DN phải thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng
Người dân tái định cư vùng lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình chúng tôi cảm ơn Nhà nước, Báo NTNN đã quan tâm đến đời sống của các chủ rừng vùng lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình.
|
Cuộc sống vất vả của chủ rừng bản Híp, xã Chiềng Ngần, TP.Sơn La (Sơn La). |
Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc Quyết định 380 của Thủ tướng Chính phủ để thiết thực giúp người dân chúng tôi thoát nghèo, nâng cao hiệu quả khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển vốn rừng, làm nguồn tích nước cho thuỷ điện.
Đinh Văn Dìn
(nông dân bản Chài, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên, Sơn La)
Chủ rừng chịu nhiều đói khổ
Các chủ rừng ở đây cũng như ở các địa bàn khác trong vùng lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình đã phải chịu đói khổ vì dành đất cho rừng. Đến con đường giao thông muốn mở to, rộng để đi lại dễ dàng, thông thương thuận lợi; cái nhà muốn có cây cột to, vững chãi… cũng phải tính toán hợp lý để bảo vệ vốn rừng, lấy nước cho thuỷ điện.
Vậy mà các doanh nghiệp kinh doanh nhờ rừng lại tiếc dân một phần lợi nhuận. Mà chính trong phần chi trả dịch vụ môi trường rừng ấy, chúng tôi đã đóng góp một phần thông qua việc sử dụng điện đang ngày một tăng giá…
Lão nông Hà Công Hoàng
(Bản Bướt, xã Chiềng Yên, Mộc Châu, Sơn La)
Vất vả giữ rừng
Ngành Kiểm lâm chúng tôi giữ rừng vất vả lắm. Muốn có kết quả cao thì công tác tuyên truyền phải đi trước một bước và phải dựa vào lòng dân là chính. Khi triển khai thực hiện Quyết định 380 của Thủ tướng, ai cũng mừng vì có thêm một nguồn thu cho các chủ rừng, tức là hiệu quả tuyên truyền bảo vệ vốn rừng được nâng lên một bước.
Nhưng đã mấy năm trôi qua kể từ khi có Quyết định 380 ấy, cả huyện chỉ có duy nhất một xã Chiềng Khừa thực hiện thí điểm được chi trả dịch vụ này và cũng chỉ là của năm 2009. Còn các xã khác, các năm tiếp theo thì không thấy quỹ nói gì đến chi trả. Dân mong đến mỏi mắt và chúng tôi cũng mong nguồn quỹ ấy thực hiện đúng như quyết định của Thủ tướng.
Nguyễn Mạnh Phong
(Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu, Sơn La)
Phạt nặng DN không thực hiện
Chúng tôi trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng rất vất vả, nhưng nếu chỉ phá một cây rừng, lấy một khúc gỗ sai quy định là có người đến nhắc nhở, xử phạt ngay. Vậy tại sao đã 3 năm các doanh nghiệp không thực hiện quyết định của Thủ tướng mà không bị phạt?
Thực ra cái khoản phí ấy khi đến tay chúng tôi chẳng thấm gì vì chỉ được khoảng hơn 100.000 đồng/ha, nhưng là nguồn động viên để dân giữ rừng tốt hơn. Nếu quỹ dịch vụ ấy lớn hơn nữa thì nên trích một khoản để khen thưởng những người làm tốt công tác trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng; nhất là những ai tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hiện tượng phá rừng; đấu tranh với lâm tặc. Được như thế thì rừng sẽ xanh nhanh thôi.
Quàng Văn Nguyên
(Bản Hôm, xã Chiềng Cọ, TP. Sơn La)
Phải có nguồn Quỹ dịch vụ môi trường rừng
Phù Yên là một trong những vựa rừng của tỉnh Sơn La và cũng là nơi đầu nguồn thuỷ điện Hoà Bình, thuỷ điện Suối Sập và lòng hồ thuỷ điện Sơn La. Đây cũng là một trong những huyện nghèo nhất nước vì toàn bộ phần đất tốt nhất để sản xuất nông nghiệp đã được dùng làm lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình từ hơn 30 năm trước.
Chúng tôi đồng nhất quan điểm với Báo NTNN về việc thực hiện nghiêm Quyết định 380 của Thủ tướng Chính Phủ. Phải có nguồn Quỹ dịch vụ môi trường rừng thì mới có tiền chi trả cho người dân giữ rừng.
Nguyễn Quang Vinh
(Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên - phụ trách khối nông, lâm nghiệp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.