Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Giới thiệu mô hình trồng cà chua công nghệ của mình với PV Báo Dân Việt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Nga Mai Thành Nhã mộc mạc nói: "Cán bộ thì cũng xuất phát từ dân mà ra. Nhất là cán bộ Hội nông dân thì càng phải tích cực học hỏi, tìm hiểu cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả để về ứng dụng vào thực tiễn địa phương mình".
Trao đổi về tình hình địa phương, ông Nhã cho biết: Hội Nông dân xã Lộc Nga có 1.800 hội viên/2.200 hộ nông nghiệp. Trước đây, nông dân trong xã chủ yếu trồng các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, chè… nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Bà con nông dân loay hoay trong điệp khúc "được mùa, mất giá" nên kinh tế còn nhiều khó khăn.
Là Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Nhã luôn trăn trở tìm cây trồng gì, mô hình chăn nuôi nào để bà con nông dân Lộc Nga có thể làm giàu. Với tinh thần, người cán bộ phải tiên phong, dám nghĩ dám làm, từ năm 2015, ông Nhã đã chọn hướng đi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Theo đó, ông Nhã đã chuyển đổi 1.000 đất trồng cà phê kém hiệu quả của gia đình để đầu tư nhà kính trồng cà chua công nghệ cao.
"Thời điểm đó, tôi là người đầu tiên sử dụng nhà kính trồng cà chua ở Lộc Nga. Mỗi khi gặp khó khăn là phải chạy từ Bảo Lộc lên Đức Trọng để học hỏi kinh nghiệm, có khi đi mất cả ngày nhưng mình chỉ học được một kỹ thuật rất nhỏ" - ông Nhã nhớ lại.
Để mô hình mang lại hiệu quả cao, ông Nhã chọn lọc những giống cà chua nhập ngoại về trồng. Thời đó, những giống cà chua lạ như: ToiVo, Sakata, Du Phu, Runner… khá mới mẻ với nhiều người, nhưng ông Nhã đã đưa về trồng trong nhà kính.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng cà chua công nghệ cao, ông Nhã cho biết: Kỹ thuật trồng loại cà chua nhập ngoại khác hoàn toàn so với cà chua thuần chủng, khác về cách làm đất và cách xử lí nấm đối kháng, cần nhiều công chăm sóc. Các giống cà chua nhập ngoại rất mẫn cảm với thời tiết.
May mắn, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở xã Lộc Nga mát mẻ quanh năm, cũng như được chăm sóc tốt nên vườn cà chua nhà ông Chủ tịch Hội Nông dân luôn xanh tốt, sum suê trĩu quả.
Từ 1.000m2 ban đầu, đến nay, ông Nhã đã mở rộng diện tích nhà kính trồng cà chua công nghệ cao lên 4.000m2. Trung bình 1.000m2, ông Nhã trồng từ 1.000 - 1.200 cây cà chua và áp dụng kỹ thuật chăm sóc "3 trong 1" (tưới nước, bón phân và theo dõi) bằng hệ thống tự động.
Ông Nhã cho biết, các giống cà chua này có ưu điểm là năng suất cao, quả to, đều và đẹp. Thời gian thu hoạch cà chua kéo dài 6 – 7 tháng một vụ, năng suất đạt 10-12 tấn/1.000m2/vụ. Với diện tích 4.000m2, ông Nhã thu hoạch trên 80 tấn cà chua/năm.
Trung bình cứ 3 ngày, ông Nhã thu hoạch cà chua 1 lần và được thương lái đến tận nhà thu mua chuyển về TP.Hồ Chí Minh.
Ông Nhã cho biết với giá bán tại vườn hiện nay ở mức 15.000-20.000 đồng một kg, ông có doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm, trừ chi phí ông Nhã thu về 300 – 400 triệu đồng/năm.
"Cà chua này có vị chua thanh ngọt, ít hạt, cơm dày, nhiều bột và cho quả to đều, trung bình 200-250gr mỗi quả, có quả "khủng" nặng cả 500gr nên đầu ra ổn định", ông Nhã nói.
Vừa phát triển kinh tế gia đình, ông Chủ tịch Hội Nông dân vừa đi vận động bà con trong xã làm theo. Bản thân ông Nhã cùng Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Lộc Nga chủ động phối hợp các ngành chức năng và doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT tiên tiến cho bà con.
Cùng với các loại cây trồng chính cà phê được áp dụng KHKT vào sản xuất mang lại năng suất, chất lượng cao, bà con nông dân trong xã cũng đã đưa những giống cây ăn quả sầu riêng, bơ đưa vào trồng.
Thực hiện chương trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững Lâm Đồng, trong 5 năm qua, Hội Nông dân xã đã xây dựng được 17 mô hình bền vững, trồng mới cà phê. Hội Nông dân cũng thành lập 1 HTX nông nghiệp, 4 tổ sản xuất và kinh doanh cà phê an toàn. Cùng với đó, Hội Nông dân xã giải ngân 200 triệu đồng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhận uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 13 tỷ đồng đầu tư cho nông dân phát triển sản xuất.
Dưới sự đồng hành của Hội và học tập theo ông Chủ tịch Hội Nông dân Mai Thành Nhã, nông dân xã Lộc Nga thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2021, xã Lộc Nga có 750 nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Bản thân ông Nhã cũng là 1 trong số những hộ nông dân liên tục nhiều năm liền được bình chọn là nông dân giỏi cấp tỉnh.
Ông Nhã bộc bạch, qua thực tế sản xuất tại gia đình cho thấy, phương pháp canh tác trong nhà kính mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống, thế nhưng số vốn bỏ ra không hề nhỏ. Xã Lộc Nga cũng có một vài hộ nông dân đầu tư nhà kính, nhà lưới để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều nông dân trong xã muốn làm nông nghiệp công nghệ cao nhưng gặp khó khăn do thiếu vốn.
Ông Nhã đề nghị, Nhà nước tiếp tục có những chính sách ưu đãi hỗ trợ nông dân về vốn, hướng dẫn KHKT hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.