Phía sau nghề đẻ thuê: Làn sóng di cư

Thứ ba, ngày 15/03/2011 18:38 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều vùng nông thôn ở ĐBSCL giờ đây vắng hẳn bóng thanh niên. Họ đã khăn gói về TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… lập nghiệp. Bởi ở quê có đất trồng lúa đã không giàu, huống chi vùng này còn trên dưới 40% nông dân không đất vì nghèo phải bán, hoặc bị thu hồi vì dự án.
Bình luận 0

Ước vọng đổi đời

“Đi làm hết rồi. Con gái thì đi phụ bán quán cà phê, giúp việc nhà, làm công nhân… Mấy đứa con trai cũng đi làm thuê, làm mướn, hay làm cho mấy xí nghiệp. Dồn hết lên Sài Gòn, Đồng Nai… chi đó” - ông Trần Văn Tắc - lão nông ở xã Trường Long, huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ) nói vậy.

img
Nhiều thôn nữ đã bỏ ruộng đồng lên thành phố kiếm sống.

“Thực trạng và giải pháp cho vấn đề di cư ở tỉnh Hậu Giang” - một nghiên cứu mới nhất của Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) cho thấy, thời gian gần đây, số người di cư ngày càng nhiều. Cụ thể, số người di cư dưới 2 năm trở lại đây chiếm tỷ lệ cao nhất (40%), kế đó là từ 2-4 năm (32%)… Chứng tỏ, thực trạng dịch chuyển lao động đã có từ lâu, nhưng 4 năm trở lại đây mới bùng phát mạnh. Nếu số người trong độ tuổi lao động của hộ gia đình tăng một người, thì xác suất di cư lại tăng đến 1,61 lần.

Một năm chỉ 3 vụ lúa, còn lại là những ngày ngáp dài, thở vắn, tha thẩn chơi. Có lẽ đôi lần ra phố chợ, nhìn những thanh niên trang lứa phóng xe tay ga, khoác quần áo đắt tiền, mua sắm thoả thích… nên những thanh niên quê mùa cũng không ít lần ước vọng, và mơ ước làm giàu cứ lớn dần trong họ?

Vùng quê chỉ có nếp vườn, mảnh lúa, muốn giàu hơn cũng chẳng được. Cứ thế, từng người, từng người một ra đi. Nhưng làm gì khi thất học, chẳng tay nghề, thế là như một thỏa thuận ngầm, tất cả đều bắt đầu bằng những ngày làm thuê, làm mướn, hay chập chững làm công nhân.

Theo Trường ĐHCT, những người di cư phần lớn làm công nhân (44,3%) và những công việc giản đơn (37%), trong khi chỉ có 1,4% làm chuyên viên có bằng cấp. Và có đến 11,4% chấp nhận đi bán hàng rong, bồi bàn, bảo vệ… Phần lớn lao động di cư không có nhiều thông tin về việc làm mà chủ yếu do người thân giới thiệu, nên khi có được việc thì họ thường không có ý định thay đổi vì sợ dẫn đến thất nghiệp.

Có giàu không?

Chị Đỗ Thị Thanh Tuyền, ở ấp Trường Tây, xã Trường Thành, huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ), lên Bình Dương làm đã 8 năm theo lời giới thiệu của người cậu, đầu tiên là chồng chị, tiếp theo là chị. Để rồi, cả 3 người em chồng cũng lần lượt lên theo.

Nghiên cứu của Trường ĐH Cần Thơ cho kết quả, dù hết sức tằn tiện nhưng số người gửi tiền về nhà dưới 4 triệu đồng/năm chiếm tỷ lệ cao nhất với 55,7%, và chỉ 15% gửi về từ 4-8 triệu đồng/năm, còn trên số đó là rất hiếm.

“Tui làm ở một công ty may, cộng thêm tiền tăng ca, tổng cộng được khoảng 2 triệu đồng. Có việc là quý, dù biết dư dả chẳng bao nhiêu” - chị Tuyền nói. Ngày ngày, ăn rau nhiều hơn thịt, còn chồng chị bỏ hẳn thói quen cà phê, thuốc lá, nhưng mỗi tháng vợ chồng chị cũng chỉ dư ra chừng 500.000 đồng.

“Nhiều khoản đâu có tiết kiệm được, như tiền học, tiền sách vở cho đứa con. Tháng nào một trong ba người bị bệnh là coi như phải thâm vô tiền dành dụm” - chị phân bua. Nay vật giá leo thang, người lao động di cư càng “co ro”…

Chị Nguyễn Thị Mỹ Vàng - nhà gần đó bảo, cũng chưa thấy ai xa quê, sau đó trở về có vốn mở mang làm ăn tại địa phương, mà chỉ đi chưa hẹn ngày về lại, hoặc về hẳn với hai bàn tay trắng, như 2 đứa con trai của chị.

Những người mà chúng tôi gặp, đều thừa nhận rằng, con cái họ khó làm giàu nơi xứ người khi bằng cấp không có, tay nghề cũng không. Những người ra đi, không chỉ để lại nỗi nhớ mong khắc khoải cho những người ở lại, mà còn làm khốn khó thêm những vùng quê.

Như 3 năm trước, tiền công cắt lúa ở nhiều nơi tại ĐBSCL chỉ 100.000 đồng/công, thì nay đã dao động từ 150.000-200.000 đồng do thiếu lao động khi vào mùa vụ. Và phong trào di cư khiến vùng quê chỉ còn người già, phụ nữ trung niên... nên rất thiếu nhân lực, gây khó khăn cho sự phát triển của vùng đất vốn đã không giàu. Một tác động không kém phần tiêu cực cũng nên nhắc đến, đó là văn hoá, truyền thống của địa phương ngày càng bị mai một.

Và những người lao động di cư có hoàn cảnh khó khăn, chính là miếng mồi ngon cho những kẻ xấu. Điển hình là vụ các cô gái trẻ bị phát hiện trong đường dây đẻ thuê vừa phát hiện tại Thái Lan. Như cô Thạch Thị Mỹ P, 19 tuổi, quê xã Vĩnh Trạch Đông (TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), vì nhà quá nghèo, phải lên TP.HCM làm thuê và bị sa vào cạm dỗ của những kẻ trong đường dây đẻ thuê.

----------

Bài 3: “Tạo” đất cho nông dân làm giàu

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem