Phản biện xã hội của báo chí

Hoàng Trọng Thủy Thứ bảy, ngày 21/06/2014 07:25 AM (GMT+7)
Phản biện góp phần điều chỉnh các khuynh hướng kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội làm cho các khuynh hướng đó trở nên khoa học hơn, đúng đắn hơn và gắn với đời sống con người hơn.
Bình luận 0

Chỉ ra vết nạn và lỗ hổng chính sách

Phản biện của báo chí là phản biện xã hội. Bản chất của phản biện là sự tương tác giao thoa về quan điểm, tư tưởng giữa các lực lượng chính trị, kinh tế, xã hội trong một cộng đồng. Trong ý nghĩa tích cực, phản biện xã hội không có mục đích phủ nhận sạch trơn hay tìm cách đánh đổ kiến tạo chính sách của cơ quan công quyền. Ngược lại, nó giúp cho cơ quan kiến tạo chính sách nhận ra những vết rạn hay lỗ hổng của chính sách, kể cả những đề xuất hướng đi và giải pháp thực hiện.

Chẳng hạn, những loạt bài về sự cố Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam). Người dân địa phương lo lắng, dư luận cả nước băn khoăn về sự an toàn không chỉ ở Sông Tranh 2 mà còn cho cả những hồ chứa nước, đập thủy điện được xây dựng tương tự…Báo chí đã nhìn về người nông dân, nông thôn không phải bằng việc nói ngược lại hoàn toàn ý kiến của các nhà quản lý trong cuộc, mà rộng đường dư luận đăng tải tất cả ý kiến của người dân, cán bộ địa phương, nhà khoa học, nhà quản lý không trực tiếp chịu trách nhiệm vụ việc này…để xem xét tính chất của vấn đề một cách toàn diện, khách quan.

Tháng 6 này, rất nhiều tờ báo trung ương và địa phương, kể cả các báo của Hiệp hội ngành nghề dẫn lại nội dung bài phát biểu của ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khi ông đề cập thẳng thắn những nghịch lý đang còn tồn tại trong lĩnh vực “tam nông”. Ông đặt câu hỏi: “Cho đến nay, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu 7 loại hàng nông sản đứng từ thứ 1 đến thứ 5 trên thế giới. Nhưng vì sao năng suất nhiều cây con thuộc loại cao, nhưng thu nhập của người nông dân rất thấp?”

Câu hỏi của ông Nguyễn Thiện Nhân cũng chính là sự phản biện, tiếp thêm lần “đánh thức” lo âu của Quốc hội về vị thế “chủ thể” của người nông dân trong phát triển nông nghiệp suốt mấy chục năm qua, cho tới nay chưa có lời giải đáp. Còn gì đáng buồn và đáng lo hơn khi người chủ thể của sản xuất nông nghiệp là nông dân lại luôn xếp ở vị trí cuối bảng về mức thu nhập và quyết định giá cả của sản phẩm do chính mình làm ra. Nỗi lo của người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là chung nỗi lo với ông Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: “Cứ đà này, liệu người nông dân có còn đủ sức xây dựng nông thôn mới nữa không?”

Điều quan trọng là hai ông không chỉ có hỏi để hỏi, mà thẳng thắn nhìn nhận các nghịch lý, tìm ra nguyên nhân thật, bàn các giải pháp để đảo ngược nghịch lý, cũng có nghĩa là làm thay đổi thân phận nghèo của người nông dân. Cần phải “mổ xẻ”, phân tích khâu trước nông dân và sau nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp…Ở đây, cây trồng, vật nuôi có năng suất cao mà thu nhập thấp là tại chỗ nào?”. Giải pháp mà ông Cường, ông Nhân đặt ra đều hướng đến mục tiêu “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.

Vấn đề quan trọng: chất lượng phản biện

Như vậy, phản biện xã hội là cách để báo chí giúp công chúng và cả người lãnh đạo, quản lý trong cuộc nhìn nhận một vấn đề, một sự kiện ở nhiều góc độ khác nhau, nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau trên cả phương diện đánh giá và số lượng người ít – đông. Trong những sự khác biệt đó, báo chí là kênh thông tin chuyển tải được tiếng nói của dư luận xã hội.

Vấn đề đặt ra trong phản biện xã hội của báo chí về “tam nông” là chất lượng của phản biện. Trong đó, nhà báo đóng vai trò quyết định trong: Kiến tạo, kết nối và bút lực thể hiện trong tác phẩm báo chí, gồm:

Thứ nhất, bài báo phải rõ vấn đề, rõ ý, có dung lượng thông tin đủ sức luận giải, thuyết phục và định hướng dư luận, nhận thức của công chúng. Muốn làm được điều này, nhà báo phải “lăn mình” với “tam nông”, với thực tiễn để tìm ra sự thật. Bằng cách này hay cách khác tạo ra một trường tương tác xã hội giữa 3 nhóm cộng đồng: Cộng đồng trí thức (phát hiện và lý giải vấn đề); cộng đồng truyền thông (phổ biến, chuyển tải thông tin) và cộng đồng xã hội (hưởng ứng thông tin, hình thành dư luận xã hội).

Thứ hai, nhà báo phải có động cơ trong sáng, không vụ lợi, không bênh vực một phía được ngụy trang dưới vỏ bọc phản biện. Nhà báo cần có quan điểm phản biện tích cực, đứng về lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng, lợi ích chính đáng của người nông dân trong kinh tế thị trường đầy cạm bẫy.

Thứ ba, nhà báo cần có tri thức đầy đủ về vấn đề phản biện, trong đó, quan điểm chính trị, kiến thức về pháp luật giữ vai trò then chốt; đồng thời phải hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi là sinh học và mùa vụ, trải trên diện rộng 7 vùng sinh thái khác nhau, với tập quán canh tác, tập tục văn hóa khác nhau.

Vấn đề đặt ra trong phản biện xã hội của báo chí về “tam nông” là chất lượng của phản biện. Trong đó, nhà báo đóng vai trò quyết định trong: Kiến tạo, kết nối và bút lực thể hiện trong tác phẩm báo chí.
Thứ tư, sức mạnh của thông tin là sức mạnh của sự hợp tác; do vậy, nhà báo cần tư duy theo chuỗi giá trị từ chọn vấn đề đến kết nối với nhà lý luận, khoa học, lãnh đạo, chính khách và đồng nghiệp. Biết đưa vấn đề phản biện đến đúng đối tượng, đúng chỗ, đúng lúc, đúng thời gian.

 

Tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập cho người nông dân, bảo vệ ngư dân trong tình hình mới đang “sôi lửa” trên các trang báo. Với hơn 800 báo, tạp chí in, 1.084 ấn phẩm; 74 báo, tạp chí điện tử; 1.174 trang thông tin điện tử tổng hợp; 67 đài truyền thanh, truyền hình và 17.000 nhà báo có thẻ đang hành nghề; tất cả công chúng của các báo chí đều là người tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp, do nông dân làm ra - Đó là cơ hội lớn, thách thức lớn, sức ép lớn đối với những người làm báo của Hội Nông dân trong các tác phẩm báo chí có nội dung phản biện chính sách cho “tam nông”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem