Ông Lê Phước Vũ dụ cổ đông: Dự án sẽ “vững như thép, đẹp như hoa”

Thuận Hải Thứ tư, ngày 07/09/2016 06:00 AM (GMT+7)
Dù đang trong lúc dư luận cả nước xôn xao lo ngại hiệu quả của dự án tổ hợp nhà máy thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, chủ đầu tư dự án, lại đưa ra nhiều “miếng mồi ngon” tranh thủ sự đồng tình của các cổ đông.
Bình luận 0

Trước hết, dù khẳng định rằng, mình đầu tư không phải vì ham tiền nhưng cơ sở đầu tiên được ông Vũ đưa ra cho việc đầu tư “siêu dự án” này là hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mang lại cho cổ đông, giúp cổ đông “ngon cơm” khi đầu tư mua cổ phiếu Hoa Sen Group.

Theo đó, phân kỳ đầu tiên (I.1) của dự án sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7.2018 với sản lượng tiêu thụ dự kiến 500.000 tấn thép, mang lại doanh thu 4.750 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 95 tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, sản lượng tiêu thụ sẽ tăng lên mức 1,5 triệu tấn với mức doanh thu đạt 14.250 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu này, ông Vũ cho rằng, các cổ đông không phải lo ngại gì về thị trường tiêu thụ, vì các đối tác hiện nay đang rất “đói hàng”. Họ còn tới năn nỉ xin Hoa Sen cung cấp hàng để các cơ sở của họ được có nguyên liệu hoạt động.

img

Phối cảnh tổ hợp “siêu dự án” nhà máy thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận nhìn từ trên cao.

“Quý vừa rồi Hòa Phát lời hơn 2.000 tỷ, 80% là nhờ thép, dại gì không làm! Vừa rồi có nhiều người lo lắng cho tương lại đất nước, tuy nhiên, không thiếu những người đố kỵ, ganh tỵ với Hoa Sen Group, cũng không loại trừ các đối thủ ném gạch bánh xe, sợ mình lớn mạnh hơn họ!”, ông Vũ lớn tiếng tại đại hội cổ đông bất thường HSG vừa tổ chức ở TP.HCM sáng qua.

Ông Vũ còn cho rằng, đây là “cơ hội vàng”, không thể bỏ qua cho Việt Nam. Vì thép Trung Quốc đang bị các nước đánh thuế bán phá giá rất nặng, do đó, Việt Nam có thể “nhảy vào”, thay thế Trung Quốc!

Bên cạnh lợi nhuận, ông Lê Phước Vũ cũng “trấn an” các cổ đông trước những lo ngại về những sự cố môi trường bằng việc đưa ra các cam kết về công nghệ. Ông khẳng định, làm sản xuất công nghiệp là có ô nhiễm, có chất thải, khí thải, có nước thải. Nhưng với công nghệ hiện nay, công nghệ của Mỹ, của Đức, Châu Âu… thì không lý do gì không xử lý được!

Thế nhưng, trả lời câu hỏi về việc Hoa Sen Group sẽ chọn công nghệ Châu Âu hay công nghệ Trung Quốc, ông Vũ xin được “trả lời sau”. Tiếp đó, vị này lại lấy ví dụ thêm rằng, hiện nay, các tổ hợp thép của Ấn Độ, Brazil, Mexico, Đức, Nhật, Áo… họ đều sử dụng công nghệ Trung Quốc hết! (?).

“Cho nên ta có dùng công nghệ Châu Âu hay Trung Quốc thì cũng là từ Trung Quốc mà ra thôi, 80% là như thế! Còn bây giờ, ông bảo rằng chúng ta đấu thầu thiết bị phải Châu Âu, công nghệ của Châu Âu hết… Xin lỗi thôi đừng làm khỏe hơn. Làm thế lỗ chết! Giá thành của Châu Âu cao gấp 2 gấp 3 các thiết bị, công nghệ các nước khác (ý nói Trung Quốc - PV) thì làm sao mà có lời được? Hòa Phát họ lời 2.000 tỷ đồng cũng toàn nhờ thiết bị Trung Quốc đó thôi!”, ông Vũ nhấn mạnh.

Ông Vũ cam kết phải có một chuyên gia riêng về môi trường và phải đến từ Châu Âu, hoặc Mỹ tham gia vào dự án bởi: “Tôi không đứng trước thủ tướng hứa suông đâu”.

 Ngoài ra, vị này cũng hứa rằng, sau này lựa chọn công nghệ, thiết bị minh bạch, các chuyên gia giám sát của Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công thương kể cả tỉnh Ninh Thuận thông qua thì  mới làm, không cho không làm!.

Bên cạnh đó, Hoa Sen Group cũng cam kết sẽ thuê đơn vị giám sát độc lập của Mỹ theo sát quá trình triển khai dự án, không để xảy ra sai sót về vận hành,  về thiết bị… đặc biệt là khâu giám sát và nghiệm thu.

“Dự án hàng tỷ USD chứ phải chơi đâu! Chúng ta sẽ “vững như thép nhưng đẹp như hoa” chứ không như Formosa đâu, quý vị yên tâm đi!”, ông Vũ hứa hẹn với cổ đông.

Còn vế vấn đề về vốn vay, ông Vũ “khoe” rằng hiện đã có “mười mấy ngân hàng cam kết cung ứng vốn cho dự án. Giai đoạn 1, VietinBank đã cam kết tài trợ vốn 500 triệu USD, những giai đoạn sau nếu triển khai nhanh thì sẽ lựa chọn thêm các phương án khác nhau.

 “Năm nay lợi nhuận để lại hơn 2.000 tỷ, năm sau chắc chắn lợi nhuận cao hơn, năm sau nữa chắc chắn cao hơn nữa. Cứ lấy đó đầu tư, nếu làm giai đoạn một xong, có lời, thì lấy tiền đó đầu tư tiếp” – ông Vũ nói.

Ông Vũ cũng nói thêm, trong vòng 10 năm nữa, vốn điều lệ của HSG sẽ tăng lên 10.000 tỉ đồng, thậm chí 20.000 tỉ đồng “dễ như chơi vì uy tín của HSG có đầy. Chưa bao giờ HSG phải đi xin hạn mức vay cả” – ông Vũ “vẽ” ra viễn cảnh tươi đẹp cho cổ đông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem