"Phát sốt" với hot boy 9X có tài vẽ tranh chì như thật

Trần Hiền Thứ ba, ngày 07/08/2018 19:00 PM (GMT+7)
Chưa từng qua một trường lớp hội họa nào, dụng cụ đơn giản chỉ là những khổ giấy trắng và chì than nhưng chàng trai 9X đã khiến mọi người phát sốt với những bức tranh chì như thật.
Bình luận 0

Đó là chàng trai Phạm Thanh Lâm (27 tuổi, trú tại thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, Gia Lai). Có ước mơ vẽ tranh từ nhỏ, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường Lâm đã vẽ rất nhiều bức tranh tặng cho các bạn cùng lớp. Tuy nhiên, những bức tranh Lâm vẽ đều bị nhận xét là không giống thực nên anh càng quyết tâm vẽ giống hơn.

img

Những danh thủ bóng khi qua tay chàng trai đa tài đều giống như người thật.

Thế nhưng, khi anh vẽ đều tay hơn và chuẩn bị đi thi đại học ngành hội họa thì gia đình lại không có điều kiện. Chấp nhận gác lại ước mơ, nhưng đôi tay không chấp nhận ngừng nghỉ. Dù làm bất cứ việc gì, anh vẫn dành cho mình một quãng thời gian ngắn để rèn luyện thêm tay nghề cho riêng mình.

img

Chân dung Bác Hồ do anh Phạm Thanh Lâm vẽ bằng chì.

Một thời gian sau, khi những bức tranh anh vẽ giống 100% tranh thật, anh bắt đầu nhận vẽ thuê cho khách hàng sau mỗi buổi đi làm về. “Ước mơ của mình là được làm họa sĩ, nhưng hồi đó gia đình không có điều kiện cho đi học nên đành phải đi làm. Cứ có thời gian rảnh mình lại đem giấy, bút ra vẽ, rồi mê mẩn lúc nào chẳng hay. Cứ như vậy ban ngày mình đi lái xe, làm nhôm kính… tối về mình lấy giấy bút vẽ tranh cho khách hàng. Năm nay là năm thứ 3 mình nhận vẽ tranh than chì cho mọi người…”, anh Lâm bộc bạch.

img

Từ những tấm ảnh nhỏ của nhân vật, Lâm đã vẽ nên những tác phẩm nghệ thuật.

Theo chàng trai trẻ, để vẽ được một bức tranh than chì như vậy chỉ cần 2 nguyên liệu đó là khổ giấy trắng và than chì. Sẽ có 3 bước để có được một bức tranh chì y như thật, bước đầu tiên là dựng hình, phác họa. Đây cũng là bước khó nhất, nếu như dựng hình không giống, vẽ các chi tiết cũng sẽ không giống. Bước tiếp theo là đánh bóng lên khối cảm nhận sắc độ, ánh sáng và bước cuối cùng là hoàn thiện bản vẽ cảm nhận thần thái, ngũ quan của nhân vật.

img

Chân dung của đôi vợ chồng ở tuổi xế chiều.

 Chia sẻ với chúng tôi về kỷ niệm nhớ nhất, anh Lâm thổ lộ: “Đó là một lần mình nhận phục hồi ảnh cũ cho một chị ở Hà Nội. Chị ấy chỉ chuyển cho mình bức ảnh cũ của bố, bức ảnh lớn hơn ảnh thẻ một chút, rất mờ, thậm chí đã mất hết nét chỉ còn mỗi bố cục. Theo như chị ấy chia sẻ thì tấm ảnh chị ấy đưa cho mình là bức ảnh chị chụp hồi gần tròn 1 tuổi với cha. Nhìn tấm ảnh mờ, cũ mất nét cùng với những mô tả bằng lời nói của chị, mình đã phác thảo và hoàn thiện bản vẽ trong 1 tuần. Sau đó, mình chuyển giao ảnh thì vị khách này rất hài lòng và nói rất giống với cha chị ấy. Thật sự, đây là kỷ niệm khiến mình rất vui”.

img

Bức tranh diễn tả niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ trong ngày cưới được Lâm vẽ.

Theo anh Lâm, để hoàn thiện bức tranh A2 sẽ mất từ 3 - 4 ngày, còn khổ A0 sẽ mất khoảng 20 ngày. Bức tranh A0 giá khoảng 1 triệu đồng. Khi vẽ tranh chân dung, đặc biệt là vẽ tranh các vĩ nhân như Bác Hồ hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải tập trung cao độ, nét sao là phải vẽ vậy không được vẽ sai, vẽ lách như những chân dùng bình thường được. Mỗi bức chân dung, anh Lâm đặc biệt quan tâm đến đôi mắt vì anh cho rằng “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, nhìn vào đôi mắt có thể thấy thần thái của bức tranh.

img

Tấm ảnh chân dung người lính bị mờ được Lâm khôi phục qua những nét tranh chì.

Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Lâm cho hay: “Hiện mình đang chuẩn bị vẽ hai bức A0 về Bác Hồ và Đai tướng Võ Nguyên Giáp để cống hiến cho bảo tàng. Bên cạnh đó, mình cũng đang có dự định sẽ mở thêm một cửa hàng vừa nhận vẽ tranh vừa làm khung tranh”.

img

Chân dung Bác Hồ và Bác Giáp được Lâm vẽ một cách chân thực, bắt được hồn của hình ảnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem