Ông Tất Thành Cang đối diện mức án nào khi cùng đồng phạm gây thất thoát hơn 184 tỷ đồng của Nhà nước?

Chinh Hoàng Chủ nhật, ngày 26/12/2021 14:03 PM (GMT+7)
Trong vụ án SADECO, ông Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM) đã cùng với đồng phạm gây thiệt hại của Nhà nước hơn 184 tỷ đồng. Dự kiến, phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Cang và 19 đồng phạm liên quan sẽ được diễn ra tại TAND TP.HCM từ ngày 27/12 đến ngày 10/1/2022.
Bình luận 0

Ông Tất Thành Cang đối diện mức án nào?

Trong vụ án này, ông Tất Thành Cang bị cáo buộc phạm tội: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Cáo trạng nêu: Ông Tất Thành Cang là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM từ ngày 5/2/2016 đến ngày 7/1/2019, là người đứng đầu được giao quản lý tài sản của Đảng bộ TP.HCM, phụ trách Văn phòng Thành ủy.

Ngày 16/5/2017, ông Tất Thành Cang có bút phê “Đồng ý” vào Tờ trình số 1148-TTr ngày 28/4/2017 của Văn phòng Thành ủy, với giá phát hành cổ phần được xác định cụ thể là 40.000 đồng/cổ phần cho 1 cổ đông chiến lược mà không thông qua đấu giá công khai, không do tổ chức có chức năng về thẩm định giá thẩm định.

Ông Tất Thành Cang đối diện mức án nào khi cùng đồng phạm gây thất thoát hơn 184 tỷ đồng của nhà nước? - Ảnh 1.

Cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang bị truy tố tội danh "Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Ảnh: CTV

Hậu quả của việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần tại Công ty SADECO cho Công ty Nguyễn Kim đã gây thất thoát tài sản của Nhà nước là vốn của Thành ủy TP.HCM số tiền hơn 184 tỷ đồng. Cáo trạng quy kết: Hành vi của ông Tất Thành Cang đã phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự, với vai trò đầu vụ.

Cáo trạng cho thấy, Điều 219 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nhiều cán bộ liên quan nhưng chưa đến mức xử lý hình sự

Theo cáo trạng của Viện KSND TP.HCM, trong vụ SADECO, có nhiều cán bộ, lãnh đạo liên quan nhưng chưa đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự. Một số cá nhân nói trên cũng được tòa triệu tập với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Đơn cử, trường hợp ông Phan Thanh Tân. Thời điểm ngày 18/5/2017, ông Tân là Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM phụ trách mảng tài chính Đảng. Ngày 14/6/2017, Văn phòng Thành ủy TP.HCM phân công ông Tân xử lý công việc của ông Phạm Văn Thông (lúc đó là Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM), do ông Thông được điều động làm Chủ tịch Ngân hàng Saigonbank.

Ngày 20/7/2017, ông Tân được phân công chính thức phụ tránh chỉ đạo mảng kinh tế Đảng. Khi tiếp nhận bàn giao công việc từ ông Thông, chủ trương đồng ý cho người đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy biểu quyết thông qua việc SADECO phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược đã được thông qua. Ông Tân chỉ tiếp nhận các nội dung công việc theo quy định.

Ông Tất Thành Cang đối diện mức án nào khi cùng đồng phạm gây thất thoát hơn 184 tỷ đồng của nhà nước? - Ảnh 3.

Bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (trái) và bị cáo Tề Trí Dũng hồi năm 2017. Ảnh: SADECO

Cáo trạng nêu: 'Với vai trò, trách nhiệm được giao, việc ông Tân không yêu cầu người đại diện vốn có báo cáo để theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra; không phát hiện được các bị can Huỳnh Phước Long, Trần Công Thiện, Đoàn Minh Lý có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Văn phòng Thành ủy TP.HCM. Ông Tân thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm được giao, nhưng chưa đến mức phải xem xét trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật nghiêm về Đảng và chính quyền đối với ông Tân".

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đậm - nguyên Tổng Giám đốc SADECO cũng là người liên quan đến vụ án này. Ông Đậm hiện là Tổng Giám đốc Công ty CP Tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL). 

Theo cáo trạng, ông Đậm đã ký duyệt chi nguồn tiền thù lao còn thừa năm 2016 cho các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát số tiền hơn 990 triệu đồng và ký hồ sơ điều chỉnh chứng từ theo chỉ đạo của ông Tề Trí Dũng để hạch toán sổ sách kế toán của SADECO.

Mặc dù ông Đậm là Tổng Giám đốc nhưng không phải người đại diện vốn, không là thành viên HĐQT SADECO nên không được tham gia các cuộc họp, không biết được chủ trương của Tề Trí Dũng và các thành viên HĐQT chi nguồn tiền thù lao còn thừa cho các cá nhân sử dụng. Kết quả điều tra đến nay chưa có căn cứ xác định ông Đậm biết mục đích chiếm đoạt của Tề Trí Dũng và các thành viên khác đối với nguồn tiền này nên hành vi của ông Đậm chưa đủ căn cứ xử lý hình sự.

Một cá nhân khác được nhắc đến trong cáo trạng tương tự ông Đậm là ông Lê Thành Nhân - kế toán tổng hợp của SADECO. 

Cáo trạng cho hay, theo chỉ đạo của ông Đỗ Công Hiệp - Kế toán trưởng SADECO, ông Nhân đã thực hiện việc lập và ký các chứng từ hợp thức hóa với lý do chi "kinh phí hoạt động". Việc làm trên là để thay thế cho các chứng từ chi tiền thù lao, tiền thưởng đã bị hủy trước đó, nhằm phục vụ cho việc điều chỉnh chứng từ phù hợp với Nghị quyết của HĐQT và hạch toán sổ sách kế toán Công ty.

Cáo trạng xác định: "Ông Nhân không biết được việc chiếm đoạt của Tề Trí Dũng và các thành viên khác đối với nguồn tiền thù lao, tiền thưởng trên. Ông Nhân cũng không biết được việc điều chỉnh chứng từ nêu trên nhằm che giấu hành vi phạm tội của Tề Trí Dũng và các thành viên HĐQT, nên chưa đủ căn cứ xử lý hình sự".

Theo cáo trạng của Viện KSND TP.HCM ban hành ngày 10/9/2021, đã truy tố ông Tất Thành Cang về tội "Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", theo Điều 219 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 10 đến 20 năm tù.

11 bị cáo khác cũng bị truy tố cùng tội danh trên. Riêng ông Tề Trí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SADECO, Tổng giám đốc IPC) và 6 bị can khác với vai trò đồng phạm bị truy tố thêm tội Tham ô tài sản theo Điều 353 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Văn Minh (nguyên Trưởng ban Kiểm soát Công ty SADECO) bị truy tố về tội "Tham ô tài sản".

Theo nội dung vụ án, SADECO là công ty con của Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), với tỉ lệ góp vốn của IPC là 74,8%. Ngày 26.3.2015, IPC bán đấu giá vốn góp tại SADECO.

Công ty Eximland là nhà đầu tư mua trúng đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần (chiếm 30,8% vốn điều lệ của SADECO), với giá 26.100 đồng/cổ phần. Tháng 9.2016, Công ty Nguyễn Kim mua lại toàn bộ cổ phần của Eximland tại SADECO với giá 55.000 đồng/cổ phần.

Vốn điều lệ của SADECO tại thời điểm tháng 10/2016 là 170 tỷ đồng (tương ứng với 17 triệu cổ phần), trong đó vốn của IPC chiếm 44%, vốn của Thành ủy chiếm 16,7%, nhóm Nguyễn Kim chiếm 30,8% và các cổ đông khác chiếm 8,5%.

Theo quy định, khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của IPC, vốn Văn phòng Thành ủy tại SADECO thì phải đấu giá. Tuy nhiên, các bị can có liên quan trên đã đồng ý bán 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định giá và đấu giá, gây thất thoát cho SADECO hơn 1.100 tỷ đồng. Trong đó, UBND TP.HCM thiệt hại 485 tỷ đồng, vốn Thành ủy TP.HCM là 184 tỷ đồng, phần còn lại là thiệt hại của các cổ đông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem