Phát hiện “chấn động” về cung điện thời Lý: Sự thật về loại ngói lá đề độc nhất châu Á (kỳ 3)
Hà Tùng Long
Thứ tư, ngày 21/04/2021 10:12 AM (GMT+7)
Những phát hiện thú vị về loại ngói lá đề chạm khắc rồng phượng lợp trên cung điện thời Lý của Viện Nghiên cứu Kinh thành đã góp phần giải mã những bí ẩn lịch sử.
Phát hiện thú vị về loại ngói lợp trên cung điện thời Lý
Theo PGS.TS Bùi Minh Trí – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, bên cạnh dấu tích nền móng các công trình kiến trúc, trong phạm vi rộng lớn của khu khai quật hơn 42.000m2, từ khu A đến khu E (khu vực 18 Hoàng Diệu và Nhà Quốc hội), các nhà nghiên cứu tìm thấy rất nhiều loại hình vật liệu kiến trúc, trong đó có nhiều loại ngói lợp mái.
Phát hiện này là cơ sở khẳng định, các công trình kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa đều là kiến trúc gỗ và trên mái được lợp ngói. "Trong kinh thành, tất cả mọi nhà đều làm bằng gỗ" như A. de Rhodes quan sát tại Thăng Long vào giữa thế kỷ 17.
Nghiên cứu mặt bằng cột trụ và tư liệu mô hình kiến trúc đất nung cho thấy, cung điện thời Lý có kết cấu 4 mái, hai mái phía trước, phía sau và hai mái ở hai bên, còn gọi là mái đầu hồi. Trên mái được lợp bằng loại ngói âm dương và một số lợp loại ngói sen (hay ngói phẳng). Các loại ngói dương chủ yếu là ngói ống và ngói úp với những sắc thái rất đặc sắc.
Ngói ống là loại ngói phổ biến nhất ở thời Lý. Nó có thân nửa hình ống, được lợp bên trên ngói cong nên còn gọi là ngói dương và gồm hai loại rõ rệt: ngói lợp diềm mái (ngói diềm mái) và ngói lợp thân mái (ngói thân mái).
Xét về hình dáng, tên gọi và kỹ thuật lợp, loại ngói này được sử dụng khá phổ biến và rộng rãi ở các công trình kiến trúc gỗ trong khu vực châu Á, từ thời Hán trở đi. Trên các công trình kiến trúc cung điện tại Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc đều có thể nhìn thấy phổ biến các loại ngói này. Nhưng điểm rất khác biệt của loại ngói ống diềm mái thời Lý là trên lưng của nó thường được gắn hình một chiếc lá đề cân, bên trong trang trí hình rồng, hình phượng với đường nét tạo tác rất khéo léo và mang tính nghệ thuật rất cao.
Để tạo nên tính thống nhất với trang trí ở phần diềm mái, trên lưng các loại ngói úp thời Lý được gắn hình lá đề lệch trang trí rồng, phượng hay gắn tượng uyên ương (uyên ngõa). Đối với ngói úp loại lớn (dùng để lợp ở chính giữa nóc mái) thường được gắn hình lá đề cân có kích thước to lớn, hai mặt trang trí tinh xảo hình rồng hoặc hình phượng.
Đặc biệt, loại ngói úp ở hai đầu bờ nóc lại thường được tạo tác dưới dạng phù điêu hay tượng tròn hình đầu rồng hoặc đầu chim phượng có kích thước khá to lớn với cái cổ cao vươn lên trời, ở đó có những lỗ nhỏ để xâu dây buộc chặt vào bờ nóc mái. Với đặc điểm này, loại ngói úp thời Lý còn được gọi là ngói trang trí mái.
Xét về chất liệu, ngói thời Lý có 2 loại: ngói đất nung màu đỏ và ngói tráng men (men trắng và men xanh lục), trong đó ngói đất nung màu đỏ là phổ biến nhất, được làm từ đất sét đồi lẫn nhiều đất sét trắng. Ngói tráng men được làm chủ yếu từ loại đất nguyên liệu làm đồ gốm sứ, bao gồm đất sét trắng và thạch anh.
Ngói lá đề là loại ngói cung điện độc đáo nhất châu Á
Ngói thời Lý rất phong phú, đa dạng về kiểu dáng và kích cỡ, nhưng về chất liệu, kỹ thuật chế tác và phong cách trang trí nghệ thuật (từ khối hình đến đường nét hoa văn) thì lại có tính thống nhất rất cao, thể hiện sự đồng bộ cùng với những qui tắc tạo hình khá chặt chẽ, tạo nên phong cách rất riêng cho kiến trúc Lý.
Hình lá đề gắn trên ngói ống diềm mái hay trên các loại ngói úp nêu trên dường như là một phát minh quan trọng của thời Lý, nó đã tạo nên một sự khởi sắc mới cho nghệ thuật kiến trúc Việt Nam. Nếu nghiên cứu so sánh với các loại ngói ống lợp mái cung điện ở các kinh đô cổ trung đại của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… có thể nói, loại ngói lợp diềm mái và loại ngói úp trang trí rồng, phượng của thời Lý là loại ngói độc đáo nhất trong khu vực châu Á, mang bản sắc riêng của nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam.
Tại các di tích kinh đô của Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc người ta chỉ nhìn thấy chủ yếu là loại ngói ống có đầu trang trí linh thú hay hoa sen, hoa cúc, chưa có nơi nào có loại ngói ống gắn lá đề trang trí rồng, phượng như Kinh đô Thăng Long.
"Cách đây gần 12 năm, khoảng đầu xuân năm 2004, trước yêu cầu của công tác tuyên truyền quảng bá về tầm quan trọng đặc biệt của khu di tích Hoàng thành Thăng Long, dựa trên tư liệu khai quật và tư liệu nghiên cứu các di tích kinh đô cổ ở châu Á, lần đầu tiên chúng tôi đã đưa ra phác thảo giả định về hình thái của bộ mái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý, Trần. Tuy nhiên, lúc đó do còn quá thiếu tư liệu nên chúng tôi đã tạm mượn hình ảnh mái đình thời Lê Trung hưng để diễn giải về chức năng và những sắc thái riêng biệt của các loại ngói lợp mái kiến trúc cung điện thời Lý, Trần.
Kể từ đó đến nay, thành tựu nghiên cứu về chức năng cũng như kỹ thuật chế tác, kỹ thuật lợp của từng loại ngói thời Lý, Trần đã có những bước tiến rất dài, khẳng định và làm rõ hơn những nhận thức cơ bản của chúng tôi đã đưa ra từ năm 2004.
Đồng thời, trong nhiều năm qua, bên cạnh công tác phân loại, nghiên cứu các loại hình vật liệu kiến trúc thời Lý, Trần tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, chúng tôi cũng đã đầu tư nghiên cứu so sánh để ngày một nhận diện rõ hơn về hình thái của bộ mái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý.
Trong năm 2014-2015, chúng tôi đã cơ bản hoàn thành chương trình nghiên cứu này với những bản vẽ giả định được thể hiện công phu về các loại ngói trang trí trên mái kiến trúc cung điện thời Lý và hy vọng nó sẽ mang lại cho giới khoa học và công chúng nhận diện rõ hơn về vẻ đẹp và nét độc đáo của kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý.
Nếu những bản vẽ giả định của chúng tôi phản ánh đúng hoặc gần đúng với hình ảnh hiện thực của kiến trúc cung điện thời Lý đương đại thì đó là điều hạnh phúc lớn. Bởi đây là điều mơ ước từ lâu của giới khoa học kể từ sau khi phát lộ khu di tích Hoàng thành Thăng Long và cũng là kỳ vọng của công chúng mong muốn được chiêm ngưỡng hình dáng kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long xưa.
Những dấu vết nền móng và những loại ngói lợp mái tìm thấy tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã cho chúng ta một ý niệm về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý, làm cho chúng ta luyến tiếc về những công trình kiến trúc gỗ độc đáo và rộng lớn từng tồn tại trong Hoàng cung Thăng Long dưới vương triều Lý với bộ mái rất đặc sắc mà hiếm nơi nào có được", PGS Bùi Minh Trí nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.