Phi lý: Nông dân chịu lãi suất "cắt cổ" 36%, ngân hàng "ế" vốn

Hoàng Thắng Thứ sáu, ngày 28/07/2017 06:20 AM (GMT+7)
Chuyện ông Tô Hiến Thành ở Hiệp Hòa, Bắc Giang- Nông dân Việt Nam xuất sắc trong nuôi lợn hữu cơ với doanh thu 12-13 tỷ đồng mỗi năm song vẫn không vay được vốn tín dụng từ ngân hàng, phải đi vay tín dụng đen không còn là câu chuyện của riêng ông.
Bình luận 0

Trong khi người nông dân phải chịu lãi suất cao khi vay "tín dụng đen" từ 24-36%, thì có thực tế là nhiều ngân hàng lại "ế" vốn. Phóng viên NTNN/Dân Việt đã trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng xung quanh vấn đề này.

img

Nông dân rất cần vốn để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao . (Ảnh: Mai Vinh/Tuổi Trẻ)

Rất ít ngân hàng hiểu về nông nghiệp

Thưa ông, Nghị định 55 thay thế, bổ sung việc các đối tượng được vay không cần tài sản bảo đảm, không phải làm thủ tục thế chấp vẫn được vay vốn từ 500 triệu đến 3 tỷ đồng. Song trên thực tế, không nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) có thể tiếp cận với nguồn vốn tín dụng, còn ngân hàng cho vay rơi vào tình trạng “ế” vốn. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng nêu trên?

- Trên thực tế việc người nông dân (ND) gặp khó trong vay vốn có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, cho vay nông nghiệp là một loại hình cho vay đặc thù, không phải ngân hàng nào cũng cho vay nông nghiệp được. Chỉ những ngân hàng hiểu về nông nghiệp, nắm rõ chu kỳ sản xuất nông nghiệp, hiểu người ND và những yếu tố ảnh hưởng tới sản xuất – kinh doanh nông nghiệp mới dám cho vay.

Việc cho vay nông nghiệp chỉ có thể được thực hiện bởi một số ngân hàng chuyên cho vay nông nghiệp. Vấn đề này không chỉ tồn tại ở Việt Nam, mà còn ở Mỹ. Hàng chục năm tôi làm việc trong ngành ngân hàng ở Mỹ, nhưng thấy rất ít ngân hàng hiểu về nông nghiệp và cho vay nông nghiệp.

Thứ hai, cho vay nông nghiệp luôn tồn tại nhiều rủi ro. Về phía các ngân hàng, ở đâu cũng vậy, họ cần những tài sản thế chấp mới quyết định cho vay. Trong khi ở Việt Nam, không nhiều ND có tài sản thế chấp. 

Quy định trong Nghị định 55 yêu cầu người vay vốn phải nộp cho ngân hàng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do UBND cấp xã xác nhận. Nhưng phần lớn các hộ dân, HTX ở nước ta không đáp ứng được điều này. Phải chăng, quy định này dường như không phù hợp với thực trạng sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam?

Ngày 26.7, ông Tô Hiến Thành có gọi điện thông báo cho PV Báo NTNN đã được Vụ trưởng Vụ Tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gọi điện chia sẻ. Theo đó, phía ngân hàng cũng tư vấn cho ông Thành hoàn thiện thủ tục hợp pháp cho diện tích đất mà đơn vị ông đang thuê làm trang trại, ngân hàng sẽ chấp thuận cho ông vay số vốn theo yêu cầu. 

Trần Quang (ghi)

- Trở lại vấn đề vay tín chấp, người ND khó có thể vay tín chấp vì hình thức vay này được đặt dưới rất nhiều điều kiện khắt khe. Bản chất của vay tín chấp là vay không có thế chấp.

Để được vay, tình hình tài chính của người đi vay phải rất lành mạnh. Phải có báo cáo tài chính độc lập, được kiểm toán độc lập. Ngoài ra, những DN đi vay tín chấp là những DN làm ăn có lời trong thời gian rất dài.

Điều này những ND, HTX nông nghiệp khó có thể đáp ứng được. Việc vay tín chấp thực tế chỉ là hô hào, rất ít DN nông nghiệp có thể vay được vay tín chấp, trừ những doanh nghiệp lớn của Nhà nước.

Còn với vay thế chấp, quỹ đất đã chia, phát rồi, sử dụng rồi mà không có sổ đỏ, cũng không có bằng chứng pháp lý chứng minh người ND có quyền sở hữu với mảnh đất thì làm sao họ có thể thế chấp mảnh đất đó. Vậy nên, người ND ở trong tình cảnh khó trăm đường.

Giải pháp ở đây là các ngân hàng như: Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NNPTNT vốn hiểu về người ND, nông nghiệp, lại được Chính phủ hỗ trợ sẽ áp dụng những chính sách của Chính phủ để cho vay.

Ngân hàng khắt khe đẩy người ND tới tín dụng đen

Nhiều ND mong muốn họ được thế chấp bằng tài sản “tĩnh” trên đất như thiết bị, chuồng trại, nhà xưởng hay tài sản “động” (vật nuôi, cây trồng) để được vay vốn? Vì sao các ngân hàng không giải quyết vấn đề này?

- Việc tính toán giá trị thế chấp như thế nào lại tùy theo chính sách của mỗi ngân hàng. Nếu tính giá trị của đất, nên cộng thêm những tài sản trên đất với điều kiện đó là tài sản cố định như kho bãi, nhà cửa. Không thể tính những tài sản không cố định, thường xuyên lưu chuyển trên mảnh đất đó như hoa màu, vật nuôi vào giá trị của đất được.

Những tài sản được coi là động sản phải được tính riêng. Người ND có thể dùng những tài sản được coi là động sản như thóc lúa, lợn, gà… để thế chấp. Nhưng vì chúng là động sản, nên các ngân hàng cần có chính sách cho vay trên một tỷ lệ nào đó của động sản.

Cần tách biệt rõ ràng giữa bất động sản và động sản. Chỉ những tài sản cố định, nằm trên mảnh đất thế chấp mới tính vào giá trị của đất.

Việc người đứng đầu một HTX nuôi lợn hữu cơ (organic) với doanh thu 12 -13 tỷ đồng/năm, lãi 3 - 3,5 tỷ đồng/năm phải vay tín dụng đen lãi với suất từ 24 – 36%/năm như ông Tô Hiến Thành sẽ tác động như thế nào tới hoạt động sản xuất – kinh doanh của HTX và đời sống của những người ND?

- Những điều kiện cho vay khắt khe của các ngân hàng đương nhiên sẽ đẩy người ND tìm tới vay tín dụng đen. Vay tín dụng đen chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất – kinh doanh của HTX, DN nông nghiệp bởi chi phí đầu tư cho nông nghiệp sẽ bị đội lên rất nhiều.

Cuối cùng, người ND có thể sẽ chẳng nhận được gì, dù lao động rất vất vả. Bởi số tiền họ làm ra một phần dùng để đóng thuế cho Nhà nước, một phần khác lớn hơn được dùng để trả tiền lãi và gốc vay tín dụng đen.

Tình trạng này, về lâu dài sẽ đẩy họ vào ngõ cụt, không lối thoát. Để giúp người ND phát triển nông nghiệp, Chính phủ cần mở rộng hoạt động tín dụng, cho vay nông nghiệp.

Chủ chương của Chính phủ khi ban hành Nghị định 55 là đúng, nhưng Chính phủ cần xây dựng những định chế tài chính chuyên về cho vay nông nghiệp.

 Xin cảm ơn ông!

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ: Cần xem xét lại Nghị định 55 

Các quy định về mặt pháp lý đã có, tuy nhiên, đúng là nông dân và các hợp tác xã (HTX) tiếp cận vốn ngân hàng còn rất khó khăn. Đây là vấn đề cấp bách cần được giải quyết.

img

Nông dân rất cần hỗ trợ để vượt qua khó khăn. Ảnh: D.V

Theo tôi, cần phải có quy định rõ ràng hơn về sở hữu đất đai và tài sản trên đất để giúp nông dân có cơ sở sử dụng tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng. Bởi khi người ta thuê đất thì đã có quyền sử dụng đất, vấn đề đặt ra là phải cho phép họ sử dụng quyền sử dụng đất đó làm tài sản thế chấp. Còn thời gian thuê và giá trị đất bao nhiêu thì ngân hàng có thể xem xét và định giá, giá trị tài sản như thế nào. Đặc biệt là tài sản trên đất cũng được các hộ dân và HTX đầu tư rất lớn nên cần phải tách biệt, đánh giá tài sản trên đất và chứng nhận tài sản này.
Hiện tại, Bộ NNPTNT đang được giao cấp chứng nhận quy định tài sản trên đất nhưng theo đánh giá việc triển khai vẫn còn quá chậm. Vấn đề đất đai, tài sản trên đất đang là vấn đề nóng, không thể triển khai ngay một sớm, một chiều nhưng cũng đã tới lúc cần có quy định rõ ràng và sớm cấp chứng nhận cho nông dân. Tôi cho rằng, những vấn đề này nếu chỉ riêng Bộ NNPTNT sẽ không giải quyết được mà cần phải có sự phối hợp với các bộ, ngành có liên quan như Bộ TNMT, NHNN cùng chung tay tháo gỡ vướng mắc.
Đã có nhiều chính sách cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn như Nghị định 55 nhưng đúng cũng phải xem xét lại các quy định trong nghị định này. Cụ thể như định mức cho vay, các điều kiện cho vay… thực tế, nói là cho vay tín chấp nhưng chẳng có mấy người vay được theo hình thức này. Còn hạn mức cho vay, từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng cho hộ sản xuất kinh doanh và HTX, nhưng mức này cũng đã “lạc hậu” với quy mô đầu tư hiện nay vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.                     Thanh Xuân (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem