Phát triển kinh tế biển ở Thái Bình: Kiến quốc – Khai hoang – Xây dựng vùng kinh tế mới

Phạm Quang Thứ năm, ngày 23/11/2023 21:18 PM (GMT+7)
Bên cạnh việc tích cực xây dựng lực lượng cách mạng, đẩy mạnh sự nghiệp kiến quốc, chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng khi chiến sự lan tới, Đảng bộ Thái Bình đã tập trung vào nhiệm vụ lãnh đạo đẩy mạnh sản xuất, từng bước cải thiện đời sống cho nhân dân.
Bình luận 0

Phong trào khai hoang phục hóa mở rộng diện tích canh tác vẫn được duy trì ở các địa phương trong tỉnh, nhất là bãi bồi ven sông, ven biển. Năm 1947 – 1948, toàn tỉnh khai hoang thêm được 15.974 mẫu. Sang năm 1949, những vùng ven biển như bãi Tân Bồi (Thái Ninh), khu nam Tiền Hải được khai phá thêm 1.266 mẫu để trồng cói. Kết quả của công tác khai hoang đã làm cho diện tích canh tác trong toàn tỉnh tăng mạnh, năm 1948 đạt 298.318 mẫu. Tháng 11 năm 1949, thực hiện cuộc vận động hạn chế bỏ hoang diện tích, tích cực "hiến điền" cho Chính phủ, chỉ tính riêng đợt đầu, toàn tỉnh đã hiến hơn 300 mẫu Bắc Bộ; trong đó huyện biển Tiền Hải là đơn vị dẫn đầu.

Phát triển kinh tế biển ở Thái Bình: Kiến quốc – Khai hoang – Xây dựng vùng kinh tế mới - Ảnh 1.

Giai đoạn 1955 – 1957, trước nhiệm vụ cấp bách bức thiết khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, để tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn tỉnh, Tỉnh ủy Thái Bình đã chỉ đạo các cấp tiến hành Đại hội Nông dân phát động phong trào khai hoang, vỡ hoang; đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ đối với nghề đánh cá và làm muối. Năm 1959, thực hiện chủ trương hợp tác hóa phát triển, các xã vùng biển đã xây dựng 7 hợp tác xã nghề cá với 603 hộ xã viên, chiếm 71% số hộ ngư dân; 5 hợp tác xã nghề muối với 444 hộ, chiếm 97,7% số hộ diêm dân.

Giai đoạn 1961 – 1965, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, triển khai những nhiệm vụ và phương hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, Đảng bộ tỉnh Thái Bình chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân tăng cường lực lượng hợp tác hóa, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa phong trào hợp tác hóa lên quy mô lớn.

Riêng đối với vùng đánh cá biển, nếu như năm 1960, số hộ tham gia hợp tác xã là 74%, đến năm 1961, tỷ lệ này là 100%. Đối với vùng muối, năm 1960, số hộ tham gia hợp tác xã là 97,7%, đến năm 1961 là 100%. Năm 1967, do địch đánh phá khống chế ven biển nên sản lượng đánh bắt cá biển mới đạt 8.217 tấn, đến năm 1968, đánh bắt cá biển tăng hơn tới 9%, đạt 9.033 tấn.

Phát triển kinh tế biển ở Thái Bình: Kiến quốc – Khai hoang – Xây dựng vùng kinh tế mới - Ảnh 2.

Tại Tiền Hải, Đảng bộ huyện chỉ đạo thực hiện "mũi tiến quân thứ hai" khai thác lợi thế ven biển một cách toàn diện, coi đó là yêu cầu, là mục tiêu mang tính chiến lược. Trong thời kỳ đầu chinh phục và khai thác biển, Huyện ủy tập trung 3 khâu chủ yếu là muối – cói – cá. 420 hộ gồm 2.111 khẩu đã được đưa ra mở rộng và phát triển nghề muối, đạt sản lượng từ gần 700 tấn năm 1963 tăng lên 1.311 tấn năm 1964. Toàn huyện đã trồng được 392,5 mẫu cói, thu hoạch về đánh bắt cá biển hàng năm trung bình từ 1.400 – 1.700 tấn.

Đến năm 1964 toàn huyện có 9 hợp tác xã diêm nghiệp, 4 hợp tác xã ngư nghiệp và 4 đội sản xuất chuyên nghiệp. Việc quai đê chắn sóng biển Đông được tiến hành với quy mô lớn. Huyện đã chỉ đạo huy động lực lượng dân quân du kích và Đoàn Thanh niên làm nòng cốt động viên dân công lên tham gia các công trình quai đê lấn biển.

Trong đông xuân 1961 – 1962, toàn huyện đã huy động 12 vạn ngày công hoàn thành đê Rạng Đông, đê Muối, đê Lân, Bình Thành, chặn dòng nước biển, biến 1.000 mẫu đất mặn thành nơi cư trú của người dân canh tác nông nghiệp, làm muối, nuôi cá như hợp tác xã Nam Cường, hợp tác xã làm muối Đông Minh...

Một lần nữa, với ý chí quật cường và tài năng sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Tiền Hải tiếp tục mở rộng vùng quê trù phú trên vùng đất bãi biển Tiền Châu hoang sơ, lập thêm nhiều làng thôn mới, tính riêng vụ mùa thu được 100 tấn thóc và hàng chục tấn tôm, cá. Việc quai đê sông Lân và đê Nam Hưng đã mở rộng diện tích canh tác 1.300 mẫu, đưa 2.300 mẫu từ 1 vụ thành 2 vụ, đánh dấu mốc son trong quá trình chinh phục biển Đông của cư dân Tiền Hải.

Phát triển kinh tế biển ở Thái Bình: Kiến quốc – Khai hoang – Xây dựng vùng kinh tế mới - Ảnh 3.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình với tinh thần cách mạng tiến công, quyết tâm cao, nỗ lực lớn trên mặt trận xây dựng vùng kinh tế mới đã tổ chức đưa 421 khẩu ra khai phá các vùng hoang hóa ven biển, san phá 470ha đất, trồng thêm 239 ha cói mới, 147 ha sú vẹt, cây chắn sóng và xây dựng một số công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Thực hiện chủ trương kết hợp xây dựng kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế và quốc phòng với an ninh, lực lượng toàn dân tham gia trồng 87.400 khóm tre, 120.000 khóm mây ở tuyến ven biển và các cụm chiến đấu quan trọng, đặc biệt là hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy.

Ngày 18/12/1980, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa VI đã thông qua Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bộ máy chính quyền các tỉnh, thành phố được kiện toàn về tổ chức. Việc tiến hành củng cố kiện toàn tổ chức chính quyền các cấp trong tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương Đảng và Hội đồng Bộ trưởng đã giúp cho sự lãnh đạo, chỉ đạo được thuận lợi, đảm bảo mối quan hệ trực tiếp giữa chính quyền và nhân dân.

Nhất là kể từ thời điểm Đảng bộ tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XII quán triệt thực hiện tốt phương châm hành động "từ đất và sức lao động đi ra, từ lúa, lợn, cây công nghiệp đi lên", kinh tế biển bước đầu được coi trọng khai thác, đặc biệt là nghề cá.

Trong các hợp tác xã nghề cá, quan hệ sản xuất được củng cố và kiện toàn. Các hợp tác xã thực hiện khoán sản phẩm và tăng thêm phương tiện tàu, thuyền đánh bắt. Sản lượng đánh bắt cá đến năm 1984 đạt vượt 30% so với kế hoạch. Sản lượng đánh bắt cá năm 1985 đạt gấp 2 lần so với năm 1980.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem