“Ôm hận” vì không có bảo hiểm y tế

Diệu Linh Thứ ba, ngày 18/10/2016 06:23 AM (GMT+7)
Bộ Y tế đang đề xuất tăng viện phí ở nhóm không có BHYT vào đầu năm 2017, lúc ấy gánh nặng sẽ tăng gấp đôi, gấp rưỡi so với hiện nay nếu người dân chậm trễ tham gia BHYT.
Bình luận 0

LTS: Trẻ trung, khỏe mạnh, nhiều người không nghĩ sẽ có lúc mình ốm đau, bệnh trọng nên không mua bảo hiểm y tế (BHYT), đến khi bệnh trọng hay tai nạn phải chi trả 200-300 triệu đồng viện phí trong vài ngày, gia đình lâm cảnh khốn đốn bán nhà, vay mượn khắp nơi. Trong khi đó, Bộ Y tế đang đề xuất tăng viện phí ở nhóm không có BHYT vào đầu năm 2017, lúc ấy gánh nặng sẽ tăng gấp đôi, gấp rưỡi so với hiện nay nếu người dân chậm trễ tham gia BHYT.

Hiện BHYT chỉ 650.000 đồng/thẻ/năm, còn thấp hơn giá giường hồi sức cấp cứu (677.000 đồng/giường/ngày). Những bệnh nhân “chắt bóp” không mua thẻ BHYT đành phải tự trả tiền hàng chục ngày giường hồi sức, chưa kể tiền thuốc, điều trị... có khi lên đến nửa tỷ đồng.

Bệnh đến, núi lở

img

GS Nguyễn Gia Bình động viên bệnh nhân H yên tâm điều trị trong khi chị đang lo lắng về khoản tiền 250 triệu đồng viện phí chưa thể chi trả. Ảnh: D.L

Bộ Y tế đang đề xuất tăng viện phí ở nhóm bệnh nhân không có BHYT vào đầu năm 2017. Hiện mức phí này mới được áp dụng cho bệnh nhân có BHYT. Theo đó, viện phí cũng sẽ được tính thêm tiền phụ cấp phẫu thuật thủ thuật, ngày trực và chi phí tiền lương của nhân viên y tế. Như vậy viện phí sẽ tăng khoảng 50%, trong đó có nhiều dịch vụ tăng 2-3 lần. Theo Bộ Y tế, tăng viện phí ở nhóm không BHYT để đảm bảo sự công bằng, đồng thời thúc đẩy người dân tham gia BHYT.

Sau 20 ngày điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Nguyễn Thị H (33 tuổi, trú tại Ba Vì, Hà Nội) đã tỉnh được chút ít, tuy nhiên gương mặt vẫn vàng bủng beo. Theo GS Nguyễn Gia Bình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân H nhập viện trong tình trạng đau bụng, co giật, hôn mê và đang mang thai hơn 7 tháng.

Xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm độc thai nghén, dẫn đến suy gan, suy thận, rối loạn đông máu. Sau khi được mổ cấp cứu lấy thai, bệnh nhân phải lọc máu liên tục, truyền máu và các chế phẩm máu mới có thể “nhặt được nửa cái mạng về”. Theo GS Bình, chi phí 20 ngày điều trị (từ 19.9 đến 9.10) của bệnh nhân H đã lên đến 247 triệu đồng. Đáng nói, chị H không có BHYT, do đó gia đình sẽ phải thanh toán 100%, mà hiện tại gia đình chị H mới chỉ lo được 60 triệu đồng.

Chị H yếu ớt cho biết, hai vợ chồng chị đều làm ruộng, đã có 2 đứa con. Bình thường không ốm đau, gia đình cũng chỉ tạm đủ chi tiêu. “Vợ chồng tôi chỉ cố gắng đóng BHYT cho hai con, còn vợ chồng đều không mua. Tôi cũng được cán bộ xã vận động tham gia BHYT nhưng không dư dả tiền bạc nên còn chần chừ. Cứ nghĩ hai vợ chồng đều khỏe như trâu, chưa từng tốn đồng thuốc nào. Ai ngờ, ốm đau một lần đã tốn khoản tiền khổng lồ mà cả đời cũng chưa bao giờ biết đến. Biết thế nhịn ăn, nhịn tiêu một chút để mua BHYT” – chị H nói.

Chị cho biết, trong nhà chỉ có vài triệu đồng, chồng chị chạy vạy khắp nơi mới vay được vài chục triệu nhưng không thấm tháp vào đâu với tiền viện phí. Chồng chị tính đến nước bán nhà nhưng căn nhà ở quê cũng chả được bao nhiêu tiền.

Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị M (35 tuổi, mang thai 7,5 tháng, trú tại Đông Anh, Hà Nội) chỉ 1 tuần nhập viện (từ 29.9) vì viêm cơ tim, sốt cao, suy đa phủ tạng đã hết 279 triệu đồng. Do chị M không có BHYT nên gia đình cũng đang tính bán nhà để lo cho con. Bà Phạm Thị Thức (60 tuổi) – mẹ chị Mai cho biết, đã gần đến ngày sinh nên chị Mai cũng mới mua BHYT nhưng còn vài tuần nữa mới được hưởng chế độ. Nào ngờ bệnh đến như núi lở khiến cả nhà khốn đốn. Hiện cả họ hàng nội ngoại hai bên đã xúm vào giúp đỡ, tuy nhiên số tiền vay được mới chỉ được hơn 100 triệu đồng.

“Đó là chưa kể cháu còn phải điều trị dài ngày nữa, tốn kém có thể gấp 2-3 lần 274 triệu đồng. Nhưng mạng người quan trọng, gia đình dự định bán nhà để cứu cháu”- bà Thức nhận định. Bà Thức cho biết, hiện vợ chồng bà chỉ có chồng là có BHYT, còn bà vẫn lấn cấn tiếc hơn 600.000 đồng. Nhưng sau đợt ốm này của con gái, bà sợ rồi. Nếu có BHYT, được nhà nước trả hộ tới 80%, nhà chỉ phải lo 30-50 triệu đồng, cũng không đẩy gia đình đến mức quá khó khăn như hiện nay. “Sau đợt này tôi nhất định mua BHYT. Ai biết sẽ ốm đau, tai nạn lúc nào” – bà Thức tâm tình.

Người nghèo – bệnh trọng

img

1 ngày tiền giường hồi sức cao hơn tiền bảo hiểm y tế cả năm (Ảnh chụp tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai).  Ảnh: BSCC

Thời gian tới nếu viện phí ở nhóm không có BHYT tăng 40-50% thì bệnh nhân không có BHYT còn khó khăn hơn. Khoa Hồi sức tích cực toàn các dịch vụ đắt đỏ, nếu người dân không tham gia BHYT, chỉ cần 1 người ốm nặng sẽ khiến cả nhà “xuống dốc không phanh”, nghèo hóa vì bệnh tật”. 

GS Nguyễn Gia Bình 

Mặt mũi bơ phờ, chị Nguyễn Thị Huân (trú tại Thanh Đình, Việt Trì, Phú Thọ) đang trông con tại Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội cho biết, con trai chị bị chấn thương sọ não nhập viện được gần 1 tuần, giờ đã qua cơn hiểm nghèo nhưng vẫn còn phải điều trị lâu dài, dự tính tốn cả trăm triệu đồng viện phí.

“Cháu mới 18 tuổi, trước đây là học sinh thì gia đình có mua BHYT cho cháu. Nhưng 3 năm nay cháu đi học nghề nên tôi không mua BHYT cho cháu nữa. Bố cháu bị tai biến đã mất sức lao động nhiều năm, chỉ có tôi là lao động chính trong nhà, nhưng lương công nhân cũng chỉ đủ tiền đong gạo. Giờ cháu bị tai nạn thế này chẳng biết trông cậy vào đâu” – chị Huân nói. Chị cho biết, ngay khi con mới vào viện, chị đã lấy sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay 50 triệu đồng. Ngay cả nhà cũng có nguy cơ mất mà tiền trả viện phí cũng chưa đủ. “Cứ nghĩ con khỏe mạnh, bao năm mua BHYT có dùng đâu, nào ngờ… Nhà nghèo, bệnh trọng khó sống quá cô ơi” – chị Huân buồn rầu.

Bà Nguyễn Thị Bích Hường – Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, khoảng 30-40% người dân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Việt Đức không có BHYT. Nhiều người nhập viện trong tình trạng bị tai nạn nặng như chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, gãy chân tay, đa chấn thương… Các thương tích này đều phải “động dao kéo”, điều trị dài ngày với các kỹ thuật cao, thuốc đắt tiền. Chỉ vài ngày tiền viện phí có thể lên đến vài trăm triệu đồng. 

Còn tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên có hàng chục bệnh nhân thập tử nhất sinh. Vào đến đây, người nhà mới hiểu thế nào là “máy ngốn tiền”. GS Bình cho biết, các bệnh nhân tới khoa đều rất nặng, thường suy đa tạng, tổn thương tim phổi, suy gan cấp nên phải tiến hành lọc máu, dùng kháng sinh đặc trị, thậm chí phải dùng đến cả kỹ thuật tim phổi nhân tạo, mỗi ngày chi phí vài chục triệu đồng.

Do đó trung bình một bệnh nhân ở khoa Hồi sức tích cực phải tiêu tốn 300-400 triệu đồng, không ít bệnh nhân phải chi tiền tỷ. Với những bệnh nhân có BHYT, được BHYT chi trả ít nhất 80% thì vài chục triệu đồng còn lại, gia đình vẫn có thể lo được. Nếu như không có BHYT, cùng lúc phải lo viện phí 500-600 triệu đồng thì đến người giàu cũng… khóc. Theo GS Bình, hiện ở khoa thường có khoảng 30% người bệnh không có BHYT, mà rất nhiều người ở ranh giới giữa nghèo và cận nghèo, không có tiền tích cóp.

Chia sẻ câu chuyện này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – phụ trách khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư) cho biết: “Một ngày nằm ở khoa Hồi sức tích cực có chi phí 30-80 triệu đồng. Mà đã bước vào khoa cấp cứu toàn ca nặng, phải điều trị dài ngày. Nhiều ca chạy tim, phổi nhân tạo hết 600-700 triệu đồng. Mỗi tháng khoa Cấp cứu có khoảng 150 bệnh nhân, trong đó người không có BHYT chiếm 20-30%”.

Theo bác sĩ Cấp, các nhóm bệnh có chi phí lớn, đổ bệnh bất ngờ là bệnh nhiễm trùng như uốn ván, liên cầu lợn, viêm phổi, H1N1, H5N1… Đáng tiếc, các bệnh nhân bị các nhóm bệnh này thường sống ở quê hoặc là lao động tự do, hoàn cảnh kinh tế còn eo hẹp nên không mua BHYT, đến khi bệnh nặng là cả gia đình khốn đốn, vay mượn khắp nơi hoặc bán nhà, bán ruộng. 

Mời bạn đọc đón đọc: Kỳ II: “Thảnh thơi” nằm viện

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem