Doanh số bán hàng của các thành viên VAMA trong tháng 9 vừa qua đạt 36.585 xe, tăng 45% so với tháng trước. Tuy nhiên luỹ kế 9 tháng, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt 113.641 xe, giảm 7,5%.
Trong khi đó, theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2024, Việt Nam đã nhập khẩu 18.405 xe ô tô nguyên chiếc, trị giá gần 378 triệu USD, tăng 22,2% về số lượng và tăng 26,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, tổng lượng xe nhập khẩu đạt 124.983 chiếc, trị giá gần 2,57 tỷ USD, tăng 32,7% về lượng và tăng 16% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều mẫu xe mới nhập khẩu được mở bán tại Việt Nam đã đem lại sự đa dạng về lựa chọn cho người mua, không ít các mẫu xe nhập khẩu thường xuyên nằm trong số những mẫu xe bán chạy nhất như Mitsubishi Xpander, Ford Everest, Hyundai Stargazer, Toyota Yaris Cross...
Về thị trường nhập khẩu, Việt Nam nhập ô tô nhiều nhất từ Indonesia với gần 50.900 chiếc, tổng trị giá gần 746 triệu USD, Thái Lan đứng thứ hai với 47.580 xe nhưng giá trị lại cao hơn, đạt gần 923 triệu USD.
Với xe Trung Quốc, tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng gấp gần ba lần so với cùng kỳ 2023.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy tính đến tháng 9/2024, tổng cộng 18.405 ôtô nguyên chiếc đã hoàn tất thủ tục thông quan vào Việt Nam, giá trị kim ngạch gần 378 triệu USD; tăng 22,2% về lượng, đồng thời cao hơn 26,4% về giá trị kim ngạch.
Tính riêng trong tháng 9, Việt Nam đã nhập thêm 2.348 ôtô có nguồn gốc Trung Quốc, nâng tổng số ôtô Trung Quốc nhập khẩu từ đầu năm lên thành 21.948 xe.
Việt Nam cũng đã nhập khẩu hơn 3,3 tỷ USD linh kiện và phụ tùng ô tô trong 9 tháng qua, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tâm lý xe nhập tốt hơn xe lắp ráp phần nào tạo nên khoảng cách giá ở các mẫu xe đã qua sử dụng. Tại Việt Nam, một số mẫu xe mới vẫn đang duy trì cả bản nhập khẩu và bản lắp ráp.
Trả lời PV Dân Việt về sự quan tâm của người tiêu dùng đối với các dòng xe nhập khẩu là khá lớn, chuyên gia xe Thế Đạt cho biết, hiện nay có một bộ phận người dùng có tâm lý thích xe nhập bởi họ cho rằng xe nhập có chất lượng cao hơn xe lắp ráp trong nước.
"Sự chênh lệch về giá của xe nhập và xe lắp ráp cho thấy thị hiếu của người mua đang thay đổi. Đơn cử như Mitsubishi Xpander, luôn dẫn đầu về doanh số không chỉ bởi sự đa dụng mà còn được đánh giá về sự bền bỉ, chất xe "lành". Kể cả ở phân khúc xe cũ, giá xe nhập cũng cao hơn xe lắp ráp", ông Đạt nói.
"Xe lắp ráp thực tế đã tăng doanh số đáng kể trong năm 2024. Và để nâng cao sự cạnh tranh với xe nhập, các nhà sản xuất, lắp ráp xe trong nước cần tập trung vào chất lượng sản phẩm, và những chính sách ưu đãi, kích cầu, bảo hành bảo dưỡng".
Theo ông Đạt, thị trường ô tô Việt Nam hứa hẹn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong thời điểm cuối năm khi nhu cầu của người dân sẽ tăng. Trong khi đó, chính sách giảm lệ phí trước bạ với xe lắp ráp trong nước vẫn còn hiệu lực 1,5 tháng nữa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.