Phát hiện “chấn động” về cung điện thời Lý (bài cuối)
Phát hiện “chấn động” về cung điện thời Lý: Tiếp tục giải mã cung điện thời Đại La, Đinh – Tiền Lê, Trần
Hà Tùng Long
Thứ năm, ngày 22/04/2021 13:30 PM (GMT+7)
PGS. TS Bùi Minh Trí – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành khẳng định, sau thành công của việc nhận diện hình thái kiến trúc cung điện thời Lý sẽ tiếp tục giải mã bí ẩn lịch thời Đại La, Đinh – Tiền Lê và Trần.
Những công bố mới nhất của Viện Nghiên cứu Kinh thành về nhận diện hình thái kiến trúc của cung điện thời Lý mới đây đã mang lại nhiều điều thú vị cho giới nghiên cứu lẫn công chúng. Theo ông, những phát hiện này đóng vai trò như thế nào trong tiến trình giải mã bí ẩn lịch sử ở khu di sản Hoàng thành Thăng Long?
Chúng ta đều biết, một trong những nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Kinh thành hiện nay là nghiên cứu đánh giá dấu tích của Hoàng thành Thăng Long. Đây là nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu Kinh thành là đơn vị tổ chức thực hiện.
Trong 10 năm qua, Viện đã triển khai rất nhiều nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá, bao gồm đánh giá giá trị của di tích, di vật đã phát lộ được tại khu vực 18 Hoàng Diệu và khu vực tòa Nhà Quốc hội.
Công tác nghiên cứu của khảo cổ học là bắt tay vào giải mã ngay từ khi mới xuất lộ dấu tích, tàn tích, vết tích... Xem những vết tích này thuộc thời đại nào và quy mô - diện mạo của nó ra sao. Nhưng để giải mã được hình thái kiến trúc cổ thì các cuộc khai quật trước chưa thể làm được, đặc biệt là giải mã hình thái kiến trúc cung điện thời Lý.
Đây là một thách thức không hề nhỏ đối với các nhà khoa học. Bởi lẽ, các kiến trúc cổ của thời Lý, Trần, Lê là kiến trúc đã bị thất truyền mà sử cũng không ghi chép lại. Chúng ta không có hình vẽ nào về kiến trúc cung điện ở giai đoạn này.
Sự khẳng định về quy mô kiến trúc to lớn của cung điện ở Hoàng thành Thăng Long chủ yếu dựa trên các tư liệu khảo cổ học. Cho nên việc giải mã hình thái kiến trúc cung điện thời Lý gặp rất nhiều khó khăn.
Nhưng chúng ta biết, những phát hiện khảo cổ học ở 18 Hoàng Diệu và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội là một phát hiện cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa vô cùng to lớn đã mang lại cho chúng ta nhận diện rõ ràng hơn về sự tồn tại của kinh đô Thăng Long dưới lòng đất. Nhờ phát hiện khảo cổ học này chúng ta đã đưa khu di tích Hoàng thành Thăng Long thành Di sản văn hoá thế giới.
Câu chuyện đặt ra là để đưa được giá trị ấy đến với công chúng và để mọi người nhận thức được giá trị của những phát hiện khảo cổ học thì các nhà khoa học đã rất tâm huyết nghiên cứu để giải mã kiến trúc cung điện nhà Lý.
Đây là nghiên cứu rất dài hơi, bắt đầu từ năm 2009 và đặc biệt đẩy mạnh vào 2015 – 2016. Nghiên cứu giải mã về kiểu kiến trúc đấu cục đã cho chúng ta biết được hình thái của bộ mái. Từ đó, những bí ẩn của Hoàng cung Thăng Long thời Lý được mở ra.
Các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu so sánh dựa trên 4 nguồn tư liệu: khảo cổ học, mô hình kiến trúc, tư liệu minh văn và nghiên cứu điều tra - so sánh. Cụ thể, Viện của chúng tôi đã thực hiện nhiều phương pháp nghiên cứu như: tái điều tra khai quật khu di tích 18 Hoàng Diệu; nghiên cứu giải mã loại hình, chức năng các loại ngói lợp mái kiến trúc; điều tra, nghiên cứu mô hình kiến trúc đang lưu giữ tại các bảo tàng; nghiên cứu di vật đồ gỗ đào được tại di tích; nghiên cứu sử liệu, đặc biệt là nghiên cứu so sánh với kiến trúc kinh đô cổ ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nghiên cứu kiến trúc cổ ở Bắc Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu đã góp phần quan trọng cho chúng ta không chỉ trong giải mã mà còn đưa kết quả nghiên cứu đó đến với công chúng, cho mọi người cảm nhận rõ nét và sâu sắc hơn vẻ đẹp tráng lệ của các kiến trúc Hoàng cung xưa và kiến trúc cổ Việt Nam mà hiếm nơi nào có được.
Thành quả nghiên cứu của chúng tôi đang đưa lại những giá trị thiết thực, góp phần làm sáng rõ hơn giá trị của khu di sản Hoàng thành Thăng Long và khơi dậy trong mỗi người niềm tự hào về kinh đô Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đấy là thành quả rất quan trọng của Viện Nghiên cứu Kinh thành trong những năm qua.
Kế hoạch tiếp theo sau khi đã nhận diện được hình thái kiến trúc cung điện thời Lý là gì, thưa PGS.TS Bùi Minh Trí?
Trong nhiều năm tiếp theo, Viện Nghiên cứu Kinh thành sẽ đẩy mạnh nghiên cứu so sánh, giải mã sâu hơn về chức năng, kỹ thuật lợp của các loại ngói khai quật được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Trên cơ sở đó tiến hành phục dựng hình thái bộ mái của kiến trúc thời Đại La, thời Đinh – Tiền Lê, thời Trần, đặc biệt là hình thái bộ mái kiến trúc Điện Kính Thiên, tòa Chính điện trong Cấm thành Thăng Long thời Lê sơ, thế kỷ 15.
Tuy đây mới là thành quả nghiên cứu ban đầu trong chặng đường dài khoa học nhưng được xem là một bước tiến rất dài trong nghiên cứu khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau hơn 18 năm khai quật. Những thành quả nghiên cứu này đã và đang góp phần quan trọng trong việc giải mã những bí ẩn về Hoàng cung Thăng Long, đưa giá trị nghiên cứu khoa học đến gần hơn với công chúng, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử ngàn năm văn hiến của Kinh đô Thăng Long hoa lệ.
Kết quả nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc cung điện thời Lý hoàn toàn được bắt nguồn từ niềm đam mê khoa học. Nhóm nghiên cứu đã rất nỗ lực vượt qua giới hạn của chính mình, nhiệt huyết cống hiến ý tưởng và khát vọng làm thức dậy lịch sử ngàn năm vàng son của Kinh đô Thăng Long.
Đồng thời, trong quá trình nghiên cứu phân loại cơ bản và phân loại chi tiết các loại hình di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Viện Nghiên cứu Kinh thành cũng đã phát hiện nhiều vấn đề khoa học mới, minh chứng sinh động và làm sâu sắc hơn các khía cạnh về đời sống, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, xã hội và giao lưu kinh tế, văn hóa của Kinh đô Thăng Long dưới các triều đại Lý, Trần, Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng.
Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long, Viện Nghiên cứu Kinh thành còn thực hiện nhiều chương trình điều tra, khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại nhiều địa phương và đã có nhiều phát hiện mới rất quan trọng.
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.
PGS. TS Tống Trung Tín – Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam: "Phục dựng kiến trúc là công việc rất khó và là mơ ước của nhiều nhà khảo cổ học. Bởi vì dấu tích khảo cổ còn lại hiện nay chỉ là một phần thôi. Đó là những tàn tích hoặc thành phần rời rạc.
Phải hiểu được, nguyên di tích của đó có cấu trúc như thế nào, trang trí ra sao, sử dụng làm gì, hoạt động như thế nào…. Điều này phải nghiên cứu rất kỹ và có cả quá trình. Trong nghiên cứu phải tổng hợp hàng loạt dữ liệu khác nhau để phục dựng.
Qua phục dựng, ta hiểu thêm về tài năng của người xưa, phong cách kiến trúc, công năng sử dụng… của kiến trúc đó. Và như thế, giá trị của di tích tăng lên rất nhiều. Do vậy, có nhiều người, nhiều cơ quan rất mong giải mã được những hình thái kiến trúc đó.
Việc Viện Nghiên cứu Kinh thành nhận diện được hình thái kiến trúc của cung điện thời Lý ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long và dùng công nghệ - kỹ thuật của khoa hiện đại để tái hiện dưới dạng hình ảnh 3D, mapping là rất đáng hoan nghênh.
Tất nhiên, kết quả nghiên cứu như thế có thể chưa đúng hoặc còn bổ sung nhiều thứ nhưng chúng ta thấy được những kết cấu và hình thái của Hoàng cung Thăng Long dưới thời Lý ngày càng hình thành rõ nét hơn. Trên tinh thần đó, việc hướng tới phục dựng của các cơ quan nói chung và của Viện Nghiên cứu Kinh thành vừa qua nói riêng rất đáng hoan nghênh.
Và như chúng ta đã nghe PGS.TS Bùi Minh Trí – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành nói, tất cả vẫn mới chỉ là bước đầu và mọi thứ vẫn đang tiếp tục. Thành công hay chưa thành công, đúng hay sai, đáng tin hay chưa đáng tin… chân lý cuối cùng có được công chúng – xã hội tiếp nhận hay không còn phụ thuộc vào ba yếu tố. Một là tính xác thực, hai là dữ liệu mình có được và ba là khôi phục nên kiến trúc với từng chi tiết nhỏ đều có cơ sở khoa học của nó.
Nếu được giới chuyên môn lẫn công chúng công nhận thì đó là thành công. Còn tất cả mọi cái ở thời điểm hiện tại vẫn chỉ là bước khởi đầu và chưa thể kết luận chắc chắn điều gì cả".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.