Phóng hỏa do mù quáng
Gần đây nhất là vụ nghi phạm Trần Văn Diệp (SN 1979, tạm trú huyện Nhà Bè, TP.HCM) phóng hỏa đốt nhà với ý định thiêu chết 5 người thân trong gia đình chỉ vì... ghen.
Rạng sáng mùng 7 Tết (25.2), người dân cư ngụ tại dãy nhà trọ số 659/3, đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè đang ngon giấc thì nghe tiếng kêu cứu. Mọi người chạy đổ ra ngoài mới thấy lửa đang bao trùm căn phòng trọ số 13.
Khi dập lửa, mọi người lại phát hiện thêm một chi tiết bất ngờ. Đó là cánh cửa căn phòng đã bị ai đó dùng dây thép cột bên ngoài.
Ông Phan Phúc Lộc (SN 1965, là chủ nhà thuê căn phòng trọ số 13) kể lại vụ việc: "Đang ngủ ngon, tui giật mình tỉnh giấc thì thấy lửa cháy khắp nhà, khói mù mịt. Tui, vợ và một đứa con ngủ dưới đất vừa tri hô vừa tông cửa để thoát ra ngoài nhưng mở cửa hoài không được. Tui đành kêu vợ con chạy vào nhà tắm xả nước rồi nằm rạp xuống. Con gái lớn và cháu ngoại của tui ngủ trên gác không xuống được đành nằm chịu trận cho lửa tấn công. Sau khi được bà con cứu thoát ra ngoài, tui mới biết chốt bên ngoài cửa đã bị ai đó cột bằng dây kẽm. Tui biết ngay chính thằng con rể là thủ phạm của vụ cháy".
Vụ phóng hỏa khiến con gái lớn của ông Lộc là chị Phan Thị Thúy Ngân - vợ của nghi phạm Trần Văn Diệp bị bỏng nặng và tử vong sau 10 ngày cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
|
Trần Văn Diệp.
|
Anh Phan Phước Tân, 28 tuổi - con trai của ông Lộc bị bỏng 30%. 3 thành viên khác trong gia đình đều bị bỏng nhẹ và nhiễm độc do hít phải khói.
Sau khi phóng hỏa thiêu sống gia đình vợ, biết khó thoát lưới pháp luật, Diệp chạy xe đến cầu Phú Mỹ ở quận 7 nhảy xuống sông Sài Gòn tự tử nhưng không chết do... biết bơi.
Sáng hôm sau, cơ quan chức năng đã tìm được Diệp tại Trạm An toàn Hàng hải Mũi Đèn Đỏ, cách cầu Phú Mỹ hơn 4km. Diệp được đưa đến bệnh viện cấp cứu hồi phục sức khỏe rồi di lý về trại tạm giam lấy lời khai.
Tại Cơ quan điều tra, Diệp thú nhận hành vi phóng hỏa của mình nhằm mục đích giết cả gia đình vợ chỉ vì... vợ y cương quyết ly dị.
Chuyện tình buồn của cô con gái
Cách nay hơn 12 năm, Diệp rời quê Long An lên TP.HCM xin làm thợ phụ hồ học việc cho ông Lộc. Là thợ hồ tự do, ông Lộc vui vẻ nhận Diệp làm đệ tử.
Những ngày hết việc, ông Lộc thường mời một số đồng nghiệp, trong đó có Diệp, về căn nhà trọ của mình tổ chức ăn nhậu.
Sau vài lần đến chơi, Diệp và Ngân - con gái ông Lộc phải lòng nhau. Sau một thời gian ngắn tìm hiểu, Diệp ngỏ lời cưới Ngân. Cùng phận làm thuê, ông Lộc vui vẻ cho phép gia đình Diệp tổ chức cưới hỏi Ngân.
Cưới xong, Ngân và Diệp ra ở riêng. Diệp tiếp tục làm thợ hồ cùng cha vợ, Ngân xin vào làm công nhân của một xí nghiệp may. Năm sau, vợ chồng Ngân sinh con gái.
Năm 2011, Diệp trở chứng rượu chè, thường bỏ bê việc làm. Cuộc sống gia đình đều trông vào đồng lương công nhân của Ngân, vợ chồng thường xuyên lục đục, cãi cọ nhau. Do nhu cầu của xí nghiệp, hầu như đêm nào Ngân cũng phải tăng ca.
Mặc cho Ngân phân trần lý do thường xuyên làm đêm tại xí nghiệp, nhưng Diệp vẫn nghi vợ ngoại tình nên rắp tâm theo dõi. Có lần, trong cơn cãi cọ, Diệp thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với vợ rồi bỏ về quê.
Không chịu nổi gánh nặng cơm áo gạo tiền lại bị chồng tạo áp lực tâm lý, còn đánh đập nên Ngân trả phòng trọ rồi đưa con gái về sống chung với cha mẹ.
Khi nguôi cơn ghen, Diệp đưa cha mẹ mình lên gặp cha mẹ vợ xin tha thứ. Nghĩ con rể trong cơn ghen nhất thời giận quá mất khôn nên ông Lộc khuyên con gái bỏ giận làm lành.
Từ đó, vợ chồng Diệp - Ngân về sống cùng phòng trọ chật hẹp với ông Lộc. Do căn phòng chật chội nên Diệp ít khi có mặt ở nhà.
Năm 2014, Ngân sinh thêm đứa con thứ hai. Trong khi mọi người trong gia đình vui mừng chào đón thành viên mới, Diệp lại lạnh lùng cho rằng, đứa bé không phải con mình.
Chạm lòng tự trọng, Ngân đề nghị Diệp ly dị. Diệp yêu cầu Ngân ký vào đơn ly dị nhưng Ngân bảo qua tết sẽ ký. Thật ra, Ngân muốn kéo dài thời gian để Diệp suy nghĩ lại.
Ngân và cả gia đình ngoại về quê An Giang ăn Tết. Còn Diệp về quê Long An với nỗi ấm ức.
Đến mùng 4 Tết, cả nhà ông Lộc quay trở lại nhà trọ để chuẩn bị đi làm. Nghe tin, Diệp lại về làm lành với vợ nhưng vẫn khăng khăng cho rằng đứa nhỏ không phải là con của mình.
Cải nhau chán, Diệp lại bỏ đi. Không khí nặng nề không lối thoát ấy bao trùm căn phòng trọ suốt từ mùng 4 Tết âm ỉ đến khi sự việc đáng tiếc xảy ra.
Sáng mùng 6 Tết, Diệp lại đến nhà trọ của cha vợ ăn cơm cùng gia đình với tâm trạng bình thường nhưng Ngân lại tỏ vẻ lạnh nhạt. Đó là trạng thái tâm lý giận hờn của phụ nữ nhưng Diệp lại nghĩ vợ đã cạn tình. Diệp bỏ đi trước khi đe dọa sẽ giết cả gia đình vợ. Tưởng Diệp chỉ đe dọa trong cơn bức xúc, Ngân và gia đình không đề phòng.
Rạng sáng hôm sau, Diệp âm thầm dùng dây kẽm cột chốt cửa bên ngoài, rồi đổ dầu vào khe cửa phóng hỏa. Bây giờ, khi đã bình tĩnh lại, Diệp ân hận vì sự nông nổi bộc phát của mình.
Trong trại tạm giam, thỉnh thoảng Diệp lại ôm mặt khóc vì nhớ vợ, thương con. Không chỉ giết chết người đã từng đầu ấp tay gối với mình, Diệp còn tạo một vết thương tinh thần khó lành đối với 2 đứa con thơ dại.
Đứa con gái 11 tuổi của Diệp trở thành trẻ mồ côi. Đứa trẻ 11 tháng tuổi sẽ phải hứng chịu cảnh mồ côi lẫn mặc cảm về nghi vấn máu mủ đối với bậc sinh thành. Liệu cả 2 đứa trẻ có bị khuyết tật tâm hồn khi nghĩ đến tội lỗi của cha chúng?
Những cơn cuồng ghen không giới hạn
Tương tự như vụ phóng hỏa đốt cả gia đình vợ của Diệp, vào chiều tối mùng 2 Tết tại ấp 2, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh cũng xảy ra một vụ giết người do ghen. Nạn nhân là Trần Thị Vũ Thanh, SN 1991. Nghi phạm là Trần Văn Hậu, SN 1984.
Hai vợ chồng sống chung gia đình cha mẹ Hậu ở Hóc Môn, TP.HCM. Trước Tết, Hậu và vợ thuận tình ly thân chỉ vì chuyện vợ không chịu thú nhận... đã yêu người khác. Sau đó, vợ Hậu để con trai lại rồi bỏ về nhà cha mẹ ruột ở Bàu Đồn.
Ngày mùng 2 Tết, Hậu chở con trai bằng xe máy vượt hàng chục cây số từ TP HCM về nhà người em vợ ở gần nhà cha mẹ vợ rồi gọi điện bảo vợ đến thăm con. Thế nhưng, vợ Hậu không đến.
Chờ đến 18h chiều, Hậu đến nhà cha mẹ vợ. Sau vài câu gây gổ, Hậu dùng kéo thủ sẵn trong người đâm vợ chết tại chỗ.
Sau khi giết vợ, Hậu bỏ trốn khỏi địa phương. Mấy ngày sau, Hậu đến Công an huyện Củ Chi đầu thú. Biết vợ đã thay lòng đổi dạ, cương quyết đoạn tình, thay vì chấp nhận sự thật, Hậu lại chọn lối giải quyết tiêu cực.
Trong khi Cơ quan Công an điều tra tỉnh Tây Ninh đang gấp rút điều tra vụ Trần Văn Hậu giết vợ thì mùng 4 Tết (ngày 22.2) lại nhận được tin báo Trần Quốc Thắng (SN 1980, cư ngụ khu phố 3, thị trấn Hòa Thành, huyện Hòa Thành) đâm chết vợ là Hoàng Thị Thảo, SN 1980.
Sau khi giết vợ, Thắng đã dùng dao tự sát. Nguyên nhân cũng xuất phát từ cơn ghen không rõ ràng.
Trước đó, vào ngày 12.2, cũng vì "lên đồng" trong cơn ghen vô cớ, Phạm Văn Trai, SN 1962, cư ngụ số 3/137, ấp Trường Lưu, xã Trường Đông, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh đã dùng rựa chém trọng thương vợ là Trần Thị Đào (50 tuổi) và mẹ vợ là bà Nguyễn Thị Sành (82 tuổi).
Tại Cơ quan điều tra, Trai khai rằng, thời gian trước đó phát hiện vợ thường "bí mật" gọi điện thoại cho ai đó. Nghi ngờ vợ ngoại tình, Trai lén kiểm tra điện thoại của vợ thì phát hiện vợ thường nhắn tin cho một người đàn ông bằng những lời lẽ rất tình tứ. Trai âm thầm nuôi dưỡng một kế hoạch bắt quả tang vợ.
Sáng 12.2, Trai biết vợ và mẹ vợ sắp đi chùa nên nói rằng ông ta cũng sẽ đi khỏi nhà. Chờ cho vợ và mẹ vợ đi khỏi, Trai vào phòng ngủ nằm "phục kích".
Khi về nhà, bà Đào nghĩ rằng chồng đi vắng nên vừa đi vào phòng ngủ vừa vô tư trò chuyện với ai đó qua điện thoại. Vừa bước vào phòng, bất ngờ thấy chồng, bà Đào giật mình.
Trai cho rằng vợ đang gọi điện hẹn hò với nhân tình nên giật mình. Bà Đào còn đang thanh minh thì Trai rút chiếc rựa giấu sẵn dưới gầm giường chém liên tiếp vào đầu vợ. Bà Đào bỏ chạy, Trai đuổi theo. Trong cơn say máu, gặp mẹ vợ đang ngồi ở hàng hiên, Trai tấn công luôn.
Gây án xong, Trai toan tự tử nhưng do... sợ chết nên y bỏ trốn về Sóc Trăng. 5 ngày sau, biết không thể trốn tránh lưới pháp luật, Trần Văn Trai trở về Hòa Thành đến cơ quan công an đầu thú.
Những hung thủ cuồng ghen giết vợ, chắc chắn phải trả giá cho hành động nông nổi, mông muội của mình. Sự nghiêm khắc của pháp luật sẽ dành cho họ bản án thích đáng. Điều đáng tiếc là, có rất nhiều lối thoát cho những mâu thuẫn tình cảm vợ chồng nhưng họ lại chọn con đường gây án.
Nhìn lại các vụ án, thượng tá Phạm Minh Vũ - Phó đội trưởng Đội 5 Cơ quan CSĐT Công an Tây Ninh cho biết: "Qua điều tra những vụ án giết người trong cơn cuồng ghen, tôi nhận thấy, hầu hết họ đều có cơ hội giải quyết mâu thuẫn tình cảm một cách nhẹ nhàng hơn. Tiếc rằng, họ đã không bình tĩnh lựa chọn các giải pháp ổn thỏa. Khi phát hiện người bạn đời của mình có tình cảm với người khác, người bị phụ tình cần bình tĩnh chia sẻ tâm trạng với người thân để nhận được những lời khuyên chân thành. Hai vợ chồng giải quyết mâu thuẫn trong cơn bức xúc chỉ càng làm tình trạng thêm tồi tệ dẫn đến kích động tâm lý".
(Theo Nguyễn Hoàng Kiệt/An ninh Thế giới)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.