Phá vườn cao su bán gỗ tạp

An Sơn Thứ hai, ngày 18/05/2015 10:23 AM (GMT+7)
Ở Thừa Thiên – Huế thời gian gần đây, người dân nhiều địa phương cũng đã chặt bỏ cây cao su bán gỗ tạp để lấy đất trồng các loại cây khác. 
Bình luận 0

Gia đình bà Nguyễn Thị Cúc (thôn Hiệp Hòa, xã Bình Thành, thị xã Hương Trà) có hơn 6ha cao su trồng vào năm 2005. Chỉ sau 3 năm khai thác mủ, vừa qua, gia đình bà Cúc đã chặt bỏ toàn bộ diện tích cao su này để bán gỗ tạp cho một doanh nghiệp với giá 170 triệu đồng. Diện tích đất trồng cao su được gia đình này sử dụng để trồng keo.

img
Người dân xã Hương Bình (thị xã Hương Trà) chặt bỏ cao su bán gỗ tạp 
để lấy đất trồng các loại cây khác. Ảnh: An Sơn
Nguyên nhân bà Cúc chặt bỏ cao su để trồng keo là do giá mủ liên tục sụt giảm. Theo bà Cúc, với giá mủ thô 5.000 đồng/kg như hiện nay, người trồng cao su gần như không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. “1ha keo nếu phát triển tốt thì chỉ sau 4-5 năm trồng là bán được 70 triệu đồng. So với cây cao su ở thời điểm này, cây keo đưa lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Cao su được coi là “vàng trắng” nhưng giờ nếu bám lấy loài cây này thì dân sẽ nghèo”- bà Cúc cho biết.

Cũng như gia đình bà Cúc, thời gian gần đây, nhiều hộ dân khác ở xã Bình Thành cũng đã chặt bỏ vườn cao su của mình bán gỗ tạp để lấy đất trồng keo. Trong đó, nhiều diện tích cao su bị chặt bỏ là cao su mới được trồng vào năm 2005, tức chỉ mới khai thác mủ được 2-3 năm.

Tương tự Bình Thành, người dân xã Hương Bình bên cạnh cũng đã và đang đua nhau chặt bỏ cây cao su để trồng keo. Theo ông Nguyễn Cảnh Thắng- Chủ tịch UBND xã Hương Bình, diện tích cao su bị người dân chặt bỏ chủ yếu là cao su gần hết thời kỳ cho mủ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều diện tích cao su bị chặt bỏ ở đây chỉ mới cho mủ từ 3-5 năm. Tình trạng chặt bỏ cây cao su cũng đã và đang diễn ra phổ biến tại huyện miền núi Nam Đông.

Ông Lê Văn Anh- Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà cho biết, thời gian qua, người dân trên địa bàn thị xã đã chặt bỏ hơn 50ha cao su để bán gỗ tạp cho thương lái, tập trung ở các xã Bình Thành và Hương Bình. Còn theo ông Hồ Đính- Phó Trưởng phòng Trồng trọt- Chăn nuôi Sở NNPTNT Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh đã có khoảng 100ha cao su bị người dân chặt bỏ bán gỗ tạp để lấy đất trồng các loại cây khác, nhất là cây keo. Riêng tại huyện miền núi Nam Đông, người dân chặt bỏ cao su chủ yếu là để trồng cam và trồng cỏ nuôi bò. Mỗi cây cao su được thương lái mua với giá từ 100.000- 150.000 đồng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chặt bỏ cao su là do giá mủ từ năm 2014 đến nay xuống thấp nên người dân không còn thiết tha với cây cao su.

Ông Đính cho biết, hiện Sở NNPTNT tỉnh đang kết hợp với phòng nông nghiệp các huyện, thị xã có trồng cây cao su tuyên truyền để người dân giữ cây cao su và đầu tư thâm canh, bón phân cho cây bên cạnh việc phòng trừ sâu bệnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem