Theo chân cán bộ Hội Nông dân, chúng tôi tìm đến trang trại nuôi rắn của vợ chồng anh Lê Thanh Tuấn để tận mắt thấy mô hình phát triển kinh tế của gia đình.
Vui vẻ rót nước mời khách, anh Tuấn không ngần ngại kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đến với nghề nguy hiểm và có phần đặc biệt này. Vợ chồng anh vốn làm nghề buôn bán rắn thương phẩm nên thường xuyên vào Nam ra Bắc.
Mô hình nuôi rắn của gia đình anh Lê Thanh Tuấn (thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đã mang lại lợi nhuận cao cho gia đình. Ảnh: NGỌC HÂN.
Năm 2008, qua một số bạn hàng, anh được tham quan các mô hình nuôi rắn hổ mang ở tỉnh Vĩnh Phúc, thấy hiệu quả, thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng mỗi năm.
Anh Tuấn quyết tâm học hỏi và trút hết vốn liếng tích lũy có được mua 200 con rắn hổ mang và ráo trâu về nuôi thử nghiệm. Sau thời gian nuôi, đàn rắn của gia đình bắt đầu sinh sản và cho xuất bán lứa đầu tiên. Nhận thấy lợi nhuận cao từ việc nuôi rắn nên vợ chồng anh tiếp tục lấy vốn quay vòng mở rộng mô hình. Đến năm 2016, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại nuôi rắn rộng 300m2 với hơn 1.400 ô chuồng nuôi.
Dẫn khách vào tham quan các chuồng nuôi rắn, mặc dù có sự chuẩn bị trước, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi giật mình, rợn tóc gáy khi thấy anh Tuấn rọi đèn pin mở cửa chuồng bắt ra một con rắn hổ mang.
Bị làm phiền, con rắn dựng đầu, bành mang đe dọa nhưng anh làm việc này rất thành thạo, một tay nắm đuôi, một tay cầm móc ngoắc con rắn đưa ra xa, đề phòng nó quay đầu tấn công. Con rắn to bằng bắp tay người lớn, dài ngoằng, thở phì phì nên chúng tôi chỉ dám đứng từ xa quan sát và chụp ảnh.
Theo anh Tuấn, khác với kiểu nuôi truyền thống trước đây, các chuồng nuôi được xây dựng theo thiết kế hiện đại, được đóng xếp tầng từng ô để tiết kiệm diện tích và tiện cho việc chăm sóc và xuất bán; đồng thời được lắp đặt hệ thống phun sương làm mát, quạt thông gió đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè để rắn sinh trưởng và phát triển tốt.
Hiện trang trại của gia đình thường xuyên duy trì nuôi hơn 1.000 con rắn hổ mang và gần 300 con rắn ráo trâu.
|
Thông thường, rắn thịt nuôi khoảng 15 tháng, sẽ đạt trọng lượng 1,8-2,5kg và dài hơn 2m/con. Nuôi rắn lãi nhất là lúc vào vụ mùa đẻ trứng, mỗi một con rắn cái đến mùa đẻ trứng cho từ 15-20 quả và đẻ liên tục trong vòng 1 tháng, có giá bán 70.000 đồng/quả, thu về hơn 1 triệu đồng tiền trứng/con rắn cái.
Còn rắn bán thịt, với giá 650.000 đồng/kg rắn hổ mang và 450.000 đồng/kg rắn ráo trâu, bình quân mỗi năm xuất bán gần 1.500 quả trứng rắn và từ 2-3 tạ rắn thịt, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lợi nhuận gần 500 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi rắn, anh Tuấn cho biết: “Rắn thường hay bị bệnh phổi, ướp xác khiến chậm lớn và bị chết. Vì vậy, để đảm bảo cho rắn sinh trưởng và phát triển tốt, ngoài việc xây dựng hệ thống chuồng trại đảm bảo ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè, cứ 10 ngày gia đình tôi dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ và cho ăn thêm thuốc kháng sinh phòng bệnh.
Thức ăn chính của rắn là cóc, vịt con thải loại. Nuôi rắn tốn ít thức ăn, nhân công lao động vì từ 3 ngày mới phải cho ăn 1 lần nhưng giá thành bán ra thị trường rất cao. Tuy nhiên, nuôi rắn hổ mang là loại rắn cực độc, vì vậy, trong quá trình nuôi phải thật sự cẩn thận, nhất là vào mùa giao phối, rắn hổ mang thường rất dữ tợn và hay tấn công người”.
Ông Nguyễn Văn Tín, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hòa Vinh cho rằng: “Nuôi động vật hoang dã được xem là xu thế phát triển kinh tế mới, không chỉ giúp nông dân làm giàu, làm phong phú thêm động vật nuôi ở địa phương mà còn góp phần giảm lượng người vào rừng săn bắt trái phép, bảo tồn các loài động vật hoang dã trong tự nhiên”.
Anh Lê Thanh Tuấn là hộ duy nhất ở địa phương đầu tư nuôi rắn hổ mang và rắn ráo trâu thương phẩm. Đây là vật nuôi ít tốn thời gian, công sức, tiền bạc để đầu tư chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ phong phú. Ông Nguyễn Văn Tín, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hòa Vinh. |
Ngọc Hân (Báo Phú Yên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.