Ông nghị “thấy bất bình chẳng tha”

Thứ ba, ngày 01/02/2011 09:05 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trên nghị trường ông luôn có những chất vấn thẳng thắn. Ngoài đời, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu đơn kiện của công dân với thái độ nghiêm túc nhất nhằm bảo vệ dân nghèo.
Bình luận 0
 img
Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông chất vấn tại kỳ họp thứ 8, khoá XII.

Trải lòng với NTNN, ông gói gọn trong mấy chữ: “Đời tôi là thế”! Ông là Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông (Thanh Hoá).

Có lãnh đạo không ưa tôi

Thưa ông, "Đời tôi là thế" nghĩa là thế nào?

- Nếu ai muốn biết rõ hơn về tôi, có thể tìm đọc cuốn "Đời tôi là thế" do NXB Thanh Hoá phát hành. Trong cuốn sách này tôi đã tự sự, kể về cuộc đời mình, với những thăng trầm của số phận. Đời tôi vui nhiều, vất vả cũng lắm.

Tôi được sinh ra giữa đồng, người dân thay bác sĩ đỡ đẻ cho mẹ tôi, cái liềm mượn của người cắt cỏ được dùng để cắt rốn cho tôi. "Tuổi thơ dữ dội" nên cuộc đời tôi cũng dữ dội là điều dễ hiểu.

Tôi tôn thờ tính trung thực và ghét sự dối trá, nên thấy ngang trái là can thiệp. Chính vì điều này mà có nhiều vị lãnh đạo đã không ưa gì tôi. Họ chỉ quan hệ và sử dụng tôi ở vòng ngoài (cười). Nhưng sự đời luôn công bằng, người có quyền lực đôi khi lại không được lòng dân (!?).

Đặt giả thiết, nếu được bổ nhiệm vào một chức vụ nào đó về mặt chính quyền, ông có còn phát biểu ngay thẳng, có làm ngơ trước "chuyện bất bình" hay không?

- Câu hỏi thú vị đấy nhưng không nên đặt giả thiết như vậy. Tôi cầm tinh con Hổ (SN 1950) nhưng có người nói rằng đời tôi không khổ vì có tâm sáng. Tôi không duy tâm nhưng nghiệm thấy cuộc đời từ trước tới nay chưa từng hại ai cả, và cũng chưa hề gây thù chuốc oán cho ai, chỉ có cái bệnh nóng tính và hay nói thẳng, nói thật. Bao nhiêu năm công tác, cái "bệnh" đó không buông tha tôi. Do đó, đừng đặt giả thiết tôi làm lãnh đạo.

Đến thời điểm này có thể tóm cuộc đời hoạt động của tôi như sau: 3 năm làm cán bộ kỹ thuật, 6 năm làm cán bộ chuyên trách công đoàn, 8 năm làm ở Hội đồng Nhân dân tỉnh, 8 năm làm ĐBQH chuyên trách. Nói chung, toàn ở vị trí dân cử.

Cả quá trình 35 năm công tác, cộng với tính cách của tôi thì những vụ việc liên quan đến cử tri, liên quan đến quyền lợi của dân tôi đều phải đeo đuổi, bảo vệ. Cách tôi bảo vệ dân không có gì đặc biệt cả, tôi xông vào phòng các cơ quan chức năng đề nghị họ làm rõ, trả lời những vướng mắc của dân. Không làm rõ, lần sau tôi lại đến gõ cửa tiếp...

Thưa ông, nhiều người thắc mắc, một ông nghị ăn to nói lớn, hiệp nghĩa như ông sao lại có nhà lầu, trang trại - điều chỉ quan chức, người giàu mới có?

- Đúng là tôi có một ngôi nhà lầu với chừng 2.000m2 vườn cây ở lưng chừng đồi Đình Hương (TP. Thanh Hoá) mà trong cuốn sách "Đời tôi là thế" đã đề cập khá rõ nguồn gốc hình thành. Năm 1984, khi tôi đang làm cán bộ công đoàn của Nhà máy cơ khí Thanh Hoá, gia đình đã bỏ ra 5 chỉ vàng để mua mảnh đất nói trên.

Khi đó, nơi đây là vùng đất hoang hoá, không có người ở, hay gọi là nơi chó ăn đá, gà ăn sỏi. Ai đến thăm gia đình cũng thở dài, lắc đầu ngao ngán. Nhưng tôi không nản, cả hai vợ chồng tôi quanh năm suốt tháng cần mẫn như con ong thợ.

Qua 25 năm, tức là 1/4 thế kỷ gia đình tôi liên tục kiến thiết, xây dựng, mỗi năm thêm một công trình nên mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Giờ nhìn lại thành quả, thấy lúc nào về hưu có chỗ nhâm nhi với bạn bè trong lòng cũng vui vui.

Lo thiết chế ở trên giấy

Thưa ông, còn nhớ tại kỳ họp Quốc hội gần đây nhất, ông và đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã đề nghị thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra vụ Vinashin (nhưng sau này không được đồng ý). Nếu bây giờ được phát biểu lại, ông có thay đổi quan điểm không?

