Nông dân phải vay tín dụng đen: Ngân hàng muốn cho vay, nhưng...

Thanh Xuân Thứ tư, ngày 02/08/2017 06:40 AM (GMT+7)
Mặc dù ngân hàng đang “thừa tiền” nhưng do vướng thủ tục nên không chỉ ông Tô Hiến Thành mà nhiều chủ trang trại khác ở Bắc Giang cũng đang khó vay được thêm vốn từ ngân hàng. Thậm chí, có chủ trang trại có tài sản là căn nhà trị giá 4 tỷ đồng vẫn chưa thể vay được thêm vốn.
Bình luận 0

Nhà to, 2 trang trại lớn vẫn khó vay thêm vốn ngân hàng

Căn nhà của ông Nguyễn Văn Khương ở thôn 12 xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) như một ngôi biệt thự giữa vùng đồi cao khiến ai trong xã cũng phải ghen tị.

“Nhờ 4 năm kinh doanh thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi lợn với quy mô lớn, tôi đã đầu tư hoàn thiện căn nhà với tổng giá trị đầu tư khoảng 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá lợn xuống thấp nên vừa rồi chăn nuôi cũng bị thua lỗ khoảng 1,5 tỷ đồng. Dù tôi có 2 khu trang trại nhưng tôi mới chỉ vay được 500 triệu đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Giang (Agribank Bắc Giang). Để tiếp tục sản xuất kinh doanh, gia đình tôi rất cần vay thêm khoảng 2 tỷ đồng nữa”- ông Khương chia sẻ.

img

   Ông Đồng Văn Lập (xã Tiên Lục Lạng Giang, Bắc Giang) phải vay gần 4 tỷ đồng từ tín dụng đen.
ảnh: Thanh Xuân

Tuy nhiên, ông Khương dù đã gửi hồ sơ tài sản là căn nhà mới xây hết 4 tỷ lên huyện đề nghị xác nhận giá trị tài sản trên đất 15 ngày, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận. “Cái khó nhất là việc chứng nhận tài sản trên đất, nếu không được chứng nhận thì không thể dùng làm tài sản thế chấp để vay vốn được”- ông Khương nói.

Cùng chung hoàn cảnh như ông Khương, ông Đồng Văn Lập ở thôn Đồng Kim xã Tiên Lục huyện Lạng Giang cũng có diện tích trang trại lên tới 20.000m2 nhưng cũng vướng ở cái thủ tục “giấy chứng nhận tài sản trên đất” nên không thể vay được thêm vốn, đành phải vay “tín dụng đen” gần 4 tỷ đồng.

Theo ông Lập, gia đình ông đã đầu tư vào trang trại 2 tỷ đồng nhưng do nguồn gốc đất của trang trại là đất lâm nghiệp, muốn được chứng nhận trang trại phải làm thủ tục chuyển đổi thành đất trang trại, sau đó tiếp tục làm thủ tục xác nhận tài sản trên đất. “Dù tôi đã tìm hiểu và làm thủ tục 3 năm nay rồi nhưng vẫn chưa được cấp nên rất khó vay thêm vốn ngân hàng”- ông Lập cho biết.

Ông Lập cũng chia sẻ đang vay Ngân hàng Agribank Bắc Giang 1,4 tỷ đồng, trong đó có 200 triệu là mới được vay thêm theo hình thức tín chấp sau khi đề nghị hỗ trợ vốn lưu động khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, nhu cầu của gia đình ông Lập cần khoảng 7 tỷ, nhưng không có tài sản thế chấp nên trước mắt đành phải vay “tín dụng đen” gần 4 tỷ đồng với lãi suất 1,2%/tháng.

Dư 5.000 tỷ đồng vẫn khó cho vay

Theo Báo cáo của Agribank Bắc Giang, dư nợ cho vay chăn nuôi đến 30.7 đạt 5.442 tỳ đồng với 80.598 khách hàng. Một số trang trại có dư nợ lớn lên tới gần 5 tỷ đồng, trong đó có trang trại được vay tín chấp lên tới 1 tỷ đồng.

Ông Dương Văn Ngọc – Phó Giám đốc Agribank Bắc Giang cho biết, do đặc thù của Bắc Giang chủ yếu đầu tư 2 lĩnh vực chính là cây ăn quả và chăn nuôi. “Trước đây đầu tư cho người dân trồng cây ăn quả rất lớn nhưng đến nay những hộ dân ở Lục Nam, Lục Ngạn không chỉ còn trồng vải thiều mà trồng cả cây có múi, cho thu nhập quanh năm với lợi nhuận rất cao nên Agribank Bắc Giang lại trở thành khách hàng của họ. Việc họ có tiền gửi ngược lại ngân hàng cũng chính là hiệu quả mà Agribank đã đầu tư cho họ trước đó”- ông Ngọc nói.

Ông Ngọc cũng cho biết, Agribank Bắc Giang đang thừa vốn (vốn huy động 19.000 tỷ đồng, mới cho vay được 13.000 tỷ), trừ đi khoản dự trữ bắt buộc vẫn thừa 5.000 tỷ. Nguyên nhân không đẩy được vốn ra là do nhiều trang trại, nhiều lĩnh vực chăn nuôi vẫn còn gặp khó khăn.

“Chăn nuôi vẫn có những mô hình tự phát, từ chăn nuôi nhỏ lẻ sau đó tiếp tục mở rộng đầu tư sang kinh doanh con giống, kinh doanh thức ăn chăn nuôi... Các năm trước đây, chăn nuôi rất hiệu quả nhưng khoảng một năm gần đây, nhất là năm 2017 người chăn nuôi thua lỗ rất lớn nên cũng là rủi ro đối với Agribank” - ông Ngọc chia sẻ.

img

Ông Nguyễn Xuân Thu - Chủ trang trại tổng hợp ở xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) đang cho lợn ăn. Ảnh: Trần Quang 

Ông Ngọc cũng cho biết, điểm vướng nhất để ngân hàng cho nông dân, HTX vay vốn chính là Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT ngày 23.6.2016 của Bộ Tư pháp, Bộ TNMT hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn Bắc Giang mới chỉ có vài chục doanh nghiệp và cá nhân có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất. Nếu ngân hàng vẫn cho vay, khi xảy ra ra rủi ro cũng không thể xử lý tài sản trên đất được nếu không có giấy chứng nhận tài sản trên đất, đây là vấn đề rất khó khăn đối với các ngân hàng hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Mười – Trưởng phòng khách hàng cá nhân Agribank Bắc Giang cho biết: Căn cứ luật dân sự, các giao dịch dân sự liên quan tới bất động sản phải có chứng nhận sở hữu nếu đưa ra giao dịch thế chấp. “Nhưng không phải thế mà ngân hàng không cho vay, các chi nhánh và hội sở vẫn vận dụng, nhiều trường hợp chưa được cấp chứng nhận sở hữu nhưng vẫn cho vay, tuy nhiên cán bộ cho vay cũng không yên tâm”. Theo bà Mười, vướng mắc lớn nhất là thủ tục cấp chứng nhận sở hữu tài sản trên đất.

“Chúng tôi cũng đã kiến nghị tháo gỡ vướng mắc của quy định tại Thông tư 09 với Ngân hàng Nhà nước, với đoàn đại biểu Quốc hội để đẩy mạnh tín dụng trong nông nghiệp. Tuy nhiên, muốn làm đăng ký quyền sở hữu tài sản trên đất phải có Sở TNMT, Sở Xây dựng, chính quyền địa phương xác nhận. Trong khi, cán bộ phụ trách lĩnh vực này ở các huyện chỉ có khoảng 5- 6 người mà muốn triển khai chứng nhận cũng sẽ mất rất nhiều thời gian” - ông Ngọc chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Thu - Chủ trang trại tổng hợp ở xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình (Bắc Ninh):

Không có vốn rất khó làm giàu

Hơn 15 năm làm trang trại cũng có lúc tôi điêu đứng. Đó là năm 2007, 2008, do dịch bệnh gần chục tấn cá mất trắng trong phút chốc, thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Nhưng không vì thế mà tôi chùn bước.

Giờ đây, mỗi năm tôi xuất chuồng từ 300-400 con lợn (gần 20 tấn lợn thịt) và 20 lợn giống, bán 13-15 tấn cá, hơn 100 cây lấy gỗ. Trừ chi phí tôi thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, trang trại của tôi đang tạo việc làm cho 3-5 lao động thường xuyên và 50-60 lao động thời vụ với thu nhập trên dưới 4 triệu đồng/người/tháng.

Hơn một năm trở lại đây, do biến động của thị trường khiến cho việc chăn nuôi lợn của gia đình đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Mong Nhà nước sớm sửa đổi quy định về cho vay vốn để hỗ trợ nông dân chúng tôi  đầu tư làm giàu.

Ông Nguyễn Đình Lâm - Chủ trang trại ở xã Thành Lập, huyện Lương Sơn, Hoà Bình:

Vay tiền ngân hàng "khó hơn lên trời"

Trang trại của tôi hiện có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động của địa phương với mức lương trên dưới 4,5 triệu đồng/tháng. Từ năm 2010, tôi có thêm vốn đầu tư vào chăn nuôi gần 10 bò đẻ, 200 lợn siêu thương phẩm, và nuôi cá, thu trên 16 tấn mỗi năm…, tổng thu lãi khoảng trên 1 tỷ đồng.

Theo tôi, muốn làm kinh tế giỏi, thu nhập cao trước nhất phải là một người có gan, dám nghĩ dám làm, thêm nữa là phải biết tận dụng thời cơ và có kiến thức thì mới thành công được. Và trong chăn nuôi, trồng trọt, phải biết dựa vào địa thế để triển khai kế hoạch làm.

Đặc biệt, để làm giàu được các chủ trang trại cũng cần phải vay vốn ngân hàng, song việc vay vốn đối với tôi và bà con hiện giờ còn “khó hơn lên trời” nên tôi thường hay phải vay lãi ngoài hàng trăm triệu đồng/năm để làm trang trại. Tôi nghĩ, trong thời gian tới các bộ, ngành liên quan nên tham mưu Chính phủ sửa đổi thủ tục, chính sách cho vay để bà con có thể dễ dàng và kịp thời tiếp cận được vốn ngân hàng đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Trần Quang (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem