Phim “Đồng quê”: Vẽ lại bức tranh phong tục tập quán

Thứ năm, ngày 23/06/2011 08:45 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - 19 tập phim “Đồng quê” của đạo diễn Lê Phương Nam sẽ vẽ lại bức tranh phong tục tập quán của cư dân vùng Cà Mau - Bạc Liêu những năm 1930-1945 và công cuộc mưu sinh trên vùng đất phương Nam nước Việt.
Bình luận 0

Con người chân chất, cuộc sống sinh động

Trước năm 1945, văn học, báo chí miền Nam đã vinh danh nhà văn Phi Vân với tập phóng sự “Đồng quê” (Giải nhất cuộc thi Văn chương của Hội Khuyến học Cần Thơ năm 1943). Đặc sắc và độc đáo nên tập phóng sự này cũng đã được một nhà văn Trung Quốc dịch ra bạch thoại năm 1950.

Đọc lại “Đồng quê”, người ta thấy lối văn “chân chất miền Nam” của tác giả, giản dị và sinh động về phong tục, tập quán trong sinh hoạt của người dân Cà Mau - Bạc Liêu thời đó.

img
Đạo diễn Phương Nam (phải) đang hướng dẫn cho diễn viên Hạnh Thuý trong một cảnh quay.

Nhân vật chính của loạt phóng sự này là ai, đó là những nông dân giữa thiên nhiên khắc nghiệt nhưng vẫn không nhụt chí, họ mưu sinh trên một vùng đất xa xôi, hẻo lánh, chấp nhận số phận và đem mồ hôi lao động đổi lấy miếng cơm. Họ có những rung động trong tâm hồn như những người bình thường, biết thương yêu, biết cảm xúc trước thiên nhiên, ấp ủ những ước mơ... Những rung động đó đã góp phần hình thành dòng văn học dân gian Nam Bộ, dòng văn học sông nước.

Một thế giới mở ra trước mắt người đọc với những cảnh cuộc sống đời thường, làm ruộng, bắt cua, nuôi dạy con cái, đau ốm chữa bệnh, thầy pháp, thầy bùa, hò đối đáp, đi câu trộm, đi coi hát, cưới hỏi, ma chay… Tất cả đều được Phi Vân ghi lại bằng tình cảm tôn trọng và nâng niu những phong tục tập quán đã làm nên văn hoá của một cộng đồng.

Cảm nhận được những điều ấy, đạo diễn Lê Phương Nam - người sinh trưởng ở Hà Nội nhưng quê gốc ở Cà Mau, đã cùng với đoàn phim của ông “rồng rắn” lên đường về với miệt sông nước này để quay 19 tập phim với hy vọng sẽ làm sống lại tập phóng sự nổi tiếng từ trước năm 1945.

Gặp khó vì nông thôn hiện đại

Với đà hiện đại hóa nông thôn những năm gần đây, cuộc sống, phong cảnh, sinh hoạt, vật dụng ở nông thôn đã thay đổi rất nhiều. Về với Cà Mau - nơi Phi Vân đã lấy làm không gian cho tác phẩm của ông, đoàn phim tưởng là sẽ dễ dàng hơn trong khâu tạo bối cảnh, nhưng hoá ra không phải vậy.

Đạo diễn Lê Phương Nam kể: “Chúng tôi lùng sục tìm khắp nơi nhưng cũng không tìm ra được các đạo cụ như hũ rượu, chân nến bàn thờ, cái đèn đất xưa... Khó khăn lắm mới tìm được người làm các đạo cụ trên mà vừa phải trả tiền vừa năn nỉ đến gãy lưỡi người ta mới nhận”.

Qua những bỡ ngỡ ban đầu, các diễn viên Đình Toàn, Hạnh Thuý, Ngọc Hùng… cũng đã quen dần với cuộc sống vùng sông nước và có thể đi lại bằng cách chèo xuồng trên sông Trẹm như những nông dân thực thụ.

img Tôi làm phim nào cũng thấy chưa hài lòng vì chưa nói hết được nỗi khổ của người nông dân quê mình. Tôi luôn bị day dứt với những suy nghĩ ấy. img

Đạo diễn Lê Phương Nam

Diễn viên Đình Toàn hào hứng: “Từ bé tới giờ tôi vẫn ước ao được lội sình bắt cua như tụi trẻ ở quê, giờ đóng phim này thực sự là tôi được thoả nguyện mong ước của mình. Vai của tôi là một anh nông dân kiêm nghề chài lưới và… câu trộm, diễn vất vả nhưng chẳng khác gì mình đang được đi một tour du lịch khám phá”.

Nữ diễn viên Hạnh Thuý thì kêu trời vì bị đạo diễn bắt phải nhai trầu thật như những phụ nữ nông thôn Nam bộ xưa. Chị kể: “Lần đầu tiên tui đóng vai nhai trầu đó nhen! Mới đầu xin đạo diễn cho tui nhai kẹo… singum thế vào đó mà ổng không chịu, vậy là suốt các cảnh phim, tui phải nhai trầu thiệt. Mỗi lần nhai trầu, tui tưởng như mình nhai… lựu đạn vậy, vừa cay vừa nóng, tê dại cả miệng”.

Với 19 tập phim “Đồng quê”, khán giả sẽ được sống trong không khí của miệt Cà Mau - Bạc