Phiên hoảng loạn khiến vốn hoá thị trường 'bốc hơi' hơn 10 tỷ USD, đến lúc 'chọn mặt gửi vàng'?

Quốc Hải Thứ hai, ngày 12/07/2021 18:11 PM (GMT+7)
Thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch hôm nay (12/7) chứng kiến những nhịp giảm điểm với biên độ dao động lớn. VN-Index có lúc giảm hơn 78 điểm (-5,79%), đóng cửa giảm 50,84 điểm xuống 1.296 điểm (-3,77%), tiếp tục “gãy” mốc 1.300 điểm…
Bình luận 0

Mức giảm sâu trong phiên 12/7 đã khiến vốn hóa TTCK Việt Nam bị "thổi bay" hơn 248.000 tỷ đồng (10,7 tỷ USD), trong đó riêng sàn HOSE mất đi hơn 190.600 tỷ đồng vốn hóa (khoảng 8,2 tỷ USD).

Phiên hoảng loạn khiến thị trường “bốc hơi” hơn 50 điểm, nhà đầu tư nên làm gì trong phiên tới? - Ảnh 1.

Chứng khoán lại có phiên hoảng loạn ngay phiên giao dịch đầu tuần (Ảnh:tinnhanhchungkhoan.vn)

Thị trường "rực lửa"

Trong phiên giao dịch hôm nay, thị trường chứng khoán hoảng loạn tới mức chỉ số VN-Index có lúc giảm điểm vượt mức giảm của cả tuần trước cộng lại, giảm tới hơn 78 điểm (chỉ số VN-Index tuần trước rớt 73,13 điểm, từ 1.420,27 điểm giảm xuống 1.347,14 điểm). Tuy nhiên dòng tiền bắt đáy nhập cuộc khiến chỉ số thu hẹp đà giảm và tạo thành cây nến rút chân ở cuối phiên. Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 50,84 điểm, xuống còn 1.296 điểm (-3,77%).

Một loạt các chỉ số khác như VN30-Index cũng giảm 51,33 điểm xuống 1.443 điểm (có lúc giảm 83 điểm trong phiên). HNX-Index cũng giảm 13,75 điểm, xuống 292,98 điểm (tương đương 4,48%).

Trong phiên, sắc đỏ bao trùm lên hầu hết tất cả các nhóm ngành, trong đó nhóm ngân hàng và bất động sản là hai ngành ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index, lần lượt lấy đi 22,7 và 10,1 điểm của chỉ số. Độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về bên bán với 374 mã giảm (trong đó có 123 mã giảm sàn), 36 mã tăng và 12 mã đứng giá tham chiếu.

Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên cuối tuần trước. Tổng giá trị giao dịch ở mức hơn 37,1 nghìn tỷ đồng, trong đó tính riêng giá trị thanh khoản trên HOSE đạt hơn 31,6 ngàn tỷ đồng, đây là mức thanh khoản kỷ lục của sàn này.

Trái với tâm lý bi quan của thị trường, khối ngoại tiếp tục mua ròng trên HOSE với giá trị vào ròng gần 1.270 tỷ đồng, trong đó các cổ phiếu được gom mạnh gồm: STB (321,4 tỷ đồng), SSI (186,4 tỷ đồng) và HPG (175,8 tỷ đồng)...

Phiên hoảng loạn khiến thị trường “bốc hơi” hơn 50 điểm, nhà đầu tư nên làm gì trong phiên tới? - Ảnh 2.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng (Ảnh: Facebook nhân vật)

Đánh giá về phiên sụt giảm điểm hôm nay, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, nhận định, chỉ số chứng khoán ngày càng đi lệch so với nền kinh tế thực, không còn là hàn thử biểu của kinh tế. Phải biết rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 2,91%, và 6 tháng đầu năm nay lên 5,64%, nhưng thực tế nền kinh tế đang rất khó khăn trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19, vì thế không lý gì kinh tế khó khăn mà chứng khoán lại tăng trưởng nóng như vậy.

Theo ông Hiếu, chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ là hiện tượng của những nhà đầu tư không quan tâm nhiều đến tình hình vĩ mô. Có thể một phần do họ có thể vay tiền từ ngân hàng với lãi suất thấp và đầu tư vào chứng khoán.

"Trong khi các thị trường khác cũng không khả quan như vàng, ngoại hối, tiền gửi ngân hàng lãi suất ngày càng thấp, chỉ có thị trường bất động sản vẫn tốt nhưng lại đòi hỏi có nguồn vốn lớn nên các nhà đầu tư nhỏ lẻ chạy vào chứng khoán, từ đó đẩy giá chứng khoán lên. Quyết định của những nhà đầu tư này có lẽ do họ nhìn nhận thị trường chứng khoán quá lạc quan, dễ kiếm tiền từ đó "đổ tiền" vào chứng khoán nhiều", ông Hiếu nói.

Vì vậy, theo chuyên gia kinh tế này, mức sụt giảm điểm của TTCK trong các phiên giao dịch gần đây, từ mốc hơn 1.400 điểm về mức dưới 1.300 điểm như hiện tại, là một bài học cho tất cả các nhà đầu tư.

Ông Trần Bá Duy, giám đốc tư vấn đầu tư (Chứng khoán VPS), nhận định, thị trường giảm điểm có hàng tá lý do được cảnh báo từ lâu nay như: Định giá thị trường đã cao, các công ty chứng khoán đã full margin, thị trường tăng đã dài rồi nên cần điều chỉnh để về vùng định giá phù hợp hơn… Tuy nhiên, cái dở nhất của nhà đầu tư nhỏ lẻ chính là bị hoảng loạn, cần phải bình tĩnh để tìm cơ hội trong bối cảnh hiện nay.

Đã tới lúc "chọn mặt gửi vàng"

Ngoài việc bình tĩnh, theo ông Trần Bá Duy, lúc này nhà đầu tư cần cơ cấu lại danh mục. Những "điểm xoay chiều" như lúc này là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục. Bởi khi thị trường điều chỉnh thì sẽ lộ ra các mã chứng khoán cần cơ cấu, cũng giống như lúc… nước rút, ông nào "ở truồng" thì lộ ra. Các cổ phiếu lúc này cũng vậy, cổ phiếu nào yếu thì sẽ bộc lộ ra. Giống như vừa qua, trong các đợt điều chỉnh vừa qua những dòng cổ phiếu tăng mạnh như ngân hàng, thép, chứng khoán… đều chỉnh nhưng dòng thép lại "rơi" đầu tiên, sau đó mới tới dòng ngân hàng, chứng khoán…

Phiên hoảng loạn khiến thị trường “bốc hơi” hơn 50 điểm, nhà đầu tư nên làm gì trong phiên tới? - Ảnh 4.

Mức giảm sâu trong phiên 12/7 đã khiến vốn hóa TTCK Việt Nam bị "thổi bay" hơn 248.000 tỷ đồng (10,7 tỷ USD), trong đó riêng sàn HOSE mất đi hơn 190.600 tỷ đồng vốn hóa (khoảng 8,2 tỷ USD) - (Ảnh: congluan.vn)

"Còn hiện tại, những dòng đang khỏe, vẫn chống cự được với đà giảm điểm trong giai đoạn này là những dòng bán lẻ, đang được hưởng lợi trong dịch Covid-19 này như MSN, MWG, PNJ,… thì sẽ tiếp tục tăng điểm nếu như thị trường phục hồi lại. Nếu cơ cấu lại danh mục thì nên cơ cấu lại những dòng này, không nên đánh những dòng cổ phiếu giảm sớm, giảm đầu tiên vì sẽ mất thời gian để những dòng cổ phiếu này phục hồi trở lại", ông Duy nói.

Góc nhìn xa hơn, Công ty Chứng khoán VNDirect nhìn nhận "giai đoạn dễ dàng đã qua, đã tới lúc chọn mặt gửi vàng".

Cụ thể, về chiến lược đầu tư cho 6 tháng cuối năm, VNDirect nhận định nhà đầu tư nên hướng sự quan tâm đến những gương mặt chất lượng, sở hữu 3 đặc điểm: (1) tăng trưởng lợi nhuận bền vững và có thể mở rộng kinh doanh, (2) có vị thế tốt để nắm bắt cơ hội từ sự phục hồi của tổng cầu thế giới, (3) đòn bẩy tài chính thấp và có khả năng chống chịu tốt với lãi suất.

Theo VNDirect, trong nửa cuối năm, rủi ro của thị trường gồm việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị cho các phương án thắt chặt chính sách tiền tệ, dấy lên lo ngại dòng vốn đầu tư quốc tế rút khỏi thị trường mới nổi và cận biên, bao gồm Việt Nam. Thêm vào đó, lãi suất tiền gửi của Việt Nam dự kiến tăng nhẹ ở nửa cuối năm 2021, trong bối cảnh áp lực lạm phát cao hơn, qua đó giảm bớt sức hấp dẫn của kênh chứng khoán so với kênh tiền gửi tiết kiệm.

Cộng thêm nguồn cung cổ phiếu tăng lên. Nửa đầu năm 2021, tổng mệnh giá cổ phiếu đã hoàn thành tăng vốn và đang trong kế hoạch lên tới 25.617 tỷ đồng, gấp 3 lần so với mức thực hiện cả năm 2020.

"Với mức thanh khoản thị trường bình quân hiện nay vào khoảng 1 tỷ USD/phiên, nguồn cung cổ phiếu này chưa gây sức ép lớn như giai đoạn 2014-2019, tuy nhiên rủi ro vẫn cần phải được theo sát sao", phía VNDirect nhận định.

Dù vậy, VNDirect cho rằng động lực FOMO (sợ bỏ lỡ) và dòng tiền mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ hỗ trợ duy trì xu hướng tăng của chứng khoán. Theo đó, đơn vị này ước tính lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết năm 2021 trên VN-Index sẽ tăng 30% so với cùng kỳ, trở thành trợ lực.

Vì thế, đơn vị này kỳ vọng VN-Index sẽ hướng về mốc 1.500 điểm, sau nhịp điều chỉnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem