Báo chí đặt câu hỏi vì sao đường giao thông ở Việt Nam đắt gấp 3-4 lần giá quốc tế? Lãng phí, tham nhũng, hối lộ có thể xem là một phần của câu trả lời.
Người ta cũng nói rất nhiều về tham nhũng trong đầu tư công, nhất là từ nguồn vốn ODA...
Việt Nam ít khi phát hiện ra những vụ tham nhũng, hối lộ như vậy.
Báo chí và tòa án Australia đã phanh phui ra vụ trúng thầu in tiền polymer khi một công ty ở Australia hối lộ những khoản tiền lớn cho các quan chức ngân hàng và an ninh Việt Nam. Tuy nhiên, phía Việt Nam không điều tra vì “chưa có yêu cầu của phía bạn” (?).
Còn nhớ, trước đây báo chí và tòa án Nhật phanh phui ra vụ Công ty tư vấn PCI của họ hối lộ các quan chức Việt Nam trong Dự án đại lộ Đông Tây (TP.HCM) với số tiền 2,43 triệu USD, nhưng chỉ xác lập án hình sự của 2 khoản là 0,82 triệu USD từ tháng 6.2008.
Lần ấy phía bạn không chỉ yêu cầu mà còn ép sát nút (với tuyên bố ngừng khoản ODA 700 triệu USD vào tháng 12.2008) vì vụ PCI. Lúc này người ta mới rục rịch “vào cuộc”. Huỳnh Ngọc Sỹ bị kết án ban đầu chỉ 3 năm tù vào tháng 9.2009, rồi án chung thân về tội nhận hối lộ vào tháng 10.2010, sau đó được giảm xuống 20 năm vì tội nhận hối lộ 262.000USD (chỉ bằng khoảng 1/10 con số thật và 1/3 con số phía Nhật truy tố).
Vụ lãnh đạo Công ty tư vấn JTC của Nhật Bản thú nhận đã đút lót cho các quan chức ngành đường sắt Việt Nam 80 triệu yen (hơn 16 tỷ đồng) công bố ngày 21.3.2014, Bộ GTVT đã làm việc với phía Nhật Bản và có báo cáo Chính phủ và các cơ quan hữu quan vào ngày 24.3. Có thể thấy trong vụ này phía Việt Nam đã phản ứng nhanh hơn vụ PCI.
Đấy là những vụ do nước ngoài phanh phui. Những thông tin như vậy phải được coi là thông tin tố giác và cơ quan chức năng phải vào cuộc, không thể né tránh hay làm chiếu lệ vì “bạn chưa yêu cầu”.
Chỉ số cảm nhận về tham nhũng của Việt Nam rất tồi, đứng hàng 116/177 quốc gia (số càng cao càng xấu).
Tham nhũng gắn liền với quyền lực, vì tham nhũng là lạm dụng quyền lực được trao để mưu cầu lợi ích riêng. Lợi ích không chỉ là tiền. Lợi ích có thể là bản thân quyền lực, là chức vụ, là những đặc ân… và cuối cùng mới là tiền.
Tham nhũng thì thời nào, ở đâu cũng có. Vấn đề là mức độ, nếu không phổ biến, hiếm hoi thì không gây quá bức xúc. Còn tham nhũng tràn lan và nghiêm trọng thì có thể dẫn tới động loạn xã hội. Vì thế, phòng chống tham nhũng là cách hữu hiệu nhất và cần thiết nhất để xây dựng nền dân chủ thực sự.
Chính phủ đã vào cuộc nhanh chóng và quyết liệt với chỉ đạo ngày 24.3 của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để nghiêm trị không chỉ những “con ruồi” mà cả những “con chuột”, thậm chí cả “đám hổ” tham nhũng. Động thái như vậy góp phần cải thiện, củng cố lòng tin của nhân dân với cơ quan nhà nước.
Nguyễn Quang A (Nguyễn Quang A)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.