Ông Lía đa tài

Thứ bảy, ngày 21/09/2013 14:48 PM (GMT+7)
Sáng kiến của nhà nông đa tài Trần Văn Lía (thôn Phú Bình, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã mang lại nhiều loại máy hữu ích giúp các hộ nông dân. Ông được đề cử bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013”.
Bình luận 0
img
Vài năm trở lại đây, nhiều ND trên khắp mọi miền đất nước đã tìm đến nhà ông Lía để học tập, và mua một số loại máy có tính năng được xem là độc nhất vô nhị hiện nay. Trong số những máy do ông sáng chế có máy bắt muỗi.

Ông Lía bắt muỗi

Ông Lía kể: “Ý tưởng làm máy bắt muỗi xuất phát khi gia đình tôi mua vài con bò về thả nuôi trong chuồng. Mỗi khi trời mưa hay đứng gió, muỗi xuất hiện rất nhiều, chúng đốt bò chảy máu đến thảm thương, làm cho đàn bò bị gầy ốm. Ngoài thị trường cũng có một số dụng cụ bắt muỗi nhưng không bắt hết được lượng muỗi, mà phải tốn rất nhiều thời gian. Tôi mày mò, sáng kiến cách dùng kết hợp giữa đèn điện và máy quạt để bắt muỗi”. Máy bắt muỗi của ông Lía dùng đèn thắp sáng để thu hút lũ muỗi bay đến, sau đó dùng máy quạt gắn vào giữa một ống hút và một ống đẩy, sau ống đẩy là tấm lưới thu gom muỗi. Máy có trọng lượng khoảng 4kg, chiều cao hơn 50cm, các bộ phận được gắn kết với nhau rất chắc chắn. Sau nhiều lần thử nghiệm, cải tiến, sản phẩm chiếc máy bắt muỗi đầu tiên làm theo phương pháp thủ công được ông thử nghiệm đã bắt được 2 lạng muỗi.

Ông Lía hoàn thiện sản phẩm mới lò xử lý chất thải.
Ông Lía hoàn thiện sản phẩm mới lò xử lý chất thải.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã đặt hàng mua máy bắt muỗi của ông. Từ đầu năm 2008 đến nay, ông đã sản xuất được 1.300 máy. Giá bán hiện nay là 570.000 đồng/máy.

Máy bắt muỗi của ông hiện có mặt ở nhiều tỉnh, thành: Lâm Đồng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Phú Yên… Số lượng đặt hàng ngày càng tăng, có lúc cao điểm khách hàng đặt 5-8 cái/ngày.

Không ngừng sáng tạo

Sau thành công của máy bắt muỗi, ông Lía tiếp tục nghiên cứu chế tạo máy bắt rầy, sâu, bướm dựa trên nguyên lý của máy bắt muỗi. So với máy bắt muỗi, máy bắt sâu, rầy, bướm có chi phí cao hơn. Ông Lía tâm sự: “Tôi nghiên cứu các máy này mục đích giúp bà con nông dân giảm bớt chi phí mua thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh”. Các máy của ông chế tạo đơn giản, dễ sử dụng, độ bền cao.

Một số giải thưởng của ông Lía
Năm 2009, được T.Ư Hội NDVN tặng bằng khen vì đã đoạt Giải “Sao Thần Nông” với máy bắt muỗi phục vụ nông nghiệp.
Giải Khuyến khích Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ III, năm 2008-2009” với sản phẩm “Máy bắt muỗi và máy bắt bướm, rầy”.
Giải Khuyến khích Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” tỉnh Khánh Hoà năm 2009...


Không ngừng sáng tạo, mới đây ông bắt tay vào thực hiện đề tài “Xử lý rác thải thực vật ra phân khoáng” tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa lần thứ 5 (2012-2013). Theo ông Lía: “Đề tài này rất phù hợp với điều kiện nông thôn, sản xuất đơn giản. Sau vụ thu hoạch, bà con đem đốt trấu, rơm rạ, thân mía… vừa ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí. Tôi nghiên cứu xử lý rác thải với mong muốn tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng năng suất và giảm ô nhiễm môi trường”.

Không chỉ là nhà sáng chế tài ba, ông Lía còn là một ND sản xuất giỏi trong trồng ớt xuất khẩu và dưa leo. Đặc biệt, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 21 lao động ở địa phương và giúp 7 hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo. Riêng thu nhập của gia đình ông, trung bình mỗi năm là 365 triệu đồng. Liên tục 5 năm trở lại đây, ông được công nhận là ND sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Công Tâm (Công Tâm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem