Ông Trần Hùng: "Muốn chống hàng giả thì phải chống ngay từ khâu in, ấn"

Phi Long Thứ năm, ngày 08/03/2018 19:00 PM (GMT+7)
Ngày 8.3, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã có cuộc họp với Cục ATTP (Bộ Y tế) triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong lĩnh phẩm thực phẩm chức năng.
Bình luận 0

img

Hàng giả lừa gạt người nghèo, người bệnh là tận cùng sự táng tận lương tâm (Ảnh: TX)

Ông Trần Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: Hàng giả, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm,…chủ yếu lừa người nghèo chứ lừa người giàu khó lắm. Nhưng đến cả thuốc chữa bệnh cũng làm giả thì đúng là tận cùng táng tận lương tâm.

Theo ông Trần Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường,  Bộ Công Thương đã phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020.

 “Chúng tôi sẽ quyết tâm đổi mới từ công tác thực hiện, công tác chỉ đạo, từ việc thay đổi tư duy và hết sức trách nhiệm cho công tác đấu tranh phòng chống hàng giả”, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Trần Hùng, hiện nay hàng giả, hàng nhái đang trở thành vấn nạn,  gây ảnh hưởng tới nền kinh tế, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, gây mất an toàn chính trị xã hội…Đáng lo nhất là hàng giả âm thầm phá hoại niềm tin của nhân dân với Đảng và Chính phủ.

Ông Kiều Nghiệp -Trưởng phòng Chống hàng giả - Cục Quản lý thị trường cho biết thêm: “Có những quy trình sản xuất không đảm bảo như bia đầy cặn ở dưới đáy non, nước uống có ruồi… thực phẩm dùng các loại hóa chất cấm gây ung thư ảnh hưởng tới sức khỏe của giống nòi”.

img

Ngành Quản lý trị trường cho rằng vụ bắt giữ lô mỹ phẩm trị giá 11 tỷ đồng của bà Nguyễn Thu Trang  đã có đầy đủ dấu hiệu hình sự nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng từ cơ quan điều tra (Ảnh: TX) 

Ông Trần Hùng cũng nhấn mạnh, để tình trạng hàng giả trở thành vấn nạn như hiện nay thì các cơ quan chức năng cũng phải  nhìn thẳng vào sự thật, đã có lúc buông lỏng quản lý, thiếu sự phối hợp, hợp tác với quần chúng nhân dân… Những người chống hàng giả cũng phải tự nhìn lại mình đã thực sự chuyên tâm chưa? “Ở đâu đó vẫn còn có tình trạng cơ quan chức năng tiếp tay cho hàng giả mà báo chí đã phản ánh nên là cơ quan quản lý nhà nước chúng tôi thật sự cảm thấy xấu hổ”, ông Hùng nói.

Tất cả các đối tượng sản xuất kinh doanh hàng giả  đều bắt đầu từ tem nhãn, bao bì nên khu trú bắt đầu phải là nơi in ấn. Chúng ta phải nhận diện in ở đâu, ai in. In ấn đã có Luật Xuất bản rồi nên  khi in phải tuân thủ quy định của luật như: phải có hợp đồng, mẫu in, và chụp lưu lại sản phẩm. Do đó, những người làm công tác in ấn thì có “nhắm mắt” cũng biết ai là người in bao bì, tem nhãn làm giả. Muốn chống hàng giả thì phải chống ngay từ cả khâu in, ấn. “Hàng nào cũng phải có bao bì, nhãn mác. Có thể đặt bao bì giả ở nước ngoài thì rất khó làm được số lượng lớn”, ông Hùng nhấn mạnh. Theo ông Hùng, nếu lĩnh vực in ấn làm đúng quy định của luật thì ngành quản lý thị trường sẽ “kê cao gối” ngủ ngon.

“Hàng giả, hàng nhái, thực phẩm chức năng… chủ yếu lừa người nghèo, trong khi người nghèo cũng là số đông chứ thực tế lừa người giàu khó lắm. Trong khi, người nghèo, người yếu thế lại bị lừa gạt bởi hàng giả làm mất tiền của, thậm chí mất cả tính mạng.  Thuốc chữa bệnh cũng làm giả được thì tôi cho chằng đó là tận cùng của sự tán tận lương tâm”.

Một công ty sản xuất kinh doanh quảng cáo thực phẩm chức năng mà ở trong hẻm, ngóc, ngách…thì đã thấy có dấu hiệu làm ăn bất bình thường.

Ông Trần Hùng cũng ví dụ, năm 2017 vụ kinh doanh mỹ phẩm của bà Nguyễn Thu Trang bị ngành quản lý thị trường phát hiện và bắt giữ với số lượng sản phẩm trị giá 11 tỷ cũng chủ yếu kinh doanh qua mạng. Do đó, theo ông Hùng, hiện nay có thể phải thành lập riêng một đội đấu tranh chống hàng giả và bán hàng qua mạng.

Ông Đỗ Hữu Tuấn – Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết: Hàng xách tay hiện cũng là vấn nạn, theo quy định hàng xách tay là không được công bố, không được ghi nhãn phụ. Chưa nói tới chất lượng thì hàng sách tay đã vi phạm pháp luật nhưng tại sao vẫn đầy trên mạng. Có những web kinh doanh nhưng đã báo cáo và đăng ký thì chúng tôi có thể quản lý được như cửa hàng bình thường, tuy nhiên nếu không có thông báo, mà máy chủ đặt ở nước ngoài sẽ rất khó xử lý.

Ông Tuấn cũng cho biết, liên quan tới hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, năm 2017 Cục ATTP đã phát hiện và xử phạt hành chính 48 cơ sở, phạt tiền gần 2 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 6 trường hợp có dấu hiệu hình sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem