Vấn đề nóng về đạo đức xuống cấp, được nhắc đến tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ VHTTDL, đã được nhiều chuyên gia, nhà quản lý đề cập và lo ngại.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng đạo đức xuống cấp bởi mặt trái của kinh tế thị trường. Những giá trị cũ không còn thích hợp chưa mất hẳn, nhưng giá trị mới phù hợp hơn chưa thực sự định hình. Những tấm gương đạo đức trước đây có tác dụng lớn, giờ không còn vị trí, khiến xã hội rơi vào khủng hoảng giá trị. Nghề y và nghề giáo vốn được xem là cao quý nhưng luôn xảy ra những vụ việc đau lòng.
Một lý do nữa được đưa ra là nhiều người trẻ Việt Nam đang lạc lối trong xác định lý tưởng sống, chạy theo sự đua đòi.
Về điều này, ông Nguyễn Sự - nguyên Chủ tịch, Bí thư Thành uỷ Hội An, tỉnh Quảng Nam đã có những chia sẻ thẳng thắn, cởi mở với Dân Việt.
Ông Nguyễn Sự - nguyên Chủ tịch, Bí thư Thành uỷ Hội An, tỉnh Quảng Nam chia sẻ với Dân Việt. Ảnh: Thanh Hà
Giáo dục có vấn đề
Ông Nguyễn Sự cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra sự xuống cấp đạo đức trong xã hội hiện nay, trong đó có một vài lý do chủ yếu sau.
“Khi đạo đức xuống cấp, cái tốt không được ca ngợi, thậm chí có những người có hành động tốt còn bị coi là hâm, không bình thường. Tự nhiên người đó bị nhìn nhận theo một cách bất thường, trong khi đáng lý ra đó là điều hết sức bình thường.
Điều thứ hai tôi muốn nói đến là giáo dục có vấn đề. Giáo dục từ trong gia đình tới nhà trường đến xã hội đều có vấn đề. Những hành động dã man thì được nhắc tới hàng ngày như các vụ án mạng, cưỡng bức, có khi đau lòng là người trong cùng gia đình… hay như chế biến những hoá chất độc hại vào thực phẩm khiến con người ngày càng mắc nhiều loại bệnh ung thư, thậm chí dã man tới mức chế biến thuốc giả để bán cho người ta chữa bệnh… nhưng nhiều vụ việc không được xử nghiêm minh.
Điều này dẫn tới việc người tốt sợ kẻ xấu, người ngay sợ kẻ gian. Ra đường người đàng hoàng sợ kẻ lưu manh, thấy điều sai trái không dám lên tiếng, phản ứng mà cúi mặt bước đi. Điều đó đã tạo nên những con người chỉ biết mình, co người lại vì sợ những điều xấu, sai trái…
Điều tệ hại hơn nữa là họ mất niềm tin vào xung quanh, họ không biết tin điều gì trong xã hội. Nên họ chỉ còn một cách duy nhất, là đi tìm một nơi để tạo cho họ bình yên, tin tưởng, và nơi đó thường là nơi vô hình, chốn tâm linh.
Khôi phục, xây dựng đình Thành Hoàng làng
Một thực trạng nữa, chúng ta đang thiếu đi những văn hoá mang tính căn bản, cái gốc của đạo đức, mà điều này tôi cũng nói cách đây nhiều năm, trong một buổi trò chuyện với ông Lê Huy Ngọ - nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT về việc xây dựng nông thôn mới. Trong việc phát triển nông thôn mới có tới mười mấy tiêu chí, nhưng lại không có tiêu chí xây dựng lại đình Thành Hoàng làng - điều không thể thiếu trong mỗi thôn, làng, vùng quê của Việt Nam.
Đình Thành Hoàng làng được hiểu là nơi thờ những người đã có công tạo dựng, đóng góp cho làng đó, nên được người dân tưởng nhớ, thắp hương mỗi ngày lễ tết, xuân về. Đình còn là nơi thiết chế của cơ quan hành chính, nơi tụ họp của các hương sắc, bô lão mỗi khi làng có việc và phải xử những sự vụ xảy ra trong làng. Đình Thành Hoàng làng cũng là nơi khiến con người ta không dám làm bậy, làm càn, người xử phải nghiêm minh, công bằng, người bị xử ở dưới cũng không dám trơ tráo mà dối trá.
Là nơi thiết chế văn hoá, nơi diễn ra các ngày lễ hội của làng, là nơi tạo sự đoàn kết, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, khi nhà nào có việc lớn sẽ trình lên với hương sắc, các bô lão để được tổ chức ở đó. Là nơi để mỗi người dân đi xa lại nhớ về đình làng của mình. Đình Thành Hoàng làng cũng là nơi giáo dục, tạo tính căn bản cái gốc của đạo đức uống nước nhớ nguồn, dạy cho con cháu biết về cội nguồn, nhớ ơn người có công, tổ tiên của mình. Đình Thành Hoàng làng quan trọng và có ý nghĩa rất nhiều mặt như vậy, nhưng không phải ai cũng hiểu và được đưa vào thành tiêu chí của dự án nông thôn mới”, ông Nguyễn Sự chia sẻ.
Xây dựng đền chùa tràn lan, không giống ai
Trong khi đình Thành Hoàng làng có ý nghĩa quan trọng nhưng không được chú tâm, thì ông Nguyễn Sự cho biết, việc xây dựng đền, chùa, miếu mạo lại đang tràn lan và không giống ai.
“Hiện nay đang có tình trạng tả pí lù, lộn xộn trong việc dựng chùa, dựng miếu không giống ai. Họ ngụy biện việc dựng chùa, miếu là mang sắc thái tôn giáo nhưng không hẳn là như vậy, mà nó mang tính buôn thần, bán thánh nhiều hơn. Họ dựng để kinh doanh, như vậy là bất ổn. Từ chuyện này cho chúng ta thấy một điều rất quan trọng, một bộ phận dân chúng đã mất niềm tin vào cuộc sống, nên họ cần tìm tới một nơi vô hình để có niềm tin.
Khi mà người ta tin vào điều không có thật, không thấy, dẫn tới người ta mê muội, dẫn tới cuồng tín thì nhà nhà, người người đi cầu, đi xin. Điều này khiến các nhà kinh doanh, nhà đầu tư nhìn thấy lợi nhuận nên đã lao vào làm kinh tế tâm linh. Thậm chí họ thêu dệt nên giai thoại, rằng ở đó từng có hào quang chiếu sáng, rằng khi có hào quang chiếu sáng thì ở đó có yên bình, cầu sẽ có con…
Tôi ví dụ ở Cù Lao Chàm có một chiếc giếng cổ, giếng nước ngọt bình thường nhưng có giá trị lịch sử về mặt nhân đạo. Nơi nào có giếng tức là ở đó có người ở, có người đến mới đào giếng. Bây giờ cái giếng đó được công nhận là di tích văn hoá, và đang được nghiên cứu để đánh giá lịch sử của Cù Lao Chàm. Nhưng những hướng dẫn viên khi dẫn du khách tới Cù Lao Chàm, dẫn tới giếng cổ đó thì lại thêu dệt rằng, ai không có con thì uống nước giếng này sẽ sinh được con, ai đã sinh con gái rồi và muốn có con trai thì nên uống nước giếng này. Nếu muốn cưới thêm vợ thì cũng nên uống một ngụm…
Ý tôi muốn nhấn mạnh ở đây về việc lợi dụng lòng tin của người khác để kinh doanh, trục lợi, thì tôi không đồng tình, dù tôi nói ra có thể nhiều người sẽ phản đối ý kiến của tôi”, ông Nguyễn Sự nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.