Nhà đại gia chi tiêu cái gì cũng khác người thường, trong đó có cả chuyện nuôi người giúp việc.
Đưa ôsin đi… chăm sóc da
Người viết bài này từng được chị P., vợ một đại gia ở Tây Hồ, Hà Nội, cầu cứu: “Em có biết chỗ nào chữa da liễu giỏi không?”. Tôi đưa ra vài địa chỉ vẫn được tín nhiệm, chị lắc đầu: “Đi rồi, không ăn thua. Mặt nó vẫn như tảng cơm cháy”. “Con gái chị ạ?”. “Không, con bé giúp việc”.
Chị P. vẫn có tiếng là tốt bụng, nhưng chăm sóc được đến cả nhan sắc của ôsin như thế thì đúng là đẳng cấp. Như nhà khác, ôsin phải bệnh tật ốm đau mới chi tiền đi bác sĩ, chứ mụn trên mặt thì ngay bà chủ có bị cũng còn để kệ nữa là.
Chị P. thanh minh: “Lúc đầu có vài cái mụn, nó nghe xui dại bôi linh tinh, mặt đang xinh xắn thành ra như nghĩa địa, rõ tội. Nó khóc suốt. Mới cả thú thật là nhìn cái mặt toàn nốt đỏ chỗ ướt chỗ khô của nó, mình thấy ăn uống cũng mất cả ngon, nên kiểu gì cũng phải chữa cho nó”.
Bà chủ trực tiếp đưa cô giúp việc trẻ đi bác sĩ da liễu. Uống hết cả bịch thuốc lớn, mặt cô bé không khá hơn bao nhiêu, hai bác cháu lại đi phòng khám khác. Vẫn không khỏi. Đến lần thứ ba, chị P. đưa ôsin đến hẳn một mỹ viện vẫn quảng cáo là chữa mụn rất tốt.
Nghe cô nhân viên trình bày một hồi, chị chi ngay hơn chục triệu đồng cho một liệu trình và bộ sản phẩm đặc trị. Từ hôm đó, cứ 2 giờ chiều khi việc nhà đã hòm hòm, cô bé giúp việc lại bắt xe ôm đến mỹ viện để chăm sóc da, tối về lại cẩn thận rửa rửa, bôi bôi.
“Được chừng 7 – 8 hôm thì cái mặt nó còn sưng hơn trước, nốt nào nốt nấy sưng phù, chảy nước cả ra, chị sợ quá nên cho nó ngừng”, chị P. kể. Thế là tổng cộng trong vòng hai tháng, chị đã chi cỡ 14 – 15 triệu đồng cho làn da của cô giúp việc.
Ôsin không phải làm gì, chỉ cần… líu lo cho vui
Đó là chuyện nhà người quen của… người quen của tôi. Trong số ba cô giúp việc nhà ấy, một cô chuyên lau nhà, dọn dẹp, mỗi ngày chỉ đến làm hai tiếng đồng hồ vào buổi chiều, một cô lo toàn bộ việc nội trợ. Cô còn lại, trẻ nhất, có thâm niên làm việc thấp nhất, mới 16 tuổi, chỉ có mỗi nhiệm vụ là… nói. Có điều, cô bé này chỉ phục vụ một người: mẹ già của ông chủ.
Bà cụ năm nay 80 tuổi, đã lên Hà Nội ở với con vài chục năm nay. Nhưng từ hồi ông cụ mất, bà buồn quá đâm ra trái tính, cứ nằng nặc đòi về quê. Khổ một nỗi là con cái cụ đều lên thành phố hết, ở quê chỉ có họ hàng, làm sao mà chiều theo ý cụ được.
Rồi có đợt cô ôsin chuyên nội trợ bị chủ mắng vì nhiều ngày liền bê trễ công việc, cũng chỉ giặt giũ cơm canh mà nhiều buổi tối cả nhà chờ mãi vẫn chưa nấu xong. Bị dọa đuổi việc, trừ lương, cô ta mếu máo thanh minh: “Tại bà hôm nào cũng cứ giữ cháu trên phòng mãi, cháu đòi xuống thì bà lại mắng”.
Hóa ra bà cụ thèm có người nói chuyện. Biết thế, ông bà chủ dặn cô ôsin cứ trò chuyện cho cụ vui, cơm nước muộn chút cũng không sao. Nhưng được mấy hôm, bà cụ đã nằng nặc đòi đuổi “con bé dở hơi”. Cô gái thì thút thít phân bua: “Ngày nào bà cũng mắng cháu, cháu chả hiểu cháu nói sai cái gì nữa”.
Ông chủ bèn nghĩ đến một phương án: thuê hẳn một cô bé xinh xắn, linh lợi chuyên nói chuyện mua vui cho bà cụ. Cũng phải đến người thứ ba mới vừa ý “lão phu nhân”, một phần do cô bé ăn nói hợp ý bà, phần cũng vì cô được giới thiệu là “cháu bà X., ông Y. ở quê”. Từ ngày có “cô cháu cùng làng”, bà cụ vui vẻ, khỏe hẳn ra, không còn trái tính trái nết nữa.
Hằng ngày, cô bé tuổi trăng tròn này không phải động chân động tay gì, chỉ mỗi việc líu lo nói chuyện với bà cụ. Nói hết chuyện làng xóm, cô đành lôi chả chuyện các anh trai làng tán tỉnh mình ra sao, cô từ chối như thế nào ra kể, vậy mà bà cụ vẫn thích. Bà cho cô bé bao nhiêu bánh kẹo, thỉnh thoảng cho tiền, rồi giục con cái mua quần áo mới cho cô gái của mình. Bà cụ còn hứa, sau này cô lấy chồng sẽ cho một vài cây vàng làm của hồi môn.
Thuê hẳn cô giáo làm ôsin
Thu Hằng, cô nuôi dạy trẻ một trường mầm non tư thục ở Hà Đông, Hà Nội, cho biết cô từng làm ôsin trông trẻ cho một nhà rất giàu có, lương tháng 5 triệu đồng. “Đứa bé hơn 3 tuổi, sức khỏe kém nên họ không muốn cho đi lớp, họ muốn thuê hẳn một giáo viên mầm non ở trong nhà, vừa chăm sóc vừa dạy dỗ luôn. Hồi đó em ra trường nửa năm mà chưa xin được việc làm, được người quen giới thiệu, thấy lương cao nên đồng ý”, Hằng kể.
Không chỉ nhận lương cao, nhờ vào làm ở đây, lần đầu tiên Hằng được mặc những bộ quần áo ở nhà giá mấy trăm nghìn đồng, dùng những chiếc khăn mặt, bàn chải đánh răng loại tốt do bà chủ sắm cho để cô khỏi “úi xùi” quá so với ngôi nhà. Cũng lần đầu tiên, cô được biết đến những món ngon vật lạ.
“Công việc vất vả kinh khủng, một mình em vật lộn với đứa bé cả ngày lẫn đêm, vì nó đã lười ăn lại hay ốm, nhõng nhẽo. Những khi nó ốm, em phải thức đêm trong bệnh viện để trông, vì ngoài em ra nó không chịu ai cả. Trong tháng đầu tiên em đã sút đến 4 kg”, Hằng tâm sự. Nhưng nghĩ đến số tiền kiếm được, cô tự bắt mình cố gắng. Và rồi sự nghiệp ôsin của cô giáo mầm non này cũng kết thúc sau hơn một năm, khi mẹ cô phát hiện công việc thật sự của con gái.
Hằng kể: “Mẹ em khóc vật vã, bảo mẹ nuôi con ăn học bao nhiêu năm không phải để con đi ở cho người ta. Mẹ bắt em bỏ ngay, mày cứ làm thế thì làm sao lấy được chồng. Thế là em phải thôi. Rồi mẹ em nhờ vả người quen tìm cho em chỗ làm này”.
Thực ra Hằng không phải người có bằng cấp duy nhất đi làm giúp việc. Rất nhiều nhà giàu khác cũng thuê hẳn những phụ nữ tốt nghiệp trường dạy nấu ăn về làm ôsin cho mình, để được thưởng thức những bữa cơm nhà ngon miệng. Và với mốt thuê giúp việc cao cấp đang ngày càng “thịnh” trên thế giới, chẳng mấy chốc mà ở Việt Nam, hiện tượng ôsin lái xe hơi đi làm sẽ không còn là “chuyện lạ phương xa”.
Theo Đất Việt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.