Cuối tuần, cứ thấy anh Duy xách đạo cụ đi diễn ảo thuật ở một nơi nào đó, người mẹ gần 80 tuổi lại nhắc: "Con đừng quên mình là một giám đốc, phải giữ hình ảnh...".
Người đàn ông 47 tuổi vâng dạ. "Nhưng khi lên sân khấu, nhạc nổi lên tôi chỉ còn nghĩ mình là một nghệ sĩ, tôi phải hoàn thành tròn vai diễn của mình trước khán giả. Một bài diễn thành công là một lần tôi vượt qua bản thân mình", Ngô Đức Duy, giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân ở Phước Thái, Long Thành, chia sẻ.
"Nghiệp" biểu diễn ảo thuật chuyên nghiệp theo anh Duy từ năm 2008, nhưng đam mê bộ môn này đã có trong người anh từ khi còn là một cậu bé.
Ngô Đức Duy mồ côi cha từ năm 7 tuổi. Sợ con mình thua kém bạn bè hay hư hỏng, mẹ anh một mình làm mọi việc để con được đến trường. Bà còn cho anh thử đủ các môn năng khiếu, từ đàn ghita, vẽ hay võ thuật... Học nhiều môn nhưng, cậu bé Duy lại chỉ ấn tượng với những trò ảo thuật mỗi dịp đoàn xiếc về làng biểu diễn.
"Thời bấy giờ, nhìn ảo thuật gia biểu diễn, tôi hồi hộp lắm, những kết quả khiến tôi trăn trở và tự hỏi: Tại sao họ làm được như thế? Mình có thể làm được như họ không?", anh Duy chia sẻ.
Năm 1991, lên Sài Gòn học đại học, anh được tiếp cận nhiều hơn với bộ môn ảo thuật. Thời sinh viên, ngoài việc tự tìm hiểu qua sách báo, anh tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ ảo thuật ở Cung văn hóa lao động và Trung tâm văn hóa thành phố. Ở đó, mọi người thay nhau biểu diễn, trổ tài với những trò sở trường. Để tích cóp thêm trò mới, anh rủ mọi người cùng đổi trò với nhau. Nhờ vậy, sau mỗi buổi sinh hoạt, anh lại biết thêm vài "chiêu" mới. Đến nay người đàn ông này thành thục hơn 500 trò ảo thuật.
Ra trường, anh Duy làm việc trong ngành ngân hàng. Năm 2008, anh được bổ nhiệm làm giám đốc chi nhánh một ngân hàng, cũng là năm anh lần đầu được mời biểu diễn trên một sân khấu lớn ở Côn Đảo với màn diễn "chặt đầu và đâm xuyên thùng có người bên trong".
"Lúc bấy giờ, đảo có khoảng 8 nghìn dân. Đêm đó phân nửa đến xem tôi diễn nhưng khi biết trong số những khán giả đó có gần một nghìn chiến sĩ bộ đội đang công tác ở đảo, tôi đã rất xúc động", anh Duy kể.
Đến nay, vị giám đốc ngân hàng này đã có khoảng 100 buổi trình diễn, ở hơn 10 tỉnh thành trong nước nhưng nhiều nhất vẫn là Sài Gòn và Hà Nội.
Tuy chưa từng ra nước ngoài diễn trên sân khấu nhưng trong những chuyến du lịch, công tác, anh đều trổ tài ảo thuật trên đường phố. "Ảo thuật đường phố ở Việt Nam chưa thật sự phổ biến nhưng nước ngoài thì khác. Những chuyến sang Hồng Kong, Mỹ hay Đức, tôi thường ra đường diễn những trò nhỏ với bộ bài, đồng xu, dây, bóng bàn...", anh chia sẻ.
Năm 2010, khi đang đi trên đường ở Las Vegas, Mỹ, vị ảo thuật gia thấy trong một công trình xây dựng một chiếc thùng giấy lớn và những thanh gỗ dài. Anh nhờ những người thợ ở đó cưa chéo thành đầu nhọn. Thực hiện màn biểu diễn đâm xuyên thùng có người bên trong trước mặt những khán giả đi đường.
"Đó là một trò lớn nhưng ở một đất nước khác mà tìm được đạo cụ nhanh để diễn làm tôi rất vui và nhớ mãi", anh chia sẻ.
Thần tượng ảo thuật gia nổi tiếng thế giới người Mỹ, David Copperfield, anh Duy thích thử thách mình bằng những trò ảo thuật lớn, nguy hiểm, với những đạo cụ đầu tư công phu. "Thường thì những trò lớn như đâm chông xuyên qua thùng đang chứa người, chặt đầu, cưa hay khoan người... tôi phải tự làm đạo cụ phục vụ bài diễn", anh Duy cho biết.
Để giấu một người trong mặt bàn hoặc trong thùng, khi làm các đạo cụ đó, anh phải thử qua vài vật liệu, đổi nhiều màu sơn khác nhau để chúng mỏng manh và nhỏ hơn bình thường, đánh lừa thị giác khán giả.
"Tôi làm mặt bàn dày 20 cm nhưng sơn 5 cm phần trên và dưới màu tối, 10 cm ở giữa tôi dùng inox, mica hay sơn những màu vàng, đỏ rực rỡ. Khán giả nhìn từ xa sẽ có cảm giác bàn mỏng hơn phân nửa. Một bí quyết nữa là mặt bàn rộng sẽ trông rất mỏng, không ai ngờ tôi giấu người trong đó", anh Duy tiết lộ.
Tuy nhiên, có những lần do ưu tiên độ mỏng nhẹ của đạo cụ mà không tính đến độ vững chắc, an toàn hoặc có vật liệu bốc cháy khi chạm lửa... khiến anh phải bỏ đi làm lại đến vài lần hoặc tìm vật liệu thay thế.
"Theo đuổi những trò lớn, tôi muốn cho mọi người biết rằng: Ảo thuật gia thế giới làm được thì người Việt Nam cũng làm được", anh tâm sự.
Năm 2019, Ngô Đức Duy trở thành người thứ tám của Việt Nam được Hiệp hội Ảo thuật quốc tế (IMS) trao giải thưởng Merlin Award. Đây là giải thưởng cao quý nhất của IMS, ghi nhận những thành tựu, cống hiến của nghệ sĩ với ảo thuật. Cũng năm đó, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành tài chính – ngân hàng.
Ông Palmas Nguyen, Chủ tịch Hiệp Hội Ảo thuật quốc tế tại Việt Nam, chia sẻ: "Anh Duy được xem là một trong những ảo thuật gia hàng đầu của Việt Nam, có đủ những tiêu chuẩn của một ảo thuật gia đẳng cấp quốc tế. Lên sân khấu, Duy thể hiện rõ sự đam mê, cháy hết mình như một nghệ sĩ, trái ngược với ngoài đời là một người rất điềm đạm và giản dị".
Trở thành một ảo thuật gia nổi tiếng nhưng anh chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ công việc ở ngân hàng để chuyên tâm biểu diễn. "Với tôi, ngành tài chính là sự nghiệp, ảo thuật là đam mê. Tôi chọn cách phải cân bằng, làm tốt cả hai", anh Duy nói.
Ba năm nay, anh Duy về Đồng Nai, trực tiếp quản lý, phát triển Quỹ tín dụng nhân dân Phước Thái. Anh cũng xây dựng một thương hiệu cà phê, cùng nông dân quê nhà phát triển nông sản địa phương.
Cuối tuần, anh vẫn đi diễn. Những màn biểu diễn với bàn chông, vật nhọn hay lửa nhiều lần khiến anh bị thương. Cũng giống 15 năm qua, hễ thấy con trai xách đạo cụ, trang phục ra khỏi nhà, mẹ anh lại nhắc: "Ông giám đốc đừng diễn mấy trò nguy hiểm nữa nhé".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.