Phan Huyền Thư: Thà rằng tôi bị người ta ghét...

Thứ sáu, ngày 21/06/2013 19:17 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Vào cái tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” rồi mà vẫn còn phải “đa năng” là điều cực chẳng đã! Nếu nhìn nhận theo chiều hướng tích cực thì làm được gì đó có ích thì cũng tốt, nhưng được khen “ năng động” hay “đa tài” đều dễ làm tôi tổn thương hơn là sung sướng”- nhà báo Phan Huyền Thư chia sẻ.
Bình luận 0

Nghề báo vừa nhạy cảm vừa mạo hiểm

Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, bố là nhạc sĩ tài hoa Phan Lạc Hoa và mẹ là NSND Thanh Hoa, Phan Huyền Thư đã sớm được tiếp cận với nghệ thuật khi còn bé xíu, 4 tuổi, chị đã thường hay nói những câu có vần… kiểu như: “Trên nền trời cao, lung linh sao múa, mắt sao màu lửa, nhìn em sao cười…” và đã cùng bố phổ nhạc thành bài hát đầu tiên của chị.

Khi 5 tuổi, Huyền Thư đã được bố mua cho một cây đàn violon và bắt đầu dạy nhạc cho chị. Chính vì thế mà công việc sáng tác và hai chữ nghệ thuật đã gắn liền với cuộc đời chị, như một phần máu thịt, là sự mê đắm với chữ nghĩa. Cho dù có những lúc chị cũng tự nhận mình là một người phụ nữ bình thường như bao người phụ nữ khác, cũng có nhu cầu yêu thương, cũng cần một bờ vai vững chắc, một gia đình nhỏ ấm cúng.

img
 

Khi còn là sinh viên Văn khoa của ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐHKHXHNV), Huyền Thư đã bắt đầu viết báo. Bước chân vào nghề báo, trải qua dăm bảy tờ tuần báo, công tác rồi sau đó lên tới hơn hai chục đầu báo… cho đến khi chuyển từ Tạp chí Thế giới Điện ảnh về Hãng phim Tài liệu, chị cảm thấy mình đã hết duyên với nghề viết báo.

“Tôi luôn thèm một công việc gì đó mang tính sáng tạo và để lại dấu ấn cá nhân trong khi làm phóng viên thì như các bạn thấy, đó là một nghề quá nhạy cảm vì đó là một trong những nghề dễ làm tổn thương người khác vô cùng… Nhiều khi chỉ là sự vô tình hoặc thiếu chuyên tâm vào một câu, một từ thôi, mình đã gây tai bay vạ gió cho người khác rồi!”- Phan Huyền Thư chia sẻ.

Là người thông minh, cá tính và tiến thủ, dường như ở bất cứ lĩnh vực nào, chị cũng đạt được thành công nhất định. Cái tên Phan Huyền Thư được biết đến là một nhà thơ trẻ với cá tính mạnh mẽ như: “Rỗng ngực”, “Giấc mơ”, “Tự nguyện”, “Tập thơ nằm nghiêng”, “Hoa gạo”, “Dị mộng”, “Hè lỗi hẹn”…

Rồi sau đó Phan Huyền Thư lại được biết đến là nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn của những bộ phim tài liệu đầy ắp nhân văn: “Cha, mẹ xin lỗi con”, “Mẹ, con đã về”, đặc biệt là bộ phim tài liệu “Cuộc đời sau trang sách” đã đoạt giải C - Giải Báo chí quốc gia 2011.

Thà là bị ghét...

“Nếu nhìn nhận theo chiều hướng tích cực thì đa mang, đa đoan mà làm được gì đó có ích thì coi như được động viên khích lệ, nói thật thì… được khen năng động hay đa tài đều dễ làm mình tổn thương hơn là sung sướng… vì các cụ dạy: “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết” hay còn có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” mà!”- nhà thơ, nhà báo Phan Huyền Thư tâm sự.

Khi được hỏi, sao đa tài thế, chị chia sẻ, dù có làm bất cứ công việc nào, đặc biệt là những công việc viết lách, sáng tạo hay làm mình dễ rung động và bị tổn thương, thì vẫn luôn tự xác định mình cần phải toàn tâm, toàn ý cho công việc đó. Huyền Thư luôn khắc ghi câu bố dạy: “Thà bị người khác ghét vì mình giỏi còn hơn là bị người ta coi thường vì mình dốt”, cũng vì câu nói đó mà chị quyết định chọn con đường riêng và đã có thành công như ngày hôm nay.

“Tôi nhớ nhất cảnh bố tôi ngồi thức suốt đêm để quạt cho 2 chị em ngủ khi mất điện... Nhớ cái bảng đen rất to do bố tự tay đóng vào một cái giá và kẻ các khuông nhạc lên đấy để dạy 2 chị em cùng lúc vừa học chữ vừa học nhạc”.

Với Huyền Thư, bố là tuổi thơ, bởi khi nói đến bố, có nghĩa là nói đến một phần khuyết thiếu trong chính con người mình. “Tôi đi tìm cái phần khuyết thiếu đó cũng chính là đi tìm sự trưởng thành bên trong mình. Tôi thích câu nói này của Osho “Trưởng thành là trách nhiệm để trở thành chính mình”. Bố mất sớm, không có chỗ để dựa dẫm, hỏi ý kiến, chia sẻ hay đòi hỏi, bởi vậy chị quen dần với sự tự lập, mạnh mẽ và dám chịu trách nhiệm.

Điều Huyền Thư nuối tiếc nhất trong năm 2012 vừa qua là đã để lỡ mất dịp hoàn thành cuốn sách về bố, vì những ồn ào của dư luận khi khơi lại chuyện gia đình mình sau 30 năm ngày mất của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa. “Bạn bè của bố, gia đình và bè bạn vẫn đồng tình ủng hộ tôi thực hiện cuốn sách “Phan Lạc Hoa trong trí nhớ bạn bè” và một album các ca khúc của ông, trong đó có rất nhiều ca khúc chưa được công bố chính thức bao giờ. Tôi mong sẽ để lại cho các con, bạn bè của bố mẹ và khán giả một chút gì đó. Hy vọng là vào dịp 35 năm ngày mất của ông, tôi sẽ làm được. Tôi có vội vàng gì đâu, người khuất thì đã khuất rồi, tác phẩm sẽ còn lại”- Phan Huyền Thư tâm sự. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem