Nằm trên bàn mổ... huýt sáo
Sáng 28.1, bác sĩ Nguyễn Xuân Hiền – Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Bạch Mai) thực hiện kỹ thuật mới: Nút động mạch tiền liệt tuyến để xử lý u xơ tuyến tiền liệt cho một người đàn ông. Bệnh nhân là ông N.K.H (74 tuổi, Long Biên, Hà Nội). Ông bị u xơ tuyến tiền liệt khoảng 10 năm nay, lúc đầu u nhỏ sau to dần, chèn ép vào các bộ phận khác. 5 năm nay, u to, ông H bị bí tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu đêm thường xuyên. Mỗi tối, ông phải thức dậy 4-5 lần để đi tiểu, còn mỗi lần đứng trong nhà vệ sinh, ông phải “hết sức bình sinh” mới có thể “giải phóng” được dòng chảy, có lúc phải đứng 10-15 phút, vô cùng khổ sở.
Phẫu thuật nút động mạch tuyến tiền liệt cho bệnh nhân N.K.H ngày 28.1. Ảnh: D.L
Dù nằm trên bàn mổ nhưng ông H hoàn toàn tỉnh táo, nghe được các hiệu lệnh “hít vào”, “nín thở” của bác sĩ, thậm chí có thể huýt sáo vui vẻ. Để thực hiện kỹ thuật nút động mạch, các bác sĩ chỉ cần rạch một đường nhỏ 2mm phía trong đùi, luồn dây ống thông nhỏ dưới 1mm vào động mạch, sau đó qua ống thông bơm những hạt nhựa vào các mạch máu nuôi u xơ, bịt kín lại.
Do mạch máu bị bịt kín nên u xơ bị cắt nguồn dinh dưỡng, không thể lớn được và lâu dần teo nhỏ. “U không biến mất nhưng sẽ teo nhỏ tối đa và không chèn ép vào các bộ phận khác, “khơi thông” dòng chảy, khiến các quý ông không còn khốn khổ khi đi tiểu nữa” – bác sĩ Hiền cho biết.
"Hiện 1 ca mổ nút mạch u xơ tuyến tiền liệt có giá 10-12 triệu đồng, đồng thời cũng được bảo hiểm y tế chi trả theo chế độ. Thời gian tới, Bệnh viện Bạch Mai sẽ tích cực chuyển giao kỹ thuật này đến các cơ sở y tế đủ điều kiện để nhiều bệnh nhân có thể “giải thoát” khỏi những nỗi bí bách đau khổ, khó nói”.
Giáo sư Phạm Minh Thông
|
Như trường hợp của bệnh nhân H, sau khi phẫu thuật xong, chỉ cần nằm cố định 8 tiếng là có thể đi lại bình thường, thậm chí ra viện luôn không để lại đau đớn. Còn sau 1 tuần, khối u bắt đầu teo nhỏ và bệnh nhân sẽ giảm bớt các triệu chứng bí tiểu, tiểu nhiều lần. Sau 2-3 tuần sẽ “thông thoáng” hoàn toàn.
Theo GS-TS Phạm Minh Thông - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, kỹ thuật nút động mạch tuyến tiền liệt được bệnh viện thực hiện từ tháng 2.2014, đến nay đã thực hiện được 21 ca. Bệnh nhân có u to nhất nặng tới 120g (trong khi bình thường tuyến tiền liệt chỉ nặng 20-25g). Bệnh viện Bạch Mai cũng đã chuyển giao kỹ thuật sang Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô thực hiện thêm được 8 ca nữa. 29 bệnh nhân có độ tuổi từ 50 đến hơn 80 tuổi, đa số đến từ Hà Nội.
Ông khoẻ, bà vui
“Theo các nghiên cứu, đàn ông ở độ tuổi 50 trở lên có đến 50% mắc bệnh u xơ tuyến tiền liệt, còn trên 80 tuổi thì có tới 90% các cụ gặp phải nỗi khổ khó nói. Mà đã u xơ thì chức năng tình dục cũng suy giảm hoặc “hưu sớm” – GS Thông cho biết.
