Đại sứ Trần Đức Mậu
Chủ nhật, ngày 23/10/2022 10:36 AM (GMT+7)
Cho dù Ả rập Xê út quả quyết rằng quyết định nói trên của Opec+ không nhằm mục đích chính trị mà mang tính kinh tế thuần tuý, nhóm Opec+ trong hiệu ứng thực tế của quyết sách vẫn vừa chơi lớn trên sân chơi chính trị thế giới.
Với quyết định giảm mức độ xuất khẩu dầu hàng ngày 2 triệu thùng (159 lít) tại phiên họp trực tiếp đầu tiên, nhóm Opec+ thể hiện rất ngoạn mục vị thế, vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới và cho thấy cho dù ngày càng có thêm nhiều loại năng lượng và nguyên vật liệu mới có thể thay thế dầu mỏ thì dầu mỏ vẫn còn rất quan trọng đối với các nền kinh tế và đời sống hàng ngày của người dân trên thế giới.
Vì tầm quan trọng này, khối lượng dầu xuất khẩu hàng ngày và giá dầu có tác động trực tiếp tới cuộc chiến ở Ucraine giữa Nga và Ucraine cũng như tới diễn biến trong quan hệ giữa Mỹ, EU, Nato và đồng minh với Nga và những vương triều dầu mỏ ở vùng Vịnh, đặc biệt là Ả rập Xê út và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UEA).
Cho dù Ả rập Xê út quả quyết rằng quyết định nói trên của Opec+ không nhằm mục đích chính trị mà mang tính kinh tế thuần tuý, nhóm Opec+ trong hiệu ứng thực tế của quyết sách vẫn vừa chơi lớn trên sân chơi chính trị thế giới.
Hiệu ứng trực tiếp của việc giảm mức độ cung ứng dầu mỏ cho thị trường là làm lệch cán cân giữa cung và cầu khiến cho giá dầu tăng chứ không giảm. Thật ra, hiện tại vẫn có một số thành viên Opec+ như Nga, Nigeria hay Angola xuất khẩu dầu mỏ hàng ngày thấp hơn định mức đã được thoả thuận phân bổ từ trước đó trong Opec+ mà chỉ riêng Nga không thôi đã xuất khẩu ít hơn 1 triệu thùng hàng ngày.
Điều này có nghĩa rằng Opec+ quyết định giảm xuất khẩu đi 2 triệu thùng hàng ngày trong khi trên thực tế đã giảm còn nhiều hơn thế so với mức độ đã thoả thuận trước đấy. Nói theo cách khác, Opec+ quyết định giảm nhưng các thành viên không cần giảm. Cung ứng dầu cho thị trường trên thực tế không hề bị ảnh hưởng gì bởi quyết sách mới này của Opev+. Nhưng tác động tâm lý và chính trị của quyết sách ấy lại rất đáng kể.
Trước hết, bên ngoài có thể thấy hiện tại Opec+ rất đoàn kết nhất trí nội bộ, việc thống nhất quan điểm và phối hợp hành động giữa 24 thành viên hiện tại của nhóm (13 thành viên Opec và 11 nước xuất khẩu dầu lửa khác trên thế giới) dễ dàng và chóng vánh chứ không khó khăn và mất nhiều thời gian. Đồng thời, qua đó lại còn có thể thấy quyết tâm của Opec+ hành động quyết liệt để giữ giá dầu ổn định ở mức độ cao. Nga không phải là thành viên Opec, nhưng cùng với Ả rập Xê út là hai thành viên có trọng lực lớn quyết định nhất trong Opec+. Xuất khẩu dầu mỏ là một trong những nguồn thu nhập quan trọng nhất của Nga. Ả rập Xê út và các vương triều dầu mỏ ở khu vực vùng Vịnh vốn là đồng minh và đối tác chiến lược truyền thống quan trọng của Mỹ và EU ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh. Mỹ, Nato, EU và đồng minh tìm mọi cách để làm cạn kiệt mọi nguồn thu nhập từ xuất khẩu của Nga, trong đó đặc biệt là xuất khẩu dầu mỏ, than đá và khí đốt. Phe này nỗ lực cấm vận Nga xuất khẩu năng lượng trong khi vận động và thôi thúc Ả rập Xê út và các vương triều ở khu vực vùng Vịnh gia tăng xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt để giảm giá dầu mỏ và khí đốt trên thị trường, để đối phó sự gia tăng của giá năng lượng và lạm phát ở Mỹ và trong EU. Để vừa đối phó Nga vừa đảm bảo an ninh năng lượng dưới tác động của cuộc chiến ở Ucraine và kiềm chế tác động tiêu cực về chính trị xã hội của tình trạng giá năng lượng và tỷ lệ lạm phát tăng cao như chưa từng thấy kể từ nhiều thập kỷ nay, cả tổng thống Mỹ Joe Biden và nhiều chính khách của EU phải công du tới vùng Vịnh, tranh thủ và chinh phục các đồng minh và đối tác trong khu vực vào cùng hội cùng thuyền với Mỹ.
Nhìn nhận như thế sẽ thấy vì sao Mỹ và EU thất vọng, bực bội và hậm hực với Opec+ và đặc biệt với Ả rập Xê út về quyết sách mới nói trên của Opec+. Đối với Nga, quyết sách này thật sự lợi đơn ích kép trong khi nó có thể làm cho Mỹ và EU thiệt đơn hại kép trên nhiều phương diện. Giá cao đưa lại cho Nga lợi lớn cho dù không phải tăng xuất khẩu, bù đắp được cho phần mất mát bởi cấm vận của Mỹ, EU và đồng minh.
Opec+ giúp Nga thoát khó trong khi gây khó thêm cho Mỹ và EU trên phương diện an ninh năng lượng và chống goá cả leo thang. Opec+ giúp Nga phá thế bị bao vây, cấm vận và cô lập về chính trị. Nga dùng Opec+ phân rẽ Ả rập Xê út và các thành viên Opec+ khác với Mỹ, EU và đồng minh nói chung và liên quan đến cuộc chiến ở Ucraine nói chung.
Bao trùm lên tất cả những tác động và hệ luỵ ấy là thông điệp của Opec+ là nhóm này quyết tâm tăng cường vai trò và ảnh hưởng trong chính trị và kinh tế thế giới, không để bị chính trị thế giới và chính trị an ninh thế giới dẫn dắt và chi phối mà ngược lại, tức là tận lợi tối đa từ diễn biến của chính trị và kinh tế thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.