Hồ sơ thật, chữ ký và dấu giả
Ngày 12.10, ông Nguyên Văn Toàn - Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) thị xã Thủ Dầu Một cho biết, anh Cao Văn Thư (quê Nghệ An) làm công nhân tại KCN, có tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp và có hồ sơ quản lý của BHXH thị xã.
|
3 đối tượng trong đường dây làm giả giấy tờ vừa bị bắt giữ cùng tang vật.. |
Ngày 9.10, anh Cao Văn Thư (SN 1977) mang hồ sơ đến BHXH thị xã Thủ Dầu Một và kèm theo lá đơn xin được thanh toán tiền bảo hiểm thất nghiệp. Theo ông Toàn, qua xác minh hồ sơ, sổ bảo hiểm thì hoàn toàn hợp lệ (có số sê ri quản lý) nhưng chỉ duy nhất là chữ ký của Chủ tịch UBND phường Hiệp An (nơi anh Thư cư trú) là khác.
Nghi vấn chữ ký nên ông Toàn điện cho ông Nguyễn Phước Trọng - Chủ tịch UBND phường Hiệp An hỏi, lập tức ông Trọng đến tận cơ quan BHXH xem và cho rằng chữ ký trên đơn xin thanh toán tiền bảo hiểm thất nghiệp cho anh Thư không phải chữ ký của ông. Ông Trọng còn xác định: Ngày 9.10, ông không ký bất kỳ lá đơn nào xin thanh toán tiền bảo hiểm thất nghiệp cho bất kỳ công nhân nào ở địa bàn phường.
Hồ sơ đăng ký bảo hiểm thất nghiệp của anh Cao Văn Thư là hợp lệ, nhưng chữ ký và dấu đỏ thì bị làm giả. Xác định đằng sau hồ sơ này có đường dây làm giả chữ ký và con dấu, ông Trọng phối hợp với lực lượng Công an phường Hiệp An và Công an thị xã Thủ Dầu Một truy lùng thủ phạm.
Lộ “lò” làm giấy tờ giả
Từ lời khai của anh Thư (đã bị tạm giữ từ chiều 10.10), công an đã nhanh chóng lần ra “ổ nhóm” làm giả giấy tờ tại khu nhà trọ ở khu phố 2, nằm gần UBND phường Hiệp An, Công an bắt giữ thêm 2 đối tượng Phan Anh Đức (37 tuổi, quê Quảng Trị) và Nguyễn Tống Giang (22 tuổi, quê Phú Thọ) nghi can thực hiện in ấn, giả chữ ký, đóng dấu giả vào các loại hồ sơ của Nhà nước.
Công an cũng thu giữ được rất nhiều giấy tờ, hồ sơ mà bọn chúng ký “thay” chữ ký của Chủ tịch UBND phường Hiệp An. Thậm chí các đối tượng này còn giả chữ ký Chủ tịch UBND xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ; Chủ tịch UBND xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An... trong các loại hồ sơ, giấy tờ hành chính quan trọng.
Tại hiện trường, Công an còn phát hiện hai máy in màu, một máy chụp hình, một máy vi tính cùng nhiều giấy tờ làm giả như giấy khám sức khỏe, bằng tốt nghiệp THCS, THPT, Giấy phép lái xe... chuẩn bị giao cho khách hàng. Theo lời khai tại cơ quan công an, nhiều đối tượng là công nhân, lao động có nhu cầu về giấy tạm trú, tạm vắng, hồ sơ xin việc làm, giấy khám sức khỏe… đều được Đức và Giang làm giả, mỗi giấy tờ bọn chúng thu được từ 20.000-30.000 đồng.
Ông Nguyên Văn Toàn - Giám đốc Bảo hiểm xã hội thị xã Thủ Dầu Một cho biết thêm: “Thực ra công nhân Cao Văn Thư nếu nhận được tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp chỉ hơn 1.000.000 đồng. Nhưng thay vì làm đơn có xác nhận nơi cư trú hoặc nơi tạm trú thì Thư lại dính vào đường dây làm giả chữ ký, hồ sơ giả”.
Cao Văn Thư khai nhận là đã nhờ Phan Anh Đức làm giả giấy tờ để hợp thức hóa đơn xin xác nhận nơi tạm trú để được nhận tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Qua đấu tranh, Đức khai nhận là thông qua Nguyễn Tống Giang - người có biết kỹ thuật đồ hoạ trên máy vi tính và máy in để in các tài liệu giả theo yêu cầu đặt hàng của công nhân ở trọ có nhu cầu về một số giấy tờ nêu trên.
Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa - Trưởng Công an phường Hiệp An cho biết, đường dây giả chữ ký và làm giấy tờ giả trên đã thực hiện rất nhiều vụ việc trót lọt. Nhiều công nhân ở trọ đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung do đi xa nên thường gặp vướng mắc một số giấy tờ cần thiết như giấy chứng minh nhân dân, giấy khám sức khỏe để bổ sung hồ sơ xin việc làm, kể cả giấy tạm trú, tạm vắng… và họ đã cậy nhờ các đối tượng làm giấy tờ giả để qua mặt cơ quan chức năng.
Lộc Hưng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.