Thưa ông, Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam 2014” đã bước sang năm thứ 2. Ông có thể cho biết, nội dung chương trình năm nay có gì thay đổi so với năm 2013?
Quan điểm
Nhà báo Lưu Quang Định •
Tổng biên tập báo NTNN, Phó ban thường trực BTC Chương trình "Tự hào Nông dân Việt Nam"
Chương trình nhằm đề cao vai trò, vị thế của người nông dân Việt Nam trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; phát hiện, tôn vinh và nhân rộng những gương nông dân điển hình tiên tiến trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, có những phát minh, sáng tạo áp dụng hiệu quả trong sản xuất…
- Tiếp nối thành công từ Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” năm 2013, Thường trực T.Ư Hội NDVN đã chỉ đạo tiếp tục duy trì chương trình. So với lần thứ nhất, có thể nói chương trình năm nay đã thu hút được sự quan tâm, vào cuộc của nhiều bộ, ngành hơn. Ban chỉ đạo của chương trình ngoài Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội NDVN, năm nay còn có thêm Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương. Thành phần Hội đồng bình chọn cũng được mở rộng hơn với 12 thành viên đến từ T.Ư Hội NDVN, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tài nguyên- Môi trường, Bộ KHCN... Công tác chỉ đạo, tổ chức của chương trình đã được chúng tôi chuẩn bị từ rất sớm. Thể lệ bình chọn đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, và tới tất cả các tỉnh, thành hội trong cả nước.
Được biết, so với năm 2013, năm nay Ban Tổ chức có mở rộng các kênh đề cử ND xuất sắc. Ông có thể cho biết rõ hơn về những thay đổi này?
- Việc đề cử ND xuất sắc năm nay đã được chúng tôi mở rộng thêm ra 3 kênh nữa. Ngoài kênh đề cử của Hội ND các tỉnh, thành phố, Ban Tổ chức chương trình đã mở rộng thêm các kênh đề cử do các nhà báo, nhà khoa học, các chuyên gia về tam nông giới thiệu, thậm chí cả kênh do chính ND tự đề cử. Với sự mở rộng kênh đề cử này, năm nay số lượng ND được đề cử vào vòng chung khảo đã tăng lên đáng kể: 148 người so với hơn 114 ứng viên của năm 2013 thuộc đủ các lứa tuổi, thành phần.
Các ND trong danh sách đề cử đã được Ban Tổ chức thẩm định như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi có 2 kênh thẩm định: Kênh thứ nhất là thẩm định tại thực địa. Đoàn thẩm định gồm có đại diện của Ban Tổ chức, của chính quyền địa phương, Hội ND tỉnh, huyện, xã, cùng phóng viên của VTV và phóng viên Báo NTNN đã đi tổng cộng 8 tỉnh cả 3 miền Bắc, Trung, Nam và trực tiếp thẩm định 11 trường hợp ND được đề cử. Kênh thứ hai là báo chí. 32 phóng viên, cộng tác viên của chúng tôi từ khắp mọi miền Tổ quốc đã phát hiện, thẩm định, đi tác nghiệp, viết bài gửi về Cuộc thi viết “Tự hào nông dân Việt Nam” do Báo NTNN tổ chức.
Ông có thể cho biết, vì sao Ban Tổ chức chỉ bình chọn 63 ND xuất sắc, trong khi cả nước còn rất nhiều ND tiêu biểu đáng được tôn vinh?
- Thực tế, như chúng ta đã biết nước ta hiện có tới gần 70% dân số làm nông nghiệp, trong đó có tới 4,2 triệu hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Việc lựa chọn ra 63 người xuất sắc nhất trong con số 4,2 triệu người là vấn đề không đơn giản chút nào. Ban Tổ chức và Hội đồng bình chọn đã phải soạn thảo những tiêu chí bình chọn tương đối chặt chẽ, chi tiết để bao quát được mọi địa bàn (63 tỉnh, thành), mọi ngành nghề (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy hải sản, dịch vụ nông nghiệp), mọi lĩnh vực lớn (xây dựng nông thôn mới, an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, phát minh sáng chế…).
Tuy nhiên, như đã nói, số lượng những ND có thành tích xuất sắc thì quá lớn, số lượng những ND xuất sắc mà Ban Tổ chức có thể vinh danh thì có hạn, nên mọi tiêu chí, dù có chi tiết đến đâu cũng chỉ là tương đối…
Đã là ND xuất sắc thì phải biết sản xuất, làm giàu với doanh số lớn không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn cho cả cộng đồng. Ông có thể nói rõ hơn, trong 63 ND tiêu biểu lần này, tiêu chí “doanh số” có phải là yếu tố quyết định hay không, thưa ông?
- Đúng là doanh số là một điều kiện quan trọng nhưng không phải quyết định tất cả việc người ND đó có được bình chọn là ND xuất sắc hay không. Khi nhìn vào những con số 10, 20 hay thậm chí 40-50 tỷ đồng ai cũng có thể hình dung con số đó lớn như thế nào đối với người ND, và nếu chỉ xét về doanh số, có lẽ những nông dân trồng cây công nghiệp hay nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, kinh doanh vật tư nông nghiệp sẽ chiếm đa số. Vì thế, ngoài điều kiện là doanh số, chúng tôi còn “ràng buộc” thêm nhiều tiêu chí khác để xét chọn.
Tôi nói, chẳng hạn như người trồng lúa có đáng tôn vinh không? Nước ta, hiện người trồng lúa rất đông, song nghề trồng lúa là nghề cho thu nhập vào loại thấp, hiệu quả cũng thấp, làm giỏi lắm chỉ thu được 100 triệu đồng/ha/năm là cao. Tuy nhiên, chính những người trồng lúa lại có rất nhiều đóng góp trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, duy trì vị trí xuất khẩu gạo thứ 2 trên thế giới. Nếu trong số các ND xuất sắc mà không có người trồng lúa cũng là không công bằng. Trong số 63 ND xuất sắc năm nay chúng tôi đã lựa chọn ra được 6 người tiêu biểu trong trồng lúa. Hay nếu đem một người xuất sắc trong nuôi tôm với doanh số cả 10 tỷ đồng/năm so sánh với những người có thành tích đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, thì khi đó chúng ta phải cân nhắc, chọn lựa chứ không thể cứ “áp” theo doanh số được.
Trong khuôn khổ chương trình, như ông nói, Báo NTNN có phát động cuộc thi viết cùng tên “Tự hào Nông dân Việt Nam”. Ông có thể cho biết rõ hơn về cuộc thi viết này?
- Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam” trên báo NTNN do Báo NTNN phối hợp Công ty CP Phân bón Bình Điền tổ chức, chính thức được phát động từ tháng 10.2013 và kết thúc nhận bài vào tháng 9.2014. Mục đích chính của cuộc thi là nhằm phát hiện, cổ vũ, động viên kịp thời gương các ND tiêu biểu. Cuộc thi này cũng nhằm để chúng tôi phát hiện và đề cử các ứng viên vào danh sách ND Việt Nam xuất sắc năm 2014. Thông qua cuộc thi, chúng tôi muốn tạo sân chơi cho các “cây viết” chuyên và không chuyên trong cả nước tìm hiểu sâu hơn về ND.
Kết thúc cuộc thi, chúng tôi đã nhận được gần 1.000 tác phẩm tham dự, trong đó có hơn 150 bài được lựa chọn để đăng tải trên báo NTNN ra hàng ngày và báo điện tử Dân Việt. Ban Giám khảo cuộc thi với những nhà báo, nhà văn có uy tín (do nhà báo Hữu Thọ làm Trưởng ban, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Văn Chinh, các nhà báo Trần Bá Dung, Huy Hà) đã làm việc hết sức nghiêm túc để trong số 51 tác phẩm lọt qua vòng sơ khảo, đã chọn tiếp được 12 tác phẩm của 12 tác giả được trao các giải thưởng của cuộc thi, bao gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 6 giải Khuyến khích. Được biết, các thành viên Ban Giám khảo cũng như dư luận nói chung đánh giá rất cao cuộc thi trên cả 2 phương diện số lượng bài dự thi lẫn chất lượng các tác phẩm đoạt giải.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.