PGS Đặng Thị Hạnh: Lặng lẽ nhả tơ với một hành trình nghiên cứu miệt mài

Yến Linh Thứ sáu, ngày 26/05/2023 12:47 PM (GMT+7)
PGS Đặng Thị Hạnh được ví như con tằm lặng lẽ nhả tơ với một hành trình nghiên cứu miệt mài, cần mẫn.
Bình luận 0

Theo thông báo từ gia đình, PGS. NGƯT Đặng Thị Hạnh đã qua đời vào lúc 16h50 ngày 24/5/2023, hưởng thọ 94 tuổi. Lễ viếng được tổ chức sáng 29/5 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Gia đình gồm những trí thức nổi tiếng lịch sử của PGS Đặng Thị Hạnh

PGS Đặng Thị Hạnh sinh năm 1930, bà xuất thân trong một gia đình đại trí thức nổi tiếng. Ông nội bà là cụ Đặng Nguyên Cẩn, đỗ Phó bảng dưới triều Nguyễn. Ông tham gia và cổ động phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân theo đường lối do Phan Chu Trinh khởi xướng, sau đó hoạt động cách mạng sôi nổi bên cạnh những tên tuổi chí sĩ nổi tiếng khác như Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế...

PGS Đặng Thị Hạnh - con gái GS Đặng Thai Mai qua đời ở tuổi 94 - Ảnh 1.

PGS Đặng Thị Hạnh. (Ảnh: Vietnamdocumentary)

Cha của bà là GS. Đặng Thai Mai - một trong những tên tuổi lớn với nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn hoá - giáo dục tại Việt Nam. Ông là Giáo sư, nhà giáo, nhà văn, nhà phê bình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam. Trong gia đình bà, tất thảy sáu anh chị em đều tham gia nghiên cứu khoa học và thành danh ở các lĩnh vực nghiên cứu của mình với học hàm GS, PGS. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Hồng Sơn là anh rể của bà, chồng của bà là Trung tướng Phạm Hồng Cư.

Nói về xuất thân của mình, PGS Đặng Thị Hạnh từng chia sẻ: "Tôi may mắn hơn mọi người là được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Từ nhỏ, chúng tôi đã được đọc những tác phẩm nguyên ngữ nên niềm yêu thích văn học nước ngoài nói chung và văn học Pháp nói riêng cũng nảy sinh từ đó".

Hành trình nghiên cứu tận tuỵ 

PGS. Đặng Thị Hạnh tốt nghiệp Đại học Văn khoa (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) Hà Nội năm 1956 và công tác tại đây tới khi nghỉ hưu. Năm 1984, bà được phong học hàm Phó Giáo sư và nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2010.

Các công trình khoa học tiêu biểu của bà có thể kể đến: Lịch sử văn học Pháp thế kỉ XX, Bà và cháu (Hồi ức), Một vài gương mặt văn xuôi Pháp thế kỉ XX, Cô bé nhìn mưa (Hồi ức)... Ở mảng dịch thuật, PGS. Đặng Thị Hạnh nổi tiếng với tác phẩm dịch Thư Hà Nội của Jean Tardieu hay Biến dạng của Kafka. Nhờ những đóng góp cho quảng bá văn học và văn hóa Pháp, bà Đặng Thị Hạnh được trao tặng Huân chương Cành cọ hàn lâm năm 2013.

PGS Đặng Thị Hạnh - con gái GS Đặng Thai Mai qua đời ở tuổi 94 - Ảnh 2.

Cuốn hồi ký "Cô bé nhìn mưa" của PGS Đặng Thị Hạnh. (Ảnh: PN)

Hồi ký Cô bé nhìn mưa (nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam) - tác phẩm tiêu biểu của bà từng được trao giải B giải thưởng Sách Quốc gia 2022). Cuốn sách dày hơn 350 trang được bà viết năm 78 tuổi. Tại đó, bà tái hiện lại ngôi làng Bắc Trung bộ hơn nửa thế kỷ trước, trong đó nêu bật những giá trị lịch sử - văn hóa cách đây gần 100 năm; cũng như những  ký ức về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cùng những câu chuyện đời thường mà thiêng liêng với Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người cha đã khuất…

Trong tác phẩm, bà cũng chia sẻ những câu chuyện về cha - một học giả uyên bác, về mẹ - một phụ nữ dịu dàng tần tảo. Hồi ức về những người thân yêu in dấu sâu đậm suốt tuổi thơ, về các chị em ruột thịt và gia đình riêng, về bạn bè và đồng nghiệp, về những người lính trẻ đã ra đi không trở lại.

PGS Đặng Thị Hạnh bắt đầu viết Cô bé nhìn mưa khi đã 78 tuổi. Tự nhận mình không được trời phú cho khả năng hư cấu, bà bằng lòng "với những bài viết ngắn ghi lại những ký ức nho nhỏ nhưng thật khó quên".

TS văn học, dịch giả Trần Hinh, nguyên Giảng viên khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội từng chia sẻ về tác phẩm: "Đọc tác phẩm ta vẫn thấy, tràn ngập trong cuốn sách, bên cạnh một con người từng trải, sâu sắc, lịch lãm, am hiểu lẽ đời - còn có một tâm hồn trẻ trung, một kiểu biểu hiện chất thơ, điều ít thấy xuất hiện trong loại sách hồi ký truyền thống. Điểm đặc biệt khác nằm ngay trong cấu trúc tác phẩm. Nhìn bên ngoài, tưởng như Cô bé nhìn mưa vẫn lựa chọn cách kể tuyến tính thông thường. Nhưng xem kỹ mới thấy, cấu trúc cuốn sách linh hoạt, uyển chuyển, biến hóa hơn rất nhiều".

PGS Đặng Thị Hạnh được đồng nghiệp và học trò yêu quý bởi sự giản dị, mộc mạc, bởi một hành trình nghiên cứu bền bỉ, không mệt mỏi. Bà đã sống trọn một cuộc đời hạnh phúc đúng như bà luôn tâm niệm, đó là có một gia đình êm ấm, một công việc mình yêu thích và đam mê.

Chia sẻ với PV Dân Việt, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, cựu sinh viên khoa Ngữ Văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ lòng kính trọng dành cho người thầy đã dìu dắt ông: "Cô Đặng Thị Hạnh là giảng viên văn học Pháp tại khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, thuộc đội ngũ các thầy cô giảng dạy bộ môn văn học phương Tây từ những năm 1960 – 1970 thế kỷ trước (cùng các thầy cô Lê Hồng Sâm, cô Đặng Thị Hạnh, thầy Đỗ Đức Hiểu, thầy Nguyễn Văn Khỏa). Đây là thế hệ những người thầy tự đào tạo, tự trang bị kiến thức, để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mình theo đuổi (cụ thể với cô Hạnh là chuyên gia về văn học Pháp). Từ việc tự tìm tòi, cô đưa tới học trò những kiến thức, kiến giải, những phát hiện mới trong nghiên cứu. 

Ở giai đoạn đất nước còn chiến tranh, tài liệu về văn học nước ngoài hết sức hạn chế, việc trao đổi tài liệu, thông tin không dễ dàng như hiện đại. Cô Hạnh cùng các thầy cô trong khoa đã không chỉ mang tới chúng tôi những kiến thức về văn học nước ngoài mà còn truyền lại sự cởi mở, hiện đại trong cách nghĩ. Đó là điều vô cùng đáng quý, đáng trân trọng. Đến những năm sau đó, khi đất nước chuyển mình đổi mới, cô lại mang tư tưởng hiện đại để ủng hộ những thay đổi, sáng tạo của nền văn học trong nước. Ngoài đời, cô quý phái, uyên bác nhưng cũng rất gần gũi, hòa đồng, thương quý học trò".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem