Ông Bá Thanh “nắn gân” ngân hàng Đà Nẵng

Thứ năm, ngày 21/03/2013 09:31 AM (GMT+7)
Dân Việt - "Đừng có cái kiểu đi đêm với nhau rồi nâng khống tài sản từ 10 tỷ thành 100 tỷ để cho vay, rồi bên này trích cho bên kia 1-2% hoa hồng. Đến lúc tôi “rà tay” vào là chết cả nút..."
Bình luận 0

Ngày 20.3, Thành uỷ, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Ngân hàng nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ Ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Trong năm 2012, tình hình kinh tế của thành phố Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. Thị trường tín dụng ngân hàng thu hẹp, sức mua giảm, nhiều doanh nghiệp phá sản… Từ đó dẫn tới thành phố Đà Nẵng có 07/11 chỉ tiêu không đạt kế hoạch như GDP đề ra tăng 13%-13,5% nhưng chỉ đạt hơn 9%, tổng thu ngân sách giảm hơn 28% chỉ đạt hơn 81%...

Chỉ có một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch như: giá trị sản xuất nông nghiệp, giảm nghèo, giảm sinh..., ông Võ Minh-Giám đốc NHNN chi nhánh Đà Nẵng cho hay.

Cũng theo ông Minh, đầu năm 2013 tổng dư nợ cho vay tại các ngân hàng đã tăng nhẹ so với cuối năm 2012, đạt 50.757 tỷ đồng. Trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 28.429 tỷ đồng; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 22.328 tỷ đồng. Mức lãi suất cho vay tháng 1.2013 bình quân ở mức 14,06%/năm và giảm xuống 13,92%/năm vào tháng 2/2013. Tình hình cho vay ngoại tệ cũng giảm tương tự với mức lãi suất 5,84%/năm (1.2013) xuống còn 5%/năm (2.2013).

img
Ông Nguyễn Bá Thanh tham gia ý kiến tại hội nghị

Tuy nhiên trong buổi làm việc rất nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng hiện nay tình trạng các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn trong khi ngân hàng dư tiền nhưng không thể vay. Bà Nguyễn Thị Kim Nữ-Giám đốc công ty cổ phần Thiên Kim (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) bộc bạch: Công ty bà lâu nay đóng thuế, trả lãi ngân hàng đúng hẹn, đúng quy định. Năm 2012, bà là 1 trong 16 nữ doanh nhân tiêu biểu được thành phố Đà Nẵng vinh danh. Tuy nhiên khi đi vay vốn các ngân hàng đều không thể được.

Đồng ý kiến với bà Nữ, ông Hà Đức Hùng-Giám đốc công ty cơ khí Hà Giang (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) còn cho biết thêm: Từ chổ không vay được tiền ngân hàng, một số doanh nghiệp đã đi vay tín dụng đen với lãi suất rất cao để trả nợ ngân hàng, duy trì hoạt động.

Còn một số doanh nghiệp khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như công ty Minh Toàn, Phước Tiến…thì cho rằng: Hiện một số doanh nghiệp làm ăn tốt lâu nay vẫn bị ảnh hưởng của tình trạng nợ xấu mà chính họ không có mặt. Nhiều doanh nghiệp biến dự án không khả thi thành khả thi để vay vốn ngân hàng. Ngoài ra, hiện nay trần lãi suất cho vay đang khá cao, doanh nghiệp khó có thể làm ăn với lãi với lãi suất này.

Về vấn đề lãi suất, theo ông Nguyễn Văn Bình thì hiện mức lãi suất huy động ngắn hạn đã 8% nên khả năng để tiếp tục giảm là hết sức khó khăn. Và trong thời gian tới NHNN sẽ ưu tiên rót 20.000 tỷ-40.000 tỷ để cho các đối tượng có thu nhập trung bình vay phục vụ mua nhà ở với lãi suất 6%. Tuy nhiên những doanh nghiệp nào có hồ sơ tốt, dự án khả thi thì không cần tài sản thế chấp bảo đảm vẫn được vay tín chấp 100%.

Góp ý kiến chỉ đạo hội nghị ông Nguyễn Bá Thanh-Trưởng Ban Nội chính Trung Ương kiêm Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng nói: So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc…thì lãi suất ngân hàng của nước ta vẫn đang cao. Trong khi năng suất lao động thấp, sản phẩm không thể cạnh tranh dẫn tới doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều quan trọng là phải làm sao kích cầu được tiêu dùng.

Cũng theo ông Thanh, hiện nay nước ta còn tình trạng cái cần thì không làm, không đầu tư. Cái không cần thì đầu tư dàn trải. Nhiều lúc đưa ra những chính sách trái ngược với nhu cầu cuộc sống.

"Đối với ngành ngân hàng hiện nay không nên ngồi bàn giấy làm chính sách. Các anh phải xuống tìm hiểu doanh nghiệp muốn gì, cần gì chứ cứ ngồi một chổ chờ họ tới vay rồi hoạnh họe đủ điều. Trong tình hình khó khăn chung của cả nước và riêng Đà Nẵng hiện nay thì chính NHNN chi nhánh Đà Nẵng phải sát sao với doanh nghiệp với các ngân hàng. Doanh nghiệp nào có dự án tốt, khả thi cao không vay được tiền thì sắp xếp cuộc gặp giữa doanh nghiệp, ngân hàng và nếu cần thì có sự tham gia của UBND thành phố. Có như vậy mới tháo gỡ được tình trạng khó khăn hiện nay. Chứ doanh nghiệp mà "chết" thì ngân hàng cũng “tử” theo", ông Thanh nói.

Cũng trong hội nghị ông Thanh căn dặn các ngân hàng trên địa bàn thành phố: "Đừng có cái kiểu đi đêm với nhau rồi nâng khống tài sản từ 10 tỷ thành 100 tỷ để cho vay, rồi bên này trích cho bên kia 1-2% hoa hồng. Đến lúc tôi “rà tay” vào là chết cả nút. Tình trạng này ở Đà Nẵng hiện nay tôi chưa thấy chứ các tỉnh khác tôi đi kiểm tra là thấy có rồi".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem