Phân cấp đầu tư cho cấp xã và trao quyền cho cộng đồng: Vẫn còn quá nhiều rào cản

Minh Nguyệt - Lê Huyền Thứ tư, ngày 10/12/2014 14:00 PM (GMT+7)
Ngày 9.10, Bộ LĐTBXH phối hợp với Oxfam tổ chức “Đối thoại chính sách về phân cấp đầu tư cho cấp xã và trao quyền cho cộng đồng hướng tới giảm nghèo bền vững”. Cuộc đối thoại này nhằm hướng tới việc người dân được quyết định làm gì, làm thế nào để giúp họ thoát nghèo. 
Bình luận 0

Dân… ngại giấy tờ

Trong báo cáo trình bày kết quả nghiên cứu tại 7 tỉnh đi đầu trong hoạt động đổi mới, phân cấp đầu tư cho cấp xã, trao quyền cộng đồng của tổ chức Oxfam cho thấy, kết quả thực hiện đạt hiệu quả cao (NTNN số 294 đã có bài phản ánh).

img

Người dân tham gia lập dự toán và thi công kênh mương của xóm Kê (Tân Khánh, Phú Bình, Thái Nguyên).


Tuy nhiên, không phải bây giờ mô hình trao quyền cho cấp xã mới được thực hiện. Trong Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, chủ trương vẫn là trao quyền cho cấp xã làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tân – Phó Vụ trưởng, Phó Chánh văn phòng Chương trình 135 (Ủy ban Dân tộc) nhận định: “Sở dĩ có văn bản hướng dẫn nhưng vẫn không thể phân cấp, trao quyền cho người dân và địa phương là bởi năng lực, trình độ địa phương còn yếu. Bên cạnh đó, thủ tục thanh toán tiền trong các dự án phân quyền cũng rất khó khăn. Nhiều dự án không có chứng từ hóa đơn nên không cấp tiền được”.
 

Cụ thể nhất là tỉnh Ninh Thuận, những năm đầu thực hiện Chương trình 135, tỉnh phân cấp cho 70-80% số xã làm chủ đầu tư công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn, nhưng do năng lực cán bộ xã hạn chế, giấy tờ thiếu nên phần nhiều không quyết toán được. Tới nỗi tỉnh… sợ, phải rút vốn và hiện chỉ còn 30% số xã làm chủ đầu tư. Các xã này, phần lớn lại có cán bộ xã là cán bộ huyện đi tăng cường.

Khi thực hiện việc trao quyền cho cộng đồng theo hướng người dân tham gia lập kế hoạch kinh tế xã hội, tham gia đấu thầu, xây dựng các công trình nhỏ, nhiều ý kiến cho rằng theo Luật Xây dựng, thôn không thể tổ chức thi công, vì muốn thi công phải có đủ tư cách pháp nhân, công trình phải có hồ sơ kỹ thuật, vật liệu phải có hóa đơn, chứng từ… Tóm lại là phải có hồ sơ “đẹp” để thanh toán.

Ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh văn phòng quốc gia xóa đói giảm nghèo kể một câu chuyện “cười ra nước mắt”: “Vừa qua, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) có kế hoạch xây nhà văn hóa huyện. Công trình này nếu đấu thầu thì khoảng 3 tỷ đồng, chuyển giao cho dân làm thì hết 800 triệu đồng, ngân sách hỗ trợ 150 triệu đồng, dân đóng góp hơn 600 triệu đồng. Nhưng khi đi thanh toán với kho bạc, người dân không “lo” đủ chứng từ nên không thể thanh toán được 150 triệu đồng, tới mức họ... dỗi, trả lại nhà nước”.

Giải tỏa khó khăn

Quan điểm

Ông Lê Viết Thái • Trưởng ban Thể chế kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế T.Ư
 Hiện nay có nhiều điểm tréo ngoe khi lập kế hoạch kinh tế - xã hội ở cấp xã. Cán bộ xã lập, tự đưa ra chỉ tiêu năm nay nuôi 2.000 con trâu, 3.000 con bò… Nhưng thực tế xã có nuôi đâu, mà là dân nuôi. Việc của xã là hỗ trợ dân thực hiện điều đó thông qua việc giúp dân vay vốn, thú y, làm chuồng trại. Và như thế, rất cần có sự tham gia của người dân khi lập kế hoạch này 
Tại buổi đối thoại, phần lớn ý kiến đều đồng ý là nên phân cấp cho cấp xã chủ động lên kế hoạch và triển khai các công trình, chương trình có thể hỗ trợ ngay người dân xóa nghèo. Ông Phan Đình Hà – Phó Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm (Bố Trạch, Quảng Bình) cho rằng đây là hướng đi đúng, cần mở rộng. Ông Hà kiến nghị: “Với những công trình vừa và nhỏ tại thôn xã, người dân hoàn toàn có thể tham gia lập kế hoạch triển khai nếu có sự hướng dẫn, giám sát của chính quyền”.

 

Thực tế ở xã này, kể từ tháng 2.2012, xã đã có 4 thôn tham gia quản lý cộng đồng. Toàn xã thực hiện xây dựng được 4.770m đường thuộc 11 thôn, với tổng ngân sách hơn 2,4 tỷ đồng. Trong đó ngân sách xã chi trên 1 tỷ đồng, nhà hảo tâm 100 triệu đồng, ngân sách nhân dân đóng góp gần 1,4 tỷ đồng.

Thế nhưng, làm thế nào để người dân vượt qua cả “núi” hồ sơ, giấy tờ, chứng từ và có đủ năng lực để nhận việc “trao quyền”. Nhìn nhận một cách khách quan, bà Nguyễn Thị Phương Dung – cán bộ dự án của Oxfam cho rằng cần phải làm rõ các khái niệm. Chẳng hạn như người dân hoàn toàn có thể tự tổ chức thi công công trình “quy mô nhỏ” nhưng thế nào là “quy mô nhỏ” lại không được quy định bằng văn bản.

Từ góc độ kinh nghiệm, một số tỉnh khi triển khai mô hình Quỹ Phát triển xã (CDF) đã ban hành được sổ tay lập kế hoạch cấp xã, trong đó có phần hướng dẫn lập dự toán, sử dụng vốn và cách đánh giá hiệu quả công trình nhìn từ góc độ kinh tế, xã hội. Sau đó, tỉnh tổ chức tập huấn tới tận thôn bản về việc thực hiện. Tuy nhiên, để áp dụng CDF trên diện rộng cần có hướng dẫn từ cấp T.Ư.

Đứng trên góc độ quản lý nhà nước về công tác giảm nghèo, ông Ngô Trường Thi khẳng định, thực hiện thành công việc phân cấp, trao quyền chính là nhân tố tác động dài hạn tới việc giảm nghèo bền vững. Vì thế, Bộ LĐTBXH đang phối hợp với các đơn vị tiến hành tháo gỡ các thủ tục hành chính, trong đó việc đầu tiên là ban hành danh mục những công trình mà cấp xã, cộng đồng có thể làm. Thứ 2 là cần thành lập nhóm nòng cốt, đại diện cộng đồng, có tính pháp lý, được pháp luật thừa nhận để họ có thể đứng ra quyết toán; thứ 3 là quy định cụ thể về thủ tục pháp lý thanh toán, tài chính với kho bạc.

  Quy trình quản lý cộng đồng (thường ở cấp xóm, thôn) gồm 9 bước: Dân thảo luận bầu nhóm nòng cốt; nâng cao năng lực cho nhóm nòng cốt; lập hồ sơ cộng đồng và lựa chọn vấn đề ưu tiên; thành lập nhóm cộng đồng thực hiện tiểu dự án; cộng đồng xây dựng tiểu dự án; thẩm định và phê duyệt tiểu dự án; thông báo các tiểu dự án được duyệt tới dân; thực hiện giám sát tiểu dự án; nghiệm thu và đánh giá tiểu dự án. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem