Ở một nơi của Khánh Hòa đang nuôi thành công ốc nhảy trong ao đất, nhiều người đến xem

Chủ nhật, ngày 24/09/2023 05:07 AM (GMT+7)
Ốc nhảy là loại hải sản có giá trị kinh tế cao nhưng rất khó nuôi. Vì thế, đề tài nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi ốc nhảy thương phẩm tại Khánh Hòa do Tiến sĩ Vũ Trọng Đại - giảng viên Trường Đại học Nha Trang (Khánh Hòa) làm chủ nhiệm vừa nghiệm thu đã mở ra phương pháp nuôi hiệu quả đối với loài hải sản này.
Bình luận 0

Theo Tiến sĩ Vũ Trọng Đại, hiện nay, quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo ốc nhảy đã có và được người dân tại TP. Cam Ranh, TP. Nha Trang áp dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, hiệu quả của quy trình này không cao, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. 

Theo quy trình này, ốc nhảy được nuôi ở ngoài vùng triều, vì vậy khó kiểm soát các yếu tố môi trường, mật độ nuôi. Ngoài ra, ốc nhảy có tập tính ăn tảo bám, cỏ biển, rong biển và mùn bã hữu cơ... 

Với quy trình hiện nay, đặc biệt là nuôi trong ao đất thì không thể sử dụng tảo bám và thức ăn tổng hợp cho ốc. 

Do đó, việc nghiên cứu tìm ra loại thức ăn chế biến phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và phương thức bắt mồi của ốc để đảm bảo tính chủ động và hiệu quả trong quá trình nuôi thương phẩm trở thành yếu tố quyết định hiệu quả nuôi. 

Việc nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật mới nuôi thương phẩm ốc nhảy sẽ hướng đến việc hình thành nghề nuôi quy mô, có giá trị kinh tế cao; đồng thời tận dụng được diện tích đã quy hoạch nuôi ốc hương thương phẩm (khoảng 775ha) đang bị bỏ trống do quá trình nuôi ốc hương thời gian qua kém hiệu quả.

Ở một nơi của Khánh Hòa đang nuôi thành công ốc nhảy trong ao đất, nhiều người đến xem - Ảnh 1.

Nuôi ốc nhảy trong ao đất tại xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Sau 30 tháng thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã xác định được nguồn thức ăn chế biến có nguồn protein từ cá tạp, tần suất cho ăn cũng như mật độ ương giống phù hợp để cho tỷ lệ tốt nhất về khả năng hấp thụ thức ăn, tỷ lệ sinh trưởng và tỷ lệ sống của ốc nhảy. 

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng xây dựng hoàn chỉnh hệ thống các chỉ tiêu kỹ thuật để áp dụng vào mô hình nuôi thương phẩm ốc nhảy trong ao đất và ngoài vùng triều. 

Trong thời gian nuôi 10 tháng, ốc nhảy được nuôi trong ao đất có tỷ lệ sống đạt hơn 70%, năng suất đạt khoảng 1,5kg/m2. 

Đối với mô hình nuôi ốc nhảy ngoài vùng triều, tỷ lệ sống của ốc đạt khoảng 62%, năng suất khoảng 1,2kg/m2. 

Sở dĩ mô hình nuôi ốc trong ao đất hiệu quả hơn do người nuôi kiểm soát được các yếu tố đầu vào và có thể chăm sóc quản lý ốc tốt hơn. 

Tuy nhiên, mô hình nào cũng có tỷ lệ lợi nhuận cao hơn phương pháp nuôi cũ, cụ thể là 30,4% (mô hình vùng triều) và 50,9% (mô hình ao đất). Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tổ chức hội thảo cho 40 người, biên soạn sổ tay kỹ thuật để tập huấn cho 80 người nuôi tại xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh và phường Cam Nghĩa, Cam Ranh...

Ở một nơi của Khánh Hòa đang nuôi thành công ốc nhảy trong ao đất, nhiều người đến xem - Ảnh 2.

Kiểm tra kích cỡ ốc nhảy thương phẩm ở mô hình nuôi tại Khánh Hòa.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Thái Thanh Bình - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, đề tài đã đảm bảo các nội dung nghiên cứu đề ra; xây dựng được quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm ốc nhảy phù hợp điều kiện của tỉnh. 

Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng đã đào tạo, tập huấn cho người dân triển khai nhân rộng mô hình. Quy trình nuôi ốc nhảy thương phẩm đã giải quyết được hạn chế của quy trình nuôi cũ, mở ra cơ hội mới trong sản xuất thương phẩm loại thủy sản có giá trị kinh tế cao này để mang lại lợi nhuận lớn cho người nuôi.

V.L (Báo Khánh Hòa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem