Nhiều người dân trong vùng gọi ông với cái tên thân tình "ông giám đốc chân đất". Trước khi đến với nghề ươm cây, ông Ẩn đã làm nhiều nghề khác (nuôi chó kiểng, nuôi lợn, xay xát đậu, ép dầu…) nhưng đều thất bại.
Năm 1997, Chính phủ có Chương trình dự án trồng rừng 327, nhu cầu cây giống các địa phương rất lớn. Ông Ẩn thấy đây là một cơ hội nên mạnh dạn đi học nghề ươm cây.
|
Ông Ẩn bên vuờn cây ươm của gia đình. |
Với công việc mới này, ông xác định mình là người đi sau. Vì vậy, muốn tồn tại, ông cần chọn làm những loại cây "độc", không đụng hàng với người khác. Ông ra Hà Nội học kinh nghiệm, kỹ thuật ươm, trồng cây huỳnh đàn, bạch đàn đỏ, cây dó lấy trầm... Ban đầu, ông ươm thí điểm 30 nghìn cây, rồi năm sau nâng lên 50 nghìn cây.
Đến năm thứ 5, khi đã thành thục cách ươm, ông quyết định mua hạt giống, bao bì, thuê nhân công làm quy mô. Cây giống chất lượng, giá cả "nhà nông", cũng như sự nhiệt tình, trách nhiệm chỉ bảo cách chăm sóc cây của ông chủ vườn ươm, đã thu hút khách hàng từ nhiều nơi đổ về đặt mua.
Đến năm 2009, vườn ươm của ông có gần 1 triệu cây giống, từ cây ăn quả, như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt... đến các cây lâm nghiệp, như cay, keo, sao đen, huỳnh đàn, bạch đàn đỏ... Do khách hàng phần nhiều là công ty, doanh nghiệp nhà nước, đòi hỏi giao dịch phải có hóa đơn, chứng từ, năm 2009 ông Ẩn thành lập công ty. “Nhà có cô con gái học kế toán nên thuận lợi trong các khâu thanh quyết toán"- ông Ẩn bộc bạch.
Mỗi năm, vườn ươm cho thu nhập 100 triệu đồng, lãi ròng 50 triệu đồng. Nhờ vườn ươm, vợ chồng ông đủ trang trải việc ăn học cho 4 người con; giải quyết việc làm, cho 20 lao động nữ ở địa phương với thu nhập 100 nghìn đồng/ người/ngày.
Hiện nay các giống cây có giá trị cao như phượng tím, ôsaka (Nhật Bản), cây thần tài (châu Phi) đã tạo thương hiệu riêng cho Công ty Lộc Hồng của ông. Ông thường xuyên đưa giống cây trồng tham gia hội chợ nông nghiệp để quảng bá, giao lưu tìm kiếm khách hàng qua đó khuếch trương hình ảnh của công ty.
Vũ Vân Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.