Ông “1080” ở thôn Hòa Trúc

Hồ Phương Phúc Chủ nhật, ngày 03/07/2016 11:30 AM (GMT+7)
Không đòi hòi lớn lao, không tính đếm ít nhiều, ông Phùng Mạnh Thực - cựu thanh niên xung phong ở thôn Hòa Trúc, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã hiến 1.080m2 đất để góp phần đưa quê hương đổi mới. Ông được nhiều người dân gọi với cái tên trìu mến: “Vua” hiến đất, hoặc ông “1080”...
Bình luận 0

Vợ chồng đồng lòng hiến “tấc vàng”

Trong căn nhà ngăn nắp, trên tường treo nhiều huân chương, bằng khen, giấy khen các loại, chúng tôi trò chuyện với ông Phùng Mạnh Thực (67 tuổi), da dẻ vẫn còn xanh xao sau một cơn bạo bệnh. Ông Thực kể: “Tôi rời thanh niên xung phong (TNXP) trở về quê năm 1970, lấy vợ rồi sinh được 5 người con. Cuộc sống khốn khó cứ bám riết lấy hai vợ chồng với đàn con nhỏ. Thời ấy, đất hoang còn nhiều, vợ chồng tôi cặm cụi bới đất lật cỏ để trồng sắn, bới nhiều đến nỗi hai bàn tay chai sần, nhăn nheo, cóc cáy. Có khu đất cỏ dại mọc um tùm, cầm tay nhổ tứa cả máu. Đôi bàn tay của tôi chai sạn bao nhiêu thì đồng đất càng dài rộng bấy nhiêu. Cuộc sống của gia đình tôi sống bám vào bùn đất từ độ ấy…”.

img

Hằng ngày ông Thực vẫn chăm chỉ với công việc ruộng vườn. Ảnh: P.P

Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng NTM, ông Phùng Mạnh Thực đã 3 lần hiến đất để làm đường giao thông nội đồng. Năm 2013, ông hiến tổng cộng 2 lần với 990m2 đất nông nghiệp. Năm 2014, ông hiến cho thôn Bạch Thạch 90m2 đất. Tính cả 3 lần, ông đã hiến 1.080m2 đất. Năm 2014 ông được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và được vinh danh là Công dân Ưu tú Thủ đô. 

Khi phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) được địa phương triển khai, mặc dù là Chủ tịch Hội Cựu TNXP của xã nhưng ông Thực bảo: Hồi đầu tôi nào có hiểu 19 tiêu chí NTM ra làm sao, chỉ đến khi cán bộ xã xuống thôn trò chuyện và phát tài liệu cụ thể thì chúng tôi mới  rõ. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, làm NTM trước tiên phải dồn điền đổi thửa và cứng hóa đường nội đồng. Nhà tôi có 7 mảnh ruộng, nằm rải rác khắp làng. Đất trũng, mỗi năm chỉ cấy thuận vụ chiêm xuân, còn vụ mùa đường đất lầy lội, lúc gặt phải lội bì bõm mấy trăm mét mới vác được bó lúa lên bờ. Lúc nào nước dâng cao thì phải đưa thuyền ra đồng kéo lúa, cực nhọc vô cùng”.

img

Tháng 5.2014, ông Phùng Mạnh Thực được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích trong xây dựng NTM. Ảnh: I.T

Là Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã, lại là hội viên Hội Người cao tuổi, ông Thực nằm trong ban khảo sát các tuyến đường nội đồng và vận động nhân dân thôn Hòa Trúc hiến đất xây dựng NTM. Nói đến chuyện mở rộng đường sá, dồn ô đổi thửa, bà con gật gù đồng ý, nhưng khi vận động hiến đất, góp của thì đa số đều chưa thống nhất, có ý kiến cho rằng đất đai là của người dân vất vả mới khai hoang được, thôn muốn lấy thì phải đền bù... Điều đó cứ xoáy vào tâm trí người cán bộ già bao trăn trở, suy nghĩ. Rồi ông Thực tự vấn mình: “Có lẽ bà con nói đúng, nhưng cũng không thể ngừng một chủ trương lớn của Nhà nước được. Nhà mình cũng có ruộng, có đất, mình chưa hiến thì dân làm sao tin?”.

Nghĩ là làm, ông Thực bàn với vợ hiến 1.080m2 cho Nhà nước. Bà Thiết - vợ ông Thực, một người phụ nữ sống tảo tần, bữa cơm cũng chỉ có con tôm con tép, đĩa rau nhưng khi nghe bàn thế vẫn ủng hộ ông hết lòng. Ông cười nói với bà, hiến đất như một trách nhiệm thôi mà...

Sau việc hiến đất tiên phong của ông, đến ông Trưởng thôn Hòa Trúc Hoàng Hồng Quân hiến 400m2 đất và 3 bụi tre lâu năm. Đường nội đồng mở rộng bao nhiêu, bà con vui vẻ góp đất bấy nhiêu. Có ông Hoàng Văn Ngàn (79 tuổi) còn xin hiến thêm 500m2. Đoạn nào vướng tường bao, bờ dậu, chủ nhà tự động phá, xây lùi vào trong. “Ngày nay ôtô, máy gặt, máy bừa cứ thế bon bon chạy thẳng tới các thửa ruộng. Trước đây ruộng chỉ cấy vụ chiêm, giờ được chỉnh trang để gieo thêm vụ mùa. Đời sống của bà con cũng dần khởi sắc” - ông Thực vui vẻ kể.

Góp phần đổi thay việc tang hiếu

Những năm trước, hễ có người trong thôn qua đời, người nhà thường phải chi 6 – 7 triệu đồng đón gánh hát về khóc thuê, vừa tốn kém vừa gây tiếng ồn. “Tôi nhận thấy nhiều đám tang tổ chức hoành tráng chỉ là để không bị tiếng “ma chê, cưới trách”, rất lãng phí, vì vậy tôi đã đề xuất với Hội Người cao tuổi thôn thành lập tổ nhạc hiếu, phục vụ tang lễ theo phong tục địa phương và ý tưởng này đã được các cụ hưởng ứng mạnh mẽ” - ông Thực kể.

Những ngày đầu tổ mới thành lập, để có kinh phí mua nhạc cụ và duy trì hoạt động, mỗi gia đình tổ chức tang ma chỉ phải đóng góp 1 triệu đồng. Nhận thấy tính hiệu quả của tổ nhạc hiếu thôn Hòa Trúc, 4 thôn khác trong xã Hòa Thạch cũng học tập làm theo. Từ đó về sau, chuyện giỗ chạp cưới xin ở xã Hòa Thạch đều được bà con tổ chức tiết kiệm, lành mạnh, góp phần chuyển biến tích cực đời sống văn hóa của làng quê... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem