chỉ sau 2 nước châu Âu là Thụy Sĩ và Na Uy.
Cuộc sống đắt đỏ ở Venezuela
Theo khảo sát vừa được Movehub - tổ chức chuyên về du lịch, di trú quốc tế - công bố, giá cả sinh hoạt tại Venezuela đắt đỏ thứ 3 thế giới, chỉ sau 2 nước châu Âu là Thụy Sĩ và Na Uy.
Kết quả này được đưa ra dựa trên xem xét giá các mặt hàng ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày như thực phẩm, chi phí di chuyển, nhà hàng và các nhu yếu phẩm khác. Với hệ quy chiếu là giá cả tại New York (Mỹ), sinh hoạt phí mà người dân Venezuela phải chịu tương đương 111,5 điểm, tức là cao hơn New York 11,5%.
Trong khi giá cả đắt đỏ, đồng lương của người dân nước này chỉ ở mức trung bình. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập bình quân đầu người tại Venezuela khoảng 14.400 USD một năm (2013), thấp hơn nhiều so với 9 quốc gia còn lại trong Top 10 đắt đỏ nhất thế giới.
Thực tế cho thấy người dân tại Venezuela đang phải vật lộn vì lạm phát tăng cao, hàng hóa thiếu hụt khiến giá cả của những mặt hàng nhu yếu phẩm đang ngày một đắt lên.
Không khó để thấy cảnh người dân nước này xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ để được mua thịt gà, đường, thuốc và các mặt hàng cần thiết khác. Một bản tin của Bloomberg cho thấy ngay cả bao cao su cũng khó mà mua được ở nước này. Nếu có, cái giá cũng đắt hơn ở bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới.
Trên một website đấu giá ở Venezuela chuyên dành cho người dân mua bán các mặt hàng hiếm, một gói 36 chiếc bao cao su hiệu Trojan vừa được bán với giá 4.760 bolivar, tương đương 755 USD theo tỷ giá chính thức.
Là một quốc gia phụ thuộc 95% thu nhập từ dầu mỏ, Venezuela gặp nhiều khó khăn khi giá dầu giảm 60% từ giữa năm ngoái đến nay. Hiện nay, chỉ có một thứ duy nhất người dân Venezuela không phải lo về giá cả là xăng, vốn đang ở mức rẻ nhất thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.