Ở trại trâu bò thịt lớn nhất miền Bắc, thu hoạch phân đã có nửa tỷ

Minh Huệ Thứ năm, ngày 30/05/2019 19:40 PM (GMT+7)
Đến thăm trang trại bò thịt lớn nhất miền Bắc của Công ty CP Giống và thức ăn chăn nuôi T&T 159 (Hoà Bình), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đại diện các ban ngành và lãnh đạo tỉnh Thái Bình không ngớt khen ngợi. Dù trang trại nuôi tới vài nghìn con trâu bò nhưng không hề có mùi hôi thối, con nào cũng béo khỏe…
Bình luận 0

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, chăn nuôi đại gia súc sẽ là một trong những xu hướng chủ đạo của ngành chăn nuôi trong 10 năm tới, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi ở nhiều địa phương và sự mất cân đối trong sản xuất thực phẩm.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Hoà Bình thăm trang trại nuôi trâu và bò thịt của Công ty CP T&T 159.  (ảnh: Minh Huệ)

Giá thành chỉ còn 30.000-35.000 đồng/kg

Trang trại bò giống chất lượng cao và trại bò nuôi lấy thịt này nằm trong dự án Khu liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế phụ phẩm nông nghiệp và Trại sản xuất Bò giống chất lượng cao, tại xã Yên Mông, TP.Hoà Bình. Trang trại có diện tích gần 30ha, quy mô chăn nuôi 1.200 con bò giống, 3.800 con bê, bò và trâu nuôi vỗ béo, phân thành nhiều khu khác nhau như khu nuôi vỗ béo, khu bò giống, khu vỗ béo trâu, khu phối trộn thức ăn, khu chế biến phân bón... 

Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP T&T 159 cho biết, với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang nuôi 900 con bò thịt, 500 con bò Wagyu giống (giống bò đã làm nên thương hiệu thịt bò Kobe Nhật Bản nổi tiếng thế giới), 500 bò lai sinh sản và hàng nghìn con trâu.

Tuy nhiên đây chỉ là vùng "lõi" của dự án, ngoài ra công ty còn hình thành chuỗi liên kết với 1.000 hộ dân tham gia cung cấp phế phụ phẩm trong nông nghiệp và trồng cỏ làm nguyên liệu, đồng thời liên kết trong chăn nuôi bò sinh sản và bò nuôi lấy thịt.

Trao đổi với phóng viên, ông Thắng cho biết: “Hiện trang trại của chúng tôi tận thu toàn bộ chất thải từ con bò, gần như không phải vứt bỏ thứ gì. Trung bình 1 ngày, con bò ăn khoảng 30kg thức ăn thô xanh, 40 lít nước, thải ra khoảng 20kg phân và 30 lít nước tiểu. Đây là nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng, nhất là phục vụ trồng cỏ. Chúng tôi vẫn nói vui, từ lúc bò sinh ra đến khi bán mất khoảng 24 tháng, nhưng phân bò thì ngày nào cũng được thu. Theo đó mỗi ngày trang trại sản xuất khoảng 100 tấn phân bón hữu cơ vi sinh, tương ứng giá trị 300 – 500 triệu đồng”.

img

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cùng Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên (giữa) xem khu vực chế biến thức ăn cho trâu bò từ lõi bắp ngô. Ảnh: M.H 

"Về lâu dài chăn nuôi đại gia súc sẽ trở thành hướng chủ đạo, thay đổi cục diện chiến lược ngành chăn nuôi của Việt Nam”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường 

Theo ông Thắng, nếu không chủ động được thức ăn, không tận dụng được phế phụ phẩm thì giá thành 1kg thịt bò có thể từ 80.000 – 100.000 đồng, nhưng chăn nuôi khép kín thì giá thành giảm chỉ còn khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg.

Được biết, trung bình mỗi tháng trang trại vùng lõi của Công ty T&T cung cấp cho thị trường khoảng 800 con trâu bò thương phẩm.

Cơ hội cải tổ chăn nuôi

Trao đổi trong chuyến thăm Công ty CP Giống và thức ăn chăn nuôi T&T 159, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Dịch tả lợn châu Phi sẽ còn âm ỉ một thời gian khá dài, vì vậy hiện nay chúng ta không có chủ trương tăng đàn lợn mà phải có trách nhiệm nghĩ đến sinh kế mới cho bà con nông dân, đồng thời đây cũng là cơ hội cải tổ ngành chăn nuôi. Vì lý do này mà các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thái Bình đã mời đại diện cả 8 huyện cùng đi tham quan trang trại chăn nuôi trâu bò công nghệ cao của Hòa Bình để học tập kinh nghiệm”. 

Bộ trưởng cho hay: “Thái Bình có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi đại gia súc do có diện tích đất bãi lớn, có thể trồng ngô, trồng cỏ làm thức ăn cho trâu bò; tỉnh có diện tích trồng lúa lớn, có thể tận dụng làm thức ăn cho trâu bò. Chúng tôi sẽ cùng tỉnh Thái Bình xây dựng dự án phát triển chăn nuôi gia súc, làm sao thu hút được những doanh nghiệp nòng cốt tham gia”.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường trao đổi với ông Nguyễn Hồng Diên - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình (thứ 2 từ trái sang) về lợi ích của đệm lót sinh học làm từ vỏ cây keo, thân cây ngô, rơm rạ...  Ảnh: M.H 

Để chuyển từ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ, vốn ít sang chăn nuôi trâu bò có quy mô vốn lớn, theo Bộ trưởng, sẽ cần đầu tư kinh phí khuyến nông để mở nhiều lớp hướng dẫn kỹ thuật cho bà con; đào tạo lực lượng cán bộ đáp ứng với nhu cầu sản xuất mới, mời các doanh nghiệp và đặc biệt là thu hút tín dụng vào cuộc.

“Chăn nuôi trâu bò đòi hỏi vốn cao, tuy chúng ta rất mong muốn có một đối tượng sản xuất mới nhưng phải hết sức chắc chắn và chặt chẽ, không thể biến việc này thành một nguy cơ rủi ro khác, nhất là sản xuất không có liên kết, dẫn đến dịch bệnh, đầu ra khó khăn… Muốn làm được phải có sự quyết tâm của địa phương, sự vào cuộc của Bộ, vừa thích ứng với dịch tả lợn Châu Phi...” - Bộ trưởng Cường nói. 

“Làm gì cũng có rủi ro, quan trọng là chúng ta lường trước những rủi ro đó, xác định đối tượng sản xuất gì thì cũng phải nhìn vào thị trường và phải có chuỗi liên kết giữa người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, một sự cộng tác chặt chẽ của hệ thống chính quyền địa phương. Chúng tôi tin tưởng với thành công trong tái cơ cấu thời gian qua, cộng với trí sáng tạo của người nông dân, doanh nghiệp Việt Nam và sự vào cuộc ráo riết của chính quyền các cấp, chúng ta sẽ từng bước khắc phục những tồn tại” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), tổng đàn gia súc ăn cỏ của cả nước hiện khoảng 2,4 triệu con, trong đó, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc có tổng đàn lớn nhất, xấp xỉ 1,4 triệu con.

Trong 3 năm qua, tổng đàn trâu của cả nước giảm nhẹ 1,89%, tổng đàn bò tăng trung bình 2,75%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của đàn bò lai là 4,27%/năm; tốc độ tăng trưởng sản lượng thịt bò là 4,11%/năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem