Ông Nguyễn Khắc Định làm trưởng ban xây dựng dự thảo về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng
Ông Nguyễn Khắc Định làm trưởng ban xây dựng dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTN
Hoàng Thành
Thứ sáu, ngày 04/03/2022 17:13 PM (GMT+7)
Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng có 17 thành viên do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Trưởng Ban.
Đảng đoàn Quốc hội vừa có Quyết định số 556-QĐ/ĐĐQH15 thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự thảo "Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật" do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành.
Ban soạn thảo gồm các thành viên sau đây:
1. Ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban.
2. Bà Lê Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Trưởng Ban Thường trực.
3. Ông Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Trưởng Ban.
4. Ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban.
5. Ông Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên.
6. Ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên.
7. Ông Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Ủy viên.
8. Bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Ủy viên.
9. Ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ủy viên.
10. Ông Lê Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy viên.
11. Ông Lê Tấn Tới, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội, Ủy viên.
12. Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên.
13. ÔNg Dương Thanh Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên.
14. Ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên.
15. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên.
16. Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên.
17. Ông Nguyễn Danh Tú, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên.
Ban soạn thảo có nhiệm vụ triển khai xây dựng dự thảo "Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật" theo Kế hoạch số 555-KH/ĐĐQH15 ngày 3/3/2022 của Đảng đoàn Quốc hội.
Ban soạn thảo chịu trách nhiệm trước Đảng đoàn Quốc hội; làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể thảo luận, Trưởng Ban soạn thảo kết luận và chỉ đạo thực hiện.
Trưởng Ban soạn thảo thành lập Tổ biên tập để giúp Ban soạn thảo thực hiện nhiệm vụ.
Các Phó Trưởng Ban soạn thảo giúp Trưởng Ban tổ chức công việc của Ban soạn thảo, điều hành hoạt động của Tổ biên tập.
Thành viên Ban soạn thảo thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Ban soạn thảo và chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trưởng Ban soạn thảo; được sử dụng bộ máy và cán bộ thuộc các cơ quan, đơn vị mình phụ trách để thực hiện nhiệm vụ.
Ban soạn thảo được sử dụng con dấu của Đảng đoàn Quốc hội và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Thường trực Ủy ban Tư pháp là cơ quan thường trực của Ban soạn thảo, có trách nhiệm tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Ban soạn thảo.
Văn phòng Quốc hội bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết khác phục vụ hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập.
Kế hoạch số 555-KH/ĐĐQH15 ngày 3/3/2022 quy định 4 nhiệm vụ của Ban soạn thảo như sau:
Nhiệm vụ 1: Chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.
Nhiệm vụ 2: Chỉ đạo tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Nhiệm vụ 3: Chỉ đạo hoàn thiện cơ chế giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp để phòng, chống tiêu cực.
Nhiệm vụ 4: Chỉ đạo rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán …; sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các dự án luật liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.