Theo GS Thông, đối với u xơ nhỏ, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân dùng thuốc. Tuy nhiên, giá thuốc khá đắt, mỗi tháng bệnh nhân phải tiêu tốn 1-1,5 triệu đồng. Ngoài ra, bệnh nhân còn chịu nhiều tác dụng phụ của thuốc như hạ huyết áp, rối loạn phóng tinh, suy giảm chức năng tình dục và vẫn có thể gặp triệu chứng bí tiểu cấp.
Khi u to, gây ra những bất tiện nghiêm trọng như bí tiểu, tiểu khó, tiểu nhiều lần, có người 7-8 lần/đêm, mỗi lần vào nhà vệ sinh hết 5-15 phút. “Khi bí tiểu thì đương nhiên các bộ phận khác cũng bị chèn ép, “súng ống” đều không hoạt động được. Nhiều người không dám đi đâu xa, dành quá nhiều thời gian trong ngày trong nhà vệ sinh, chất lượng cuộc sống bị sút giảm nghiêm trọng” – GS Thông nhận định. Thậm chí, có bệnh nhân bị bí tiểu đến mức vỡ cả bàng quang, phải cấp cứu, điều trị rất khó khăn hoặc phải đặt xông để dẫn nước tiểu, gây ra hậu quả nhiễm trùng đường tiểu, trào ngược nước tiểu lên thận gây suy thận, sỏi bàng quang...
Bác sĩ Hà cũng cho biết, xưa nay, kỹ thuật phổ biến được chỉ định điều trị u xơ tuyến tiền liệt là mổ nội soi hoặc mổ hở bóc vùng phì đại. Tuy nhiên, việc bóc tách các u xơ động chạm rất nhiều đến các tổ chức xung quanh, gây tổn thương các chức năng vùng tuyến tiền liệt. Có đến 70-90% bệnh nhân u xơ tuyến tiền liệt sau khi mổ bóc tách u bị xuất tinh ngược, không còn “cảm giác” khi quan hệ tình dục, 7-10% trường hợp phải đóng bỉm vì gặp chứng đi tiểu không tự chủ được.
“Hầu hết những bệnh nhân này đều đau khổ cho biết, không mổ thì chết nhưng mổ xong thì khổ hơn là chết. Do đó, nhiều bệnh nhân cố gắng chịu đựng các bất tiện của chứng bí tiểu chứ không chịu làm phẫu thuật. Nếu vậy, tính mạng sẽ gặp nguy hiểm khi gặp chứng bí tiểu cấp hoặc rặn mạnh quá gây tăng huyết áp, thậm chí chảy máu não” – bác sĩ Hà phân tích.
Kỹ thuật nút động mạch tuyến tiền liệt cũng không để lại bất cứ di chứng gì. Theo bác sĩ Hiền, các bác sĩ thực hiện kỹ thuật này phải cực khéo tay vì phải dùng tay để đưa ống thông siêu nhỏ (vi ống thông) vào các mạch máu có đường kính chỉ 0,5-1mm, thậm chí chỉ bằng nửa sợi tóc, khoảng cách phải luồn dây cũng khoảng 0,9-1,2m. Nếu bác sĩ run tay là kỹ thuật sẽ không thành công. Một số bệnh nhân già, mạch máu lão hoá, chạy ngoằn nghèo rất khó đưa ống thông. Kỹ thuật cũng được các bác sĩ xem trên máy chụp số hoá để chỉnh đường cho vi ống thông được chuẩn nhất.
“Tỷ lệ thành công, cải thiện các biến chứng lên đến 95%. Tôi vui nhất khi bệnh nhân nhắn tin khoe “dòng chảy” đã rất mạnh mẽ, “phấn khởi”. Bà vợ sau khi “kiểm tra” cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với bác sĩ vì ông chồng sau khi tưởng đã “nghỉ hưu” nay lại có thể “lao động” sung sức” – bác sĩ Hiền chia sẻ./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.