Đó là những đề xuất được đưa ra tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam”, do T.Ư Hội NDVN cùng Hội ND Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức ngày 11 và 12.11 ở Hà Nội.
Năng suất thấp, giá thành cao
Tại hội thảo, các chuyên gia về phát triển nông nghiệp đều có chung một nhận định, chăn nuôi lợn là một trong những lĩnh vực có nhiều điểm yếu, chịu nhiều tác động tiêu cực khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Kinh tế đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang tiến gần hơn đến ký kết.
Chăn nuôi lợn ở Việt Nam vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, và con giống là một trong những khâu yếu nhất. Ảnh: Nguyễn Công
Khi đề cập đến thực trạng, nhiều đại biểu đều khẳng định, ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam vẫn đang ở trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ; chủ trang trại, doanh nghiệp chủ yếu vẫn áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ chăn nuôi lạc hậu; chịu sự chi phối về nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài… TS Mai Huy Tân - Giám đốc Công ty Xúc xích Đức Việt chia sẻ: “Chính vì chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ thấp nên lợn thành phẩm của Việt Nam có giá thành rất cao. Giá thành cao thì các doanh nghiệp chế biến thịt sẽ tìm nguồn hàng cạnh tranh hơn từ nước ngoài. Hiện, hơn 90% lượng thịt chế biến của Đức Việt là nhập từ Mỹ và Đan Mạch với giá thành khi về Việt Nam chỉ ở mức hơn 30.000 đồng/kg…”.
Quan điểm
“Tại sao các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Việt Nam không góp đất đai lại để cùng xây dựng một hệ thống chuồng trại to hơn, hiện đại hơn? Người chăn nuôi có thể tập hợp nhau lại dưới hình thức hợp tác xã…
Ở góc độ kinh doanh bảo hiểm, ông Hoàng Xuân Điều - Giám đốc Ban bảo hiểm nông nghiệp (Tổng Công ty Bảo Việt) cũng thừa nhận, bảo hiểm thí điểm trong lĩnh vực nông nghiệp luôn bị lỗ. Bởi lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi lợn có nhiều rủi ro. “Vấn đề quan trọng để bảo hiểm không bị lỗ là quản lý dịch bệnh trong chăn nuôi. Nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ như ở Việt Nam thì rất khó kiểm soát dịch bệnh…” - ông Điều chia sẻ.
Tổ chức lại theo hướng chuyên sâu…
Theo giới thiệu của TS Helmut Born-đại diện Hội ND Đức, hệ thống đào tạo nghề nông nghiệp ở Đức rất chặt chẽ, đảm bảo chỉ có người có tay nghề được công nhận mới làm việc hoặc làm chủ trang trại chăn nuôi.
Các đại biểu, nhất là các chủ trang trại chăn nuôi Việt Nam rất quan tâm tới 2 tham luận của TS Ursula Gerdes - Giám đốc điều hành Quỹ Phòng tránh dịch bệnh cho vật nuôi tiểu bang Neidersachsen (Đức). Các tham luận của ông đã nêu bật các biện pháp phòng, tránh bệnh trong chăn nuôi, công tác đào tạo cơ bản và nâng cao cho ND Đức về phòng, tránh dịch bệnh trên đàn vật nuôi; giới thiệu về mô hình tổ chức, vận hành của Quỹ Phòng tránh dịch bệnh cho vật nuôi tại Đức...
Những thông tin về ngành chăn nuôi ở nước Đức rất bổ ích đối với ND Việt Nam. Những công nghệ, quy trình chăn nuôi này tuy chưa thể áp dụng ngay tại Việt Nam, nhưng sẽ tạo thêm niềm tin, động lực để ND mạnh dạn tìm hiểu, tiếp cận học hỏi dần về sau. Các đại biểu đều có chung một nhận định, ngành chăn nuôi lợn ở VN cần phải được tổ chức lại theo hướng đầu tư chuyên sâu, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách sát thực về đất đai, vốn, chuyển giao công nghệ nhằm khuyến khích, hỗ trợ ND chăn nuôi lợn mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ tiên tiến. Anh Nguyễn Ngọc Toàn - chủ trang trại 400 đầu lợn ở xã Trung Châu, huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho rằng: “Chăn nuôi trước nay toàn do ND tự phát làm. Gần như các chính sách của Nhà nước rất ít tác động rõ ràng đến quá trình phát triển của các chủ trang trại”.
Liên quan đến việc hạ giá thành sản xuất trong chăn nuôi lợn, theo TS Ngô Thị Kim Cúc (Viện Chăn nuôi quốc gia), cần tăng liên kết giữa các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bởi chỉ có liên kết thì mới góp phần hạ chi phí các khoản đầu tư “đầu vào” trong chăn nuôi lợn. TS Helmut Born cũng rất đồng tình với ý kiến này của TS Ngô Thị Kim Cúc.
"Cần tạo điều kiện để ND thuê, tích tụ đất đai để mở rộng mặt bằng, đầu tư hiện đại hóa chăn nuôi lợn, chứ hiện nay nhiều nơi vẫn cho chủ trang trại thuê đất theo chu kỳ 5 năm thì rất khó áp dụng công nghệ, hạ giá thành…"
Anh Nguyễn Văn Đẩu - Chủ trại lợn 8.000 con ở Từ Sơn (Bắc Ninh)
"Mặc dù Việt Nam đứng thứ 2 châu Á, đứng thứ 6 thế giới về tổng đàn lợn, nhưng phổ biến nhất vẫn là tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ. Cụ thể, tỷ lệ hộ chỉ nuôi 1-2 con chiếm tới 51%, còn số hộ chăn nuôi quy mô trên 50 con trở lên chỉ chiếm 1%. Nguồn giống lợn chất lượng ở Việt Nam chủ yếu là nhập ngoại. Cho dù là con giống ngoại tốt, nhưng áp dụng KHCN chăn nuôi chưa tiên tiến nên năng suất, chất lượng lợn thịt thương phẩm thấp, khó cạnh tranh hơn."
TS Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi quốc gia (Bộ NNPTNT)
"Qua 4 tháng làm thực tập sinh tại trang trại chăn nuôi của nước Đức, tôi thấy ngành chăn nuôi hiện đại của nước bạn làm rất tốt 11 vấn đề gồm: Quy hoạch vùng; dự báo thị trường; tổ chức sản xuất; công tác giống; chủ động nguồn thức ăn; ứng dụng thành tựu KHKT; thú y, vệ sinh phòng bệnh; công nghệ xây chuồng trại; thiết bị phục vụ chăn nuôi; cơ giới hóa và phân công lao động… và cuối cùng là đào tạo nghề và hỗ trợ ND."
Anh Lê Quang Thưởng - Cán bộ Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh Lai Châu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.