Thái Bình có 120 người đỗ đại khoa, từ Trạng nguyên đến Phó bảng, có người là bố vợ Nguyễn Du
Đất Thái Bình có 120 người đỗ đại khoa, từ Trạng nguyên đến Phó bảng, có người là bố vợ Nguyễn Du
thaibinhtv.vn (Cổng TTĐT Đài PTTH Thái Bình)
Thứ sáu, ngày 08/12/2023 14:23 PM (GMT+7)
Đất Thái Bình là một trong những vùng quê hiếu học. Đội ngũ trí thức đại khoa thời phong kiến quê ở Thái Bình có khoảng 120 người, đỗ từ Trạng nguyên đến Phó bảng. Khoa thi năm Nhâm Thân 1752 có 2/3 tiến sỹ là người Thái Bình.
Xét từ các sách đăng khoa lục thì thấy có khá nhiều khoa thi, người Thái Bình chiếm tỷ lệ đỗ cao, một số khoa có từ 30 – 50% người đỗ có quê ở Thái Bình.
Có một khoa thi khá độc đáo, có thể coi là một trường hợp hy hữu trong lịch sử khoa cử của Việt Nam.
Đó là khoa thi năm Nhâm Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13, đời vua Lê Hiển Tông (1752). Khoa thi này khá đặc biệt là gần một nghìn cống sinh ở tứ trấn tham gia ứng thí nhưng triều đình chỉ lấy đỗ có 6 người.
Đây là một trong những khoa lấy ít người đỗ nhất trong các khoa thi Tiến sỹ Nho học ở Việt Nam. Đặc biệt hơn là trong số 6 người đỗ khoa thi này có tới 4 người quê ở Thái Bình là Lê Quý Đôn, Đoàn Nguyễn Thục, Nghiêm Vũ Đằng và Nguyễn Xuân Huyên.
Người đỗ tiến sỹ thứ 5 là Tạ Đình Hoán (Hà Nội). Người đỗ tiến sỹ thứ 6 là Nguyễn Xuân Huy (Bắc Giang).
Theo thông lệ, các sách đăng khoa lục bao giờ cũng chép danh sách lấy đỗ từ cao xuống thấp. Thứ tự trong danh sách các vị đại khoa quê ở Thái Bình đỗ khoa thi Nhâm Thân (1752) đã được các sách chép như sau:
Nhà bác học Lê Quý Đôn( 1726-1784).
1: Lê Quý Đôn (1726 - 1784).
Lê Quý Đôn, người làng Phú Hiếu, nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình), đỗ Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ đệ nhất danh, Tam nguyên Bảng Nhãn vào năm 27 tuổi.
Lệ xưa, đỗ đầu kỳ thi Hương gọi là Giải nguyên, đỗ đầu kỳ thi Hội gọi là Hội nguyên, đỗ đầu kỳ thi Đình gọi là Đình nguyên.
Vì Lê Quý Đôn đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình nên gọi là Tam nguyên. Các khoa thi thời Lê - Trịnh không lấy đỗ Trạng nguyên nên Lê Quý Đôn đã được xếp học vị Bảng nhãn.
2: Đoàn Nguyễn Thục (1728 - 1795).
Đoàn Nguyễn Thục vốn có họ tên là Nguyễn Duy Tĩnh, do làm con nuôi họ Đoàn nên đổi là Đoàn Duy Tĩnh, sau lại đổi là Đoàn Nguyễn Thục.
Ông quê làng Hải An, nay thuộc xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, (tỉnh Thái Bình) đỗ thứ hai (sau Lê Quý Đôn) với học vị Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng Giáp). Năm đó ông 25 tuổi.
Đoàn Nguyễn Thục và Lê Quý Đôn có khá nhiều nét tương đồng về học hành, khoa cử và hoạn lộ. Khi thi đỗ ra làm quan.
Cả Lê Quý Đôn và Đoàn Nguyễn Thục đều có dịp được cử đi sứ sang nhà Thanh, khi về nước cả hai người đều có lần dâng sớ điều trần việc canh tân đất nước nhưng không thành rồi đều cáo quan về quê. Cả hai đều là những thi nhân có hạng. Đoàn Nguyễn Tuấn là bố vợ của đại thi hào Nguyễn Du.
3: Nghiêm Vũ Đằng (1725 - ?).
Có sách chép là Nghiêm Vũ Chiêu, quê làng Kỳ Nhai, nay thuộc xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân vào năm 23 tuổi.
Tương truyền thuở thiếu thời, nhà nghèo, vừa đi học vừa phải lam lũ kiếm tiền để ăn học. Đương thời dân gian trong vùng thường gọi ông là “Nghè Nâu”, bởi thuở hàn vi ông từng đi bán củ nâu (loại củ dùng để nhuộm vải). Sau khi đỗ ông được bổ ra làm quan tới chức Hàn lâm đãi chế.
4: Nguyễn Xuân Huyên (1728 - 1775).
Văn bia Tiến sỹ khắc tên là Nguyễn Dao, quê làng Hoàng Xá, nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân vào năm 25 tuổi.
Nguyễn Xuân Huyên từng đi sứ sang nhà Thanh và đã từng trải nhiều chức trong triều, ngoài trấn. Cuối đời được phong chức Hữu Thị lang bộ Công, tước Thư Xuyên Hầu.
Có thể coi khoa thi Nhâm Thân (1752) là một trong những minh chứng về truyển thống khoa bảng nổi trội của quê hương Thái Bình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.