Phát triển hội viên ở vùng cao Sơn La: Thử thách sức hấp dẫn của Hội

Kiều Thiện Thứ hai, ngày 08/12/2014 15:59 PM (GMT+7)
Sơn La là tỉnh miền núi, dân số hơn 1 triệu người, hầu hết sống bằng nghề nông. Tuy nhiên, mục tiêu “phủ sóng” hội viên tới mọi hộ nông dân (ND)  trong tỉnh vẫn chưa đạt được. Đây cũng là câu chuyện điển hình xảy ra đối với Hội ND hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc.
Bình luận 0

Đạt 85% chỉ tiêu: Đã có nhiều nỗ lực

Với nỗ lực không mệt mỏi, những năm gần đây, tổ chức Hội ND ở Sơn La đã vươn tới tất cả các bản, cụm dân cư ở mọi địa bàn, mọi dân tộc. Song song với tổ chức mạng lưới rộng khắp, công tác phát triển hội viên được các cấp hội chú trọng với nhiều hình thức vận động: Trực tiếp, gián tiếp, chủ động, phối hợp, nhưng kết quả đạt được vẫn chưa cao.

img

Ông Nguyễn Văn Khiển (trái) trao đổi kinh nghiệm sản xuất chè hàng hóa với nông dân xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, Sơn La.


Ông Nguyễn Văn Khiển - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Sơn La cho biết: Năm 2014, toàn tỉnh đã kết nạp mới hơn 3.600 hội viên. So với chỉ tiêu Trung ương Hội giao thì mới đạt 85%, nhưng so với năm 2013 thì đã cao hơn nhiều (năm 2013 đạt 75% chỉ tiêu). Hiện nay, tổng số hội viên ND tỉnh Sơn La có trên 131.000 người với đủ các thành phần dân tộc, khắp tất cả các bản, làng, tiểu khu.

 

Con số này chưa thật sự làm chúng tôi thỏa mãn, nhưng để phấn đấu nâng tỷ lệ huy động ND tham gia tổ chức hội hiện nay là một thách thức không nhỏ, cần sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó vai trò Hội ND cơ sở và chi hội rất quan trọng.

Cũng theo ông Khiển, địa bàn miền núi có những khó khăn riêng; trong đó người ND có nhiều hạn chế về đời sống, thu nhập, dân trí… nên việc tuyên truyền vận động nông dân gia nhập tổ chức hội gặp phải rào cản không nhỏ... Hoạt động của tổ chức hội ND ở nhiều chi hội, cơ sở hội chưa nổi bật cũng là một trong những lý do khiến ND chưa muốn đến với Hội.

Đôi khi phải biết... “cầm tay chỉ việc”

Quan điểm

Ông Nguyễn Văn Khiển
 ND nghèo rất thực tế. Khi được vận động vào Hội, họ đặt ngay câu hỏi: Tôi sẽ được hưởng lợi gì? Nếu cán bộ hội trả lời không thuyết phục, sẽ không thu hút được họ vào Hội”. 
Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước cấp xã, ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Mường Sang, Mộc Châu, Sơn La cho rằng: Người dân vùng cao gắn bó với nghề nông, nhưng trình độ sản xuất chưa bắt kịp với bước tiến miền xuôi, họ cần cán bộ hội hỗ trợ, giúp họ những kiến thức ấy.

 

Trên cơ sở đánh giá đó, ông Nguyễn Văn Cường cho rằng: Việc tập huấn với ND vùng cao, nhất là bà con dân tộc thiểu số thì phải sẵn sàng “cầm tay chỉ việc”, nhiều khi phải kiên nhẫn làm đi làm lại nhiều lần mới thật sự chuyển giao được tiến bộ kỹ thuật cho ND. Khi họ áp dụng được kiến thức mới vào sản xuất, đạt hiệu quả cao hơn thì bản thân họ sẽ tin vào cán bộ hội và chính họ sẽ là người tuyên truyền về tổ chức hội tới những người thân, bạn bè, hàng xóm một cách hiệu quả nhất.

“Hiện nay, ở nhiều nơi, các nông hộ chỉ cử một thành viên trong gia đình tham gia tổ chức hội, trong khi gia đình ấy có thể có tới 3-5 lao động nông nghiệp” - ông Khiển nhận xét.

Ngoài ra, ông Khiển cũng khẳng định: Khi nào trong một hộ nông dân mà gần hết số thành viên là lao động chính tham gia tổ chức hội thì mới chứng tỏ sức hút mạnh mẽ của Hội ND. Khi ấy, hiệu quả hoạt động của Hội ND sẽ cao hơn nhiều lần, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới trong nông nghiệp, nông thôn.

Trông đợi sự hỗ trợ kịp thời

Nông dân luôn là đối tượng gặp nhiều khó khăn, và ở vùng cao, người dân tộc thiểu số thì khó khăn càng nhiều. Hội ND là tổ chức có số hội viên đông nhất trong các đoàn thể chính trị - xã hội, nhưng ở vùng cao, hiệu quả hoạt động hội chưa tương xứng với vai trò đó. Chúng tôi mong Hội lớn mạnh hơn nữa, có sự sâu sát dân và hỗ trợ ND hiệu quả hơn nữa để thật sự thành lực hút với nông dân, và là địa chỉ tốt nhất để chúng tôi tập hợp đoàn kết, ca bài ca sau những mùa vàng bội thu, những vụ kinh doanh hiệu quả.

Chị Hoàng Thị Hương (bản Bó, phường Chiềng An, TP.Sơn La) 

Hãy chủ động đến với nông dân 

Tổ chức Hội ND giờ đây mang lại quyền lợi thiết thực với ND, như chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giống, cung ứng phân bón, hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi… Tuy vậy, nếu tuyên truyền không tốt, phân chia quyền lợi không công bằng, cán bộ hội không chủ động bám sát ND thì việc tập hợp hội viên ND khó đạt hiệu quả cao. Cán bộ hội hãy chủ động tìm đến với ND, thay vì chờ đợi họ tìm đến xin gia nhập Hội… Năm qua, khi Hội ND xã Tân Lang tuyên truyền mạnh mẽ, việc tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ gần 100%, cao hơn những năm trước và cao hơn nhiều xã khác. 

Bà Phạm Thị Thắm (cán bộ thú y xã Tân Lang, huyện Phù Yên, Sơn La)

Tôi biết có phần lỗi của mình

Người dân vùng cao, vùng sâu có rất nhiều hạn chế, việc đi lại rất khó khăn vì giao thông chưa phát triển, kinh phí của Hội hạn hẹp, cán bộ hội cấp bản còn yếu... Vì thế, năm nay chúng tôi chỉ kết nạp thêm được hơn 30 hội viên ở 11/11 chi hội trong xã. Tôi biết nhiều ND chưa tham gia tổ chức hội, trong đó có phần là lỗi của mình, của cán bộ hội, bởi việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân về tổ chức hội chưa được thường xuyên, kịp thời và đầy đủ... Nông dân người Mông, người Dao ở đây tuy nhận thức còn hạn chế, nhưng khi đã hiểu và tin vào điều gì thì họ sẽ quyết làm theo. 

Ông Giàng A Sanh (Chủ tịch Hội ND xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La)

 Minh Ngọc (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem