Ớn lạnh "quy trình" làm thuốc giả

Thứ năm, ngày 13/01/2011 16:30 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hôm qua (12-1), Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã có kết quả điều tra về đường dây sản xuất, tiêu thụ thuốc tân dược giả lớn nhất từ trước đến nay tại thị trường Việt Nam.
Bình luận 0

Thị trường hỗn loạn vì thuốc giả

Đường dây này chi phối và làm ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường thuốc tân dược tại Việt Nam. Khi đường dây này bị triệt phá, thị trường thuốc tân dược bị rúng động một thời gian dài. Hàng loạt điểm tập kết, sản xuất thuốc giả tại TP.HCM bị khám phá. Nhưng đối tượng cầm đầu đường dây này là Huỳnh Ngọc Quang - Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Việt Pháp, hiện vẫn đang lẩn trốn.

Điều đặc biệt là các bị can trong đường dây này có trình độ văn hóa chưa hết THPT nhưng lại sản xuất được bất kỳ loại thuốc chữa bệnh nào có mặt trên thị trường. Nguy hiểm nhất là thuốc kháng sinh và không ít bệnh nhân mua phải thuốc giả đã chết oan hoặc nuôi bệnh trong người vì lờn thuốc.

 img
 

Hiện chỉ mới có 14 bị can bị đề nghị truy tố gồm: Huỳnh Ngọc Tiên, Hồ Thị Kiều Hoanh, Nguyễn Hữu Dũng, Nguyễn Minh Phụng, Lê Minh Bình, Lê Đình Tuấn, Nguyễn Duy Quốc, Vũ Văn Ngọc can tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh"; Hồ Tấn Hoàng, Nguyễn Văn Kết, Nguyễn Minh Thành, Lê Văn Quang can tội "Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh"; Nguyễn Văn Phụng, Vũ Quốc Bình, can tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh".

Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã bị can Huỳnh Ngọc Quang, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Vì Huỳnh Ngọc Quang bỏ trốn nên hàng loạt đối tượng khác cũng đang ở "chế độ chờ kết tội". Hàng loạt điểm tập kết sản xuất thuốc giả bị phát hiện, cơ quan điều tra thu giữ một lượng thuốc tân dược cực lớn.

Đặc biệt, tại địa chỉ 465/2 kênh Tân Hóa, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú là nơi Huỳnh Ngọc Quang thuê làm kho chứa thuốc giả, Cơ quan điều tra đã phát hiện một lượng lớn thuốc giảm cân BVP, Celestamine, Amoxiciline, Cephalexin, Legalon, Polaramine, Neo codion, Alphachymotrysine choay, Cotaxoang, Imodium, Glow, Magne -B6, Voltaren, Vastaren, Ery, Nizoral, Calcium, Nibiol… Các loại thuốc này có mặt hầu khắp các đại lý, trung tâm phân phối thuốc sỉ ở TP.HCM và các tỉnh khác.

Ớn lạnh "quy trình" làm thuốc giả

Tại cơ quan điều tra, Huỳnh Ngọc Tiên khai làm thuốc giả là do người em ruột Huỳnh Ngọc Quang hướng dẫn và giới thiệu để lấy nguyên liệu và bao bì thuốc giả. Tiên bắt đầu sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả tại nhà số 143 Miếu Bình Đông, quận Tân Phú từ tháng 7-2009.

Phương thức sản xuất đơn giản là Tiên đi mua thuốc do các Công ty dược Việt Nam sản xuất hoặc các loại thuốc có giá rẻ ở Trung tâm Thương mại Dược phẩm và Trang thiết bị y tế (chợ thuốc quận 10), lột bỏ nhãn mác, vỏ hộp, đặt làm hoặc mua bao bì, nhãn mác, tem các loại thuốc do nước ngoài sản xuất nhập khẩu vào Việt Nam để dán nhãn mác và cho vào hộp thuốc ngoại nhằm mục đích bán ra với giá cao để thu lợi.

Tiên đã thỏa thuận để đặt Lê Văn Quang sản xuất vỏ hộp, nhãn mác thuốc Voltaren, còn vỏ hộp, nhãn mác các loại thuốc Terneurine H 5000, Becozyme, Fugacar thì Tiên mua của các đối tượng tên Thu, (không rõ lai lịch) bán dạo tại chợ thuốc quận 10, đối tượng tên Đạt ngụ tại đường Trần Thủ Độ, Tân Phú với giá 1.000 - 2.000 đồng mỗi bộ.

Cụ thể, Tiên đã mua thuốc Diclophenol của Công ty Dược phẩm Vĩnh Phúc, lột bỏ nhãn mác để dán nhãn mác của loại thuốc Voltaren vào, làm thành thuốc Voltaren 75mg do Công ty Novastis Phamaceutica-SA, Spain sản xuất. Dùng thuốc Newvita của North China Pharmacauticals Group Ltd-PRC sản xuất làm thành thuốc Terneurine H 5000 của Công ty Bristol-Myer Squibb SPA- Italya sản xuất. Dùng thuốc Vincozym của Công ty Dược phẩm Bình Định sản xuất làm thành thuốc Becozyme do Công ty Cenexi SAS-France sản xuất. Việc sản xuất thuốc giả chủ yếu do Tiên thực hiện tại gian bếp, thời gian thường là vào ban ngày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem