Công việc dễ bị lạm dụng
Chị Nguyễn Thị Tình ở xã Xuân Lai, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) sau 3 tháng đi làm nghề GVGĐ, trở về quê với thân hình tiều tụy.
“Tôi bị giảm 5 cân và không thể cáng đáng được vì chủ nhà giao quá nhiều việc. Từ trông trẻ, giặt giũ quần áo, đi chợ nấu ăn, lau dọn nhà cửa… ngày nào cũng làm từ sáng tới ngoài 10 giờ đêm mới được nghỉ. Lương thì chỉ có 1,7 triệu đồng mà làm vất vả hơn cả làm ruộng ở quê” - chị Tình nói. Chỉ sau 3 tháng bước vào nghề, chị Tình quyết định trở lại nghề buôn đồng nát, dù thu nhập có thể thấp hơn nhưng không bị gò bó.
|
Lao động giúp việc trông trẻ, làm việc nhà cũng phải ký hợp đồng. |
Đó là nhìn từ phía người GVGĐ, nhưng ngay những ông chủ cũng có nhiều người phàn nàn về sự thiếu chuyên nghiệp của những người làm nghề GVGĐ. “Cứ vài tháng lại phải ra trung tâm giới thiệu việc làm tìm người vì “ôsin” vừa quen việc, họ xin về quê thăm nhà rồi… mất hút luôn. Đó là chưa kể có người còn có tính tắt mắt” - anh Nguyễn Văn Được ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết.
Theo thống kê của Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL), hiện có khoảng 60% người GVGĐ trông coi trẻ em hàng ngày, khoảng 20% chăm sóc người già và 20% chỉ làm các công việc nội trợ. Xu hướng hiện nay, nhu cầu thuê GVGĐ ngày càng tăng nhưng vấn đề coi GVGĐ là một nghề vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều. Chính sự thiếu chuyên nghiệp của những người làm nghề GVGĐ, tính chất đặc thù khó kiểm soát của công việc này đã đặt ra vấn đề cấp bách cần có sự ràng buộc về mặt pháp lý.
Cần coi là một nghề
Theo ông Đặng Đức San – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH), dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động lần cuối đã hoàn chỉnh và sẽ được trình Chính phủ trong tháng 10 tới. Thực tế, nghề GVGĐ đã được Bộ LĐTBXH đưa ra lấy ý kiến từ năm 2010 (Báo NTNN đã từng có loạt bài phản ánh) và đã thu hút được khá nhiều quan điểm khác nhau.
Sau khi lấy ý kiến các bên, các quy định cụ thể, có tính chất pháp lý, để quản lý loại hình công việc này sẽ được đưa vào Dự thảo Bộ luật. Theo đó, sẽ hướng tới quy định về hợp đồng bằng văn bản đối với những công việc mang tính chất dài hạn. Hợp đồng sẽ quy định về thời giờ làm việc. Người thuê lao động GVGĐ phải dành cho người GVGĐ thời gian nghỉ phép, có ngày nghỉ. Các quy định về tiền lương, điều kiện làm việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, thời gian làm thêm giờ, quy định về cho thôi việc, trả trợ cấp thôi việc… Trong trường hợp người GVGĐ có nhu cầu đi học, chủ sử dụng phải tạo điều kiện...
Theo Dự thảo Bộ luật Lao động, chủ sử dụng thuê người GVGĐ ổn định lâu dài sẽ phải ký hợp đồng lao động, trong đó có điều khoản về lương tối thiểu, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương làm thêm giờ, điều kiện lao động, các chế độ khác cho người lao động như Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thất nghiệp…
Ngoài ra, khi xảy ra tranh chấp, nếu là vấn đề tranh chấp lao động, thì ra toà án lao động, tranh chấp dân sự thì ra toà dân sự. Với những quy định này, GVGĐ sẽ được xã hội nhìn nhận ở mức độ cao hơn, coi như một nghề lao động và sẽ được chủ sử dụng trả công xứng đáng hơn. Còn với bản thân người giúp việc cũng phải nâng cao dần nghiệp vụ, tư cách và trách nhiệm khi làm GVGĐ, trong thời gian hợp đồng có hiệu lực, không được tự ý nghỉ việc.
Trao đổi với NTNN, TS Đặng Quang Điều – Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, việc coi GVGĐ là một nghề vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. “Theo tôi, vấn đề quản lý GVGĐ chỉ nên quy định về mặt nguyên tắc trong Bộ luật Lao động sửa đổi và cần có nghiên cứu kỹ càng, quy định rõ hơn ở các văn bản dưới luật khác” - TS Điều nói.
Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.