- Tôi vẫn đề nghị như thế. Thực ra, trước khi có những đề nghị như vậy, tôi đã suy nghĩ rất kỹ. Theo phân cấp hiện nay, việc quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Chính phủ thực hiện. Vậy khi để xảy ra chuyện lình sình ở Vinashin chắc chắn những cá nhân, tập thể có liên quan phải chịu trách nhiệm.

img Tôi tôn thờ tính trung thực và ghét sự dối trá, nên thấy ngang trái là can thiệp. Chính vì điều này nên có nhiều vị lãnh đạo đã không ưa gì tôi. Họ chỉ quan hệ và sử dụng tôi ở vòng ngoài thôi. img

ĐBQH Lê Văn Cuông

Trách nhiệm mà tôi nói ở đây là phải được xác định rõ ràng chứ không phải nêu trách nhiệm chung chung như các báo cáo đề cập. Thế còn vì sao chúng tôi đề nghị thành lập Uỷ ban lâm thời để điều tra vụ Vinashin? Lý do quan trọng vì cử tri mong muốn QH phải thực hiện đúng thẩm quyền của mình nhằm tạo tiền lệ để mở đường cho các khoá sau thực hiện đúng chức năng pháp luật quy định. Các thiết chế của pháp luật, QH phải đưa vào cuộc sống, chứ không chỉ để trên giấy.

Có những đề nghị mạnh mẽ như vậy, ông đòi hỏi điều gì?

- Tôi thiên về việc cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp với mục đích tránh lặp lại những điều đáng tiếc có thể xảy ra trong tương lai đối với các tập đoàn khác. Nếu không làm rõ nguyên nhân, tìm đúng bệnh để chữa thì dù chúng ta có xử lý người này nhưng người khác lên cũng sẽ mắc khuyết điểm.

Đó không phải là lần đầu tiên ông có những đề nghị gây sự chú ý mạnh mẽ như vậy. Sau những đề nghị này, ông có chịu sức ép nào từ các bên liên quan?

- Tôi cảm thấy thanh thản vì nói lên được vấn đề mà cử tri quan tâm, gửi gắm. Đề nghị làm rõ trách nhiệm của tôi mang tính xây dựng, khách quan với động cơ trong sáng, không có ý chụp mũ hay quy chụp. Vì thế, tôi không sợ sức ép nào cả.

Đại biểu Quốc hội phải có chính kiến

Ngoài vụ việc nói trên, ông cũng được cho là ĐBQH cương trực, thẳng thắn khi liên tục chất vấn những vấn đề nóng: Chạy chức, chạy quyền; thành lập tràn lan các trường đại học... Thưa ông, với những chất vấn đó, ông được cho là ĐB không chọn giải pháp trung hoà?

- Theo tôi đã là ĐBQH thì phải có chính kiến mỗi khi phát biểu chứ không nên nêu chung chung. Cử tri sẽ không bao giờ đồng tình với những ĐB ba phải đâu. Quan điểm của tôi bao giờ cũng rõ ràng, độc lập, luôn lắng nghe nhưng không phụ thuộc vào ý kiến của ai cả.

Đến thời điểm này, QH khoá XII chỉ còn 1 kỳ họp ngắn nữa, ông thấy điều mình đã làm được và điều gì còn nợ cử tri?

- Điều lớn nhất là tôi đã chuyển tải được nhiều tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri lên diễn đàn QH. Nhiều vấn đề đã được cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết như: Chế độ cho cán bộ xã, thôn; Chính sách phát triển hạ tầng giao thông, thuỷ lợi ở miền núi; Nâng cấp đê biển, đê sông… Tuy nhiên, tôi còn nợ cử tri nhiều, ví dụ như chính sách đối với giáo viên bậc học mầm non ngoài biên chế... hay nhiều oan ức, bức xúc của cử tri gửi gắm đại biểu chưa được các cấp chính quyền quan tâm, giải quyết. Những việc này tôi đã kiến nghị nhiều nhưng qua theo dõi chưa thấy có chuyển biến.

Xin cảm ơn ông!

Những chất vấn mạnh mẽ của Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông

* Ngành giáo dục còn bao biện, né tránh

Chúng tôi luôn phản ảnh về những yếu kém, tiêu cực trong ngành giáo dục, nhất là trong đào tạo đại học, trên đại học nhưng rất ít được quan tâm xem xét, giải quyết. Trái lại trong một số báo cáo tiếp thu, giải trình lại mang tính thanh minh, bao biện, né tránh trách nhiệm.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ GD - ĐT về chất lượng đào tạo đại học

* Nuông chiều ngành điện

Ngành điện khi cần tăng giá điện thì nói là lỗ nặng còn khi cần tiền thưởng lại nói là lãi to. Khi công dân vi phạm giao thông chúng ta phạt không tha, còn ngành điện làm thiệt hại cho dân lại không làm sao cả. Tôi cho rằng đang có sự nuông chiều đối với ngành điện.

Chất vấn Bộ trưởng Công Thương về tình hình thiếu điện, cắt điện triền miên

* Đừng để con cháu gánh nợ

Nếu Quốc hội thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam đồng nghĩa với việc các khoản nợ quốc gia sẽ vượt quá mức an toàn, để lại hậu quả nặng nề cho con cháu đời sau phải trả nợ hoặc sẽ trở thành nước bị vỡ nợ.

Chất vấn Bộ trưởng GTVT về Dự án Đường sắt cao tốc Bắc- Nam

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem