Phải tự biết mình là ai? Và từ đâu tới?

Thứ ba, ngày 03/06/2014 14:33 PM (GMT+7)
Sau khi xem qua các thông tin báo chí trong và ngoài nước trên mạng, nhất là ở Mỹ, tôi phải "vò đầu, bóp trán" cả tiếng đồng hồ để tìm cho mình câu chữ thích hợp theo ý muốn.
Bình luận 0
Và cuối cùng, tôi chọn sáu chữ “Tính dân tộctình quê hương”! Lý do thật đơn giản nhưng không ai có thể phủ nhận lời của nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi” dù người đó ở bất cứ nơi đâu, chủng tộc nào cũng thế.

Tôi được may mắn sinh ra và lớn lên bên cạnh hai thế hệ như các cô chú anh chị em khác, có điều là lứa tuổi chênh lệch nhau nhiều hoặc bằng hay nhỏ hơn tôi vài ba tuổi mà thôi (năm nay tôi đã gần 60). Tuy nhiên, với một chút vốn sống mà tôi được học hỏi, tận mắt chứng kiến những câu chuyện sinh hoạt trong cuộc sống cá nhân, sự ích kỷ hẹp hòi, nặng tính chủ nghĩa "cá nhân" quá lớn, của nhiều gia đình bạn bè mà tôi từng giao tiếp và ngay cả trong "gia tộc" của tôi cũng có!

Nhưng tôi cũng cho rằng mỗi người mỗi cảnh, không ai giống ai, chỉ có điều tôi bâng khuâng suy nghĩ: "Gia đình là một phần tử gắn liền với xã hội” và tôi phải tự biết mình là ai? Từ đâu tới và muốn gì? Sau đó, tôi tự lý giải cho mình, không hiểu có bao nhiêu người cùng đồng thuận, nhưng tôi vẫn muốn nói lên suy nghĩ thật của riêng mình, rằng tôi tự biết tôi là người Việt Nam, tôi từ Việt Nam tới Đức và tôi muốn các con tôi học hỏi thêm những điều hay, đẹp của xứ người.

Vì đây là nơi mà tôi đã đến cùng các con và người thân, chỉ là một "Quê hương mẹ thứ hai" của tôi mà thôi, ngay cả khi tôi được cầm trên tay hộ chiếu là "Công dân Đức”. Thật ra, từ khi xa quê hương, tôi đã dồn hết tâm trí và sức lực của mình vào việc học hành, nghề nghiệp và lo cho tương lai của các con tôi trong suốt thời gian đủ dài để thấy mình có lúc "kiệt quệ" về sức khỏe lẫn tinh thần.
Ảnh minh hoạ (Nguồn VnExpress)
Ảnh minh hoạ (Nguồn VnExpress)

Tôi không có thời gian cho riêng mình, kể cả việc xem tin tức xa gần. Nhưng chỉ một lần về thăm người thân tại quê hương (sau hơn 20 năm xa xứ) trong bữa cơm gia đình vào dịp Tết, một người quen biết đã hỏi khiến tôi suy nghĩ "mình là ai? Từ đâu tới và muốn gì?".

Từ câu nói này, sau khi trở về Đức, tôi lại cố suy nghĩ nhiều hơn, cũng may mắn là các con tôi đã trưởng thành và sống tự lập nên tôi có thời gian để xem thông tin sinh hoạt xã hội khắp mọi nơi, nhất là sinh hoạt của cộng đồng người Việt Nam hải ngoại. Càng xem, tôi lại càng thấy buồn, hình như mình đã quên mình là ai rồi!

Thiết nghĩ, nếu có lòng tự trọng có tình yêu quê hương thật trong lòng thì ta nên tự chọn con đường hòa giải hòa bình. Nhiều người có trình độ học vấn cao, nghề nghiệp khác nhau (ông nghị, cử nhân, bác sĩ...) ở hải ngoại, ai cũng cho mình là người yêu quê hương và đấu tranh cho công lý, tự do... nhưng mỗi lần phát biểu thì hầu như chỉ là để "nói cho sướng miệng" mà thôi.

Thật tình, từ nhỏ đến giờ, tôi chưa hề biết gì về quan điểm chính trị cả, nhưng có một điều gì đó thật bức xúc, thật khó chịu trong lòng khi xem và nghe các phóng sự mà tôi cảm thấy tự mình xấu hổ với chính mình. Vì dễ hiểu là tôi đã biết mình là ai!

Tôi đồng ý cần đấu tranh cho cái đúng, chống cái sai, trong xã hội, trong mọi thời đại, nhưng có điều tôi nhớ về câu ngạn ngữ xưa "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Tôi nghĩ người Việt ở hải ngoại nhiều người cũng biết câu này và nên nhìn vào đó để sửa mình, đừng vì lợi ích cá nhân hay sĩ diện hão hoặc tìm cách áp đặt và không chịu đối diện với sự thật.

Còn các thể chế trong xã hội, mỗi nơi mỗi khác, điều quan trọng là nhìn ra được cái đúng, sai và dám sửa đổi.
img

Quê hương Mẹ Việt Nam đã mỗi ngày thay đổi tốt đẹp hơn (năm nào tôi cũng về). Từ khi sang xứ người, cuộc sống trải nhiều gian nan, vất vả, việc gì cũng có cái giá của nó. Nhưng từ những gian nan ấy, khi trở về lại quê hương sau hơn 20 năm dài xa cách, thật tình tôi không tưởng tượng được, cảnh vật quê hương thay đổi nhiều như vậy.

Đường xá, trường học, bệnh viện… nhất là những khu trung tâm thương mại khang trang đẹp đẽ. Sự nỗ lực để phát triển và vươn lên trong mọi tầng lớp của xã hội thân yêu mà tôi cứ tưởng còn lạc hậu như thưở nào.

Tất nhiên, chuyển mình đổi mới để hòa nhập với thế giới mà bảo vệ được chính mình, hoàn toàn không lệ thuộc vào ai, đâu phải là điều đơn giản, thậm chí phải trả giá. Và cũng khó tránh được những điều chưa hoàn chỉnh trong mọi sinh hoạt bình thường của xã hội cũng như trong quan hệ giữa người với người.

Ông Nguyễn Thanh Sơn ,Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhiều lần phát biểu với báo chí trong và ngoài nước: Kiều bào dù là người Mỹ gốc Việt hoặc người Đức gốc Việt…, tất cả đều là bộ phận gắn liền với quê hương không thể tách rời...

Tính dân tộc và tình quê hương của quê Mẹ Việt Nam thể hiện rõ qua lời nói của ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, người đã luôn chia sẻ, bày tỏ tình cảm ưu ái, trân trọng đến những người con xa xứ. Sự đồng cảm đó chỉ thể hiện được qua tấm lòng chân thành và đức độ. Tại sao mình lại chối bỏ với chính mình?!

Tôi mong rằng, với sự suy nghĩ nhỏ nhoi của mình, tuy không đủ lý lẽ để thuyết phục hoặc xoay chuyển ít nhiều đối với những người có trình độ học vấn cao hơn tôi, hiểu biết rộng hơn và nhìn xa hơn tôi, đang sống và phấn đấu ở khắp năm châu bốn biển, mỗi một con người đều có một lý tưởng sống không ai giống ai, nhưng xin đừng ngoảnh mặt quay lưng với đất Mẹ của mình khi lời mời gọi thật chân thành, thân ái của những người có trách nhiệm nặng nề mong muốn mang lại sự đồng thuận, niềm vui, hạnh phúc cho tất cả mọi người trong cũng như ngoài nước vì cùng chung nguồn cội.

Điển hình là lời nói đi đôi với việc làm của ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn trong những chuyến công du vừa qua mà tôi được xem, nghe qua trên các phương tiện thông tin. Ông đã chứng minh và thể hiện quá cụ thể về tính dân tộc và tình quê hương đến mọi nơi, mọi thành phần trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, một nghĩa cử đẹp mang tính nhân văn của dân tộc Việt, mang niềm vui chung cho Quê Mẹ mà bao năm chịu nhiều đau thương, mất mát.

Và tôi cứ mãi nhớ trong lòng câu người bạn quê nhà đã hỏi mình: "Tôi là ai? từ đâu tới? và tôi muốn gì”?! Bây giờ, tôi xin trả lời rằng: Mãi mãi tôi vẫn là người Việt Nam!

Ngày 14.4.2014 - Jahn Kim Liên (CHLB Đức)
Quê hương (Theo Quê hương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem