Phải lòng "cỗ máy nhả vàng" kiếm tiền tỷ, trồng la liệt các loại trái cây đặc sản thu nghìn USD

S.E.N Thứ tư, ngày 14/10/2020 15:50 PM (GMT+7)
Mô hình nuôi gà - "cỗ máy nhả vàng" của anh nông dân Hải Dương bình quân mỗi ngày thu về cả chục triệu đồng. Vườn cây ăn trái rộng tới 20ha được trồng la liệt các loại trái cây đặc sản lại thêm chăn nuôi công nghệ cao ở Bình Dương cũng nhẹ nhàng giúp chủ nhân của nó lãi đến 8 tỷ/năm.
Bình luận 0

Bỏ lò gạch ra làm trang trại, nông dân Hải Dương thu chục triệu mỗi ngày

Từng là chủ một lò gạch có tiếng trong vùng nhưng lại đột ngột bỏ ra làm trang trại nuôi lợn, nuôi gà, anh Trần Văn Mạnh ở thôn Ngư Uyên, xã Long Xuyên, thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đã biết biến lợi thế có sẵn thành lợi thế chăn nuôi. Bình quân mỗi ngày thu nhập của anh có thể lên đến cả chục triệu đồng. Nói đơn giản, chỉ thu gom phân gà, anh nông dân này cũng "đúi túi" thêm 20 triệu đồng/tháng.

Năm 2007, gia đình anh Trần Văn Mạnh (Thôn Ngư Uyên, xã Long Xuyên, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đã bắt đầu làm quen với việc nuôi gà đẻ trứng nhưng với số lượng ít. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi giống gà này, năm 2009 gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư 1 tỷ đồng vừa xây dựng chuồng trại và mua 3000 con gà mái giai đoạn hậu bị về nuôi.

Phải lòng "cỗ máy nhả vàng" kiếm tiền tỷ, trồng la liệt các loại trái cây đặc sản thu nghìn USD - Ảnh 1.

Anh Trần Văn Mạnh kiểm tra sức khỏe đàn gà và trứng trong trang trại. Ảnh: Nguyễn Chương

"Từ năm 2005-2007, tôi chăn nuôi lợn nhưng đến năm 2007 lợn bị dịch bệnh tai xanh khiến tôi bị thiệt hại đáng kể. Nhưng động lực chính khiến tôi chuyển đổi mô hình chăn nuôi là do trang trại của tôi nằm ở giữa làng, gây ô nhiễm, tôi không muốn có thêm mâu thuẫn với bà con làng xóm nên quyết định chuyển sang nuôi gà đẻ trứng cho đỡ áp lực lên môi trường" - anh Mạnh cho biết.

Clip: Bỏ lò gạch ra làm trang trại, nông dân Hải Dương thu chục triệu mỗi ngày (Thực hiện: Nguyễn Chương)

Anh nông dân Trần Văn Mạnh luôn chịu khó đi nhiều nơi tham khảo, học hỏi kinh nghiệm để gà đạt năng suất cao, trứng đạt chất lượng.

"Thời điểm đó cũng bùng nổ các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, nhu cầu của các bếp ăn công nghiệp lớn nên trứng gà tiêu thụ thuận lợi lắm, có ngày tôi thu tới 1,1 vạn quả trứng, nhặt trứng mỏi cả tay. Những năm đó, tôi thu đều tay hơn 200 triệu đồng/năm nhờ nuôi gà đẻ trứng" - anh Mạnh kể. 

Để tiêu thụ trứng gà, thời gian đầu, anh chở xe máy giao tận nơi cho thương lái, có ngày đi 3 – 4 chuyến ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh.

Năm 2016, gia đình anh Mạnh quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi, mua thêm đất ở khu dân cư Duẩn Khê cũng thuộc xã Long Xuyên với diện tích hơn 2ha để lập trang trại nuôi mới.

Ở trang trại mới này, anh quy hoạch thành 3 khu chuồng nuôi, quy mô 1,6 vạn con gà đẻ. Giữa các khu chuồng, tôi trồng cây ăn quả (hồng xiêm, mít Thái, na), đào ao nuôi cá, ba ba. Trang trại nằm giữa cánh đồng, biệt lập với khu dân cư, rất thuận lợi cho chăn nuôi. Có những thời điểm thị trường tiêu thụ thuận lợi, anh thu cả chục triệu đồng nhờ bán trứng mỗi ngày.

Từ năm 2018 đến nay, thị trường khởi sắc, năm nào anh Mạnh cũng thu 9 – 10 tỷ đồng tiền trứng, trừ chi phí thu lãi 1,7 – 2 tỷ đồng. Trang trại của anh cũng tạo việc làm cho 6 lao động với thu nhập 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Tỷ phú nông dân lãi 8 tỷ/năm nhờ chăn nuôi công nghệ cao, trồng trái cây đặc sản,...

Từ số tiền 800.000 đồng vốn dắt lưng ban đầu giờ ông làm nên số lãi ròng 8 tỷ đồng mỗi năm. Đó là số tiền lãi ông tỷ phú nông dân Tống Văn Hướng (xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) thu được từ mô hình chăn nuôi công nghệ cao, trồng trái cây đặc sản và nuôi chim yến..

Sau những lần trồng trọt và chăn nuôi thất bại, năm 2003, ông Tống Văn Hướng là một trong những nông dân đầu tiên đưa mô hình nuôi gà lạnh về tỉnh Bình Dương.

Phải lòng "cỗ máy nhả vàng" kiếm tiền tỷ, trồng la liệt các loại trái cây đặc sản thu nghìn USD - Ảnh 4.

Ông Tống Văn Hướng-tỷ phú nông dân đang chăm sóc vườn cây ăn trái đặc sản được trồng theo chuẩn VietGAP của mình tại xã Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Nguyên Vỹ)

Từ năm 2005, 6 trại nuôi gà lạnh giúp ông Hướng thu lợi nhuận khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm. Đến năm 2008, ông sở hữu tổng cộng 7 trại gà lạnh, và 2 trại nuôi heo. Cũng từ mô hình nuôi gà, nuôi heo trong trại lạnh này, phong trào đầu tư vốn chăn nuôi hiện đại, khép kín lan ra khắp địa phương.

Đồng thời, đánh giá được tìm năng phát triển từ nguồn đất, nguồn nước ở kế bên lòng hồ Dầu Tiếng, từ năm 2005-2012, ông Hướng lại lấy lợi nhuận từ các trại chăn nuôi mua thêm 15ha đất nữa để phát triển cây ăn trái và làm nhà nuôi chim yến.

"Riêng tôi đang sở hữu 30ha cao su; 20ha cây ăn trái, 7ha trang trại chăn nuôi heo, gà cùng với 8 nhà nuôi yến. Lãi ròng từ các mô hình nói trên đạt 8 tỷ đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí", ông Hướng tự tin nói.

Theo ông tỷ phú nông dân Tống Văn Hướng, tỉnh Bình Dương có tiềm năng nông nghiệp rất mở. Hướng mở ở đây không phải chỉ làm nông nghiệp thuần túy mà phải là nông nghiệp công nghệ cao. Nông nghiệp công nghệ cao lại tiếp tục gắn liền với du lịch để phát triển thành các trang trại sinh thái.

"Lợi thế của tỉnh Bình Dương là có Sông Bé có hồ Dầu Tiếng. Hai yếu tố này sẽ thúc đẩy cho vườn sinh thái lên tầm cao mới. Đây là hướng đi giàu tiềm năng giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp", ông Hướng chia sẻ.

Nữ nông dân Cao Bằng: 1 nghề thì sống, đống nghề mỗi tháng chỉ thu hơn 70 triệu

Quyết định nghỉ học đại học giữa chừng để về chăn nuôi, trồng trọt, kết hợp làm dịch vụ lưu trú, cô sinh viên Hoàng Thị Bướm (SN 1968) năm nào đã khiến cả phố núi Thông Nông (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) nể phục. Nhiều người nói vui, với chị Bướm, một nghề thì sống, đống nghề mỗi tháng chỉ thu hơn 70 triệu chứ mấy!

Phải lòng "cỗ máy nhả vàng" kiếm tiền tỷ, trồng la liệt các loại trái cây đặc sản thu nghìn USD - Ảnh 6.

Chị Hoàng Thị Bướm - chủ nhân mô hình khách sạn kết hợp chăn nuôi tại thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chiến Hoàng

Chị Bướm cho biết, chị đã trải qua rất nhiều nghề, tìm rất nhiều hướng phát triển kinh tế hộ gia đình, từ chăn nuôi, bán thực phẩm tươi sống đến trồng rau… chị đều đã từng lăn lộn cả. Lúc nào, chị cũng đau đáu vươn lên để có cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Năm 1994, gia đình chị buôn bán thịt lợn, có thời điểm tiêu thụ từ 8 - 10 con lợn thịt/ngày. Nguồn thu từ việc mổ lợn cung cấp cho nhu cầu của người dân địa phương cũng giúp chị có chút ít vốn liếng. Đến năm 2012, gia đình chị chuyển sang mô hình kinh doanh khách sạn và dịch vụ ăn uống.

Chỉ khu đất rộng rãi cạnh đó, chị Bướm cho biết, đây là diện tích mà gia đình vừa mua thêm để mở rộng quy mô khách sạn và phát triển kinh tế nông nghiệp. Theo chị Bướm, việc kinh doanh khách sạn, dịch vụ ăn uống kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt khá thuận lợi. Mỗi tháng, gia đình chị thu nhập khoảng 70 triệu đồng.

"Việc trồng thực phẩm sạch, rau lang vừa để bán vừa là cung cấp cho nhà hàng cũng là lấy nguồn chăn nuôi đàn lợn táp lá bản địa. Hiện gia đình luôn duy trì đàn lợn từ 14 - 18 con trong chuồng. Tới đây, tôi sẽ xây dựng thêm 600m2 chuồng trại để tăng đàn," chị Bướm nói.


Với thành tích vượt khó vươn lên làm giàu trong lao động sản xuất, trong phong trào thi đua của địa phương, vừa qua, 3 nông dân nói trên đều vinh dự được Hội đồng chung khảo bình chọn là 3 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020".

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020" được tổ chức ở Thủ đô Hà Nội nhân Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem