Phải báo cáo về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, Chủ tịch UBND TP.HCM nói gì?

Bạch Dương Thứ hai, ngày 26/09/2022 14:09 PM (GMT+7)
Thông tin tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia ngày 26/9, TP.HCM nằm trong nhóm có tỷ lệ giải ngân thấp, được yêu cầu phải báo cáo.
Bình luận 0
Phải báo cáo về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, Chủ tịch UBND TP.HCM nói gì? - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại điểm cầu TP.HCM. Ảnh: Việt Dũng

Phát biểu tại điểm cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin, tính đến ngày 23/9, TP.HCM giải ngân được 10.877 tỷ đồng, nếu tính trên tổng số 37.997 tỷ đồng, thì TP.HCM đã giải ngân được 25%.

Trong đó, vốn ngân sách trung ương chỉ giải ngân được 91 tỷ đồng, đạt 3,6%. Một số dự án lớn như Tham Lương – Bến Cát, Quốc lộ 50, An Phú với gần 1.700 tỷ đồng, TP.HCM cố gắng cuối năm sẽ hoàn thành giải ngân. Còn lại hai dự án vốn vay nước ngoài là dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 và dự án giao thông xanh, có khả năng không giải ngân hết vốn theo kế hoạch năm.

Ông Mãi lý giải, ban đầu Quốc hội và Thủ tướng giao cho TP.HCM giải ngân đầu tư công gần 52.000 tỷ đồng, sau đó giao thêm, tổng hơn 54.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, TP.HCM là đơn vị điều tiết ngân sách, với tỷ lệ 21%, TP.HCM đảm bảo chi thường xuyên trước, còn lại bố trí cho đầu tư phát triển. Đến thời điểm này, TP.HCM cân đối lại nguồn thu và chỉ có thể đảm bảo cân đối chi đầu tư phát triển 42.508 tỷ đồng.

Về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận có phần nguyên nhân liên quan năng lực và trách nhiệm chủ đầu tư. Các dự án của TP chuyển tiếp, trước đây tách phần giải phóng mặt bằng với xây lắp, sau này nhập lại, điều chỉnh hồ sơ dự án, mất rất nhiều thời gian. Do vậy, các dự án điều chỉnh chưa xong thì các tháng đầu năm chưa giải ngân được.

Để giải quyết các nhóm này, TP.HCM thành lập các tổ công tác chuyên ngành, chuyên đề, rà từng dự án với từng chủ đầu tư, đến nay đã gỡ được rất nhiều. Trong đó, nhiều dự án đến tháng 11, 12 sẽ giải ngân đạt kế hoạch, dù hiện nay đang giải ngân bằng 0.

Bên cạnh đó, giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề khó, TP.HCM đang tập trung giải quyết rất quyết liệt. TP.HCM cũng lập một tổ chuyên về giải phóng mặt bằng để tập trung cho các địa bàn có giải phóng mặt bằng lớn, phức tạp. Dự kiến đến tháng 10, TP.HCM có thể cơ bản tháo gỡ được vướng mắc về giải phóng mặt bằng để phục vụ triển khai các dự án.

Một khó khăn khác, theo ông Phan Văn Mãi là vấn đề thủ tục, nhất là các dự án ODA. Thời gian tới TP.HCM sẽ tập trung tăng trách nhiệm của từng chủ đầu tư từng dự án. Các tổ công tác, có tổ vốn lớn, tổ ODA, tổ giải phóng mặt bằng, sẽ rà soát để gỡ, giao ban định kỳ.

Phải báo cáo về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, Chủ tịch UBND TP.HCM nói gì? - Ảnh 2.

Dự án Tham Lương - Bến Cát dự kiến hoàn thành giải ngân vào cuối năm. Ảnh: P.V

Liên quan đến vấn đề điều chỉnh vốn đầu tư công, dự kiến đầu tháng 10 HĐND TP.HCM sẽ tổ chức kỳ họp chuyên đề để điều chỉnh.

Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, cần có sự thống nhất về số tổng vốn kế hoạch năm 2022. TP.HCM đề xuất tổng số vốn giải ngân đầu tư công năm 2022 là 37.997 tỷ đồng. Con số này giảm so với hơn con số 54.000 tỷ đồng mà Trung ương giao cho TP, bởi TP.HCM năm nay chỉ có thể cân đối được 42.508 tỷ đồng để chi đầu tư phát triển. Ngoài ra còn có 4.478 tỷ đồng tiền bội chi ngân sách nên TP.HCM đề xuất giảm thêm số tiền này, để tổng số giải ngân đầu tư công năm 2022 còn lại 37.997 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị Thủ tướng thành lập tổ đôn đốc giải quyết khó khăn cho TP.HCM liên quan đầu tư công và các vấn đề khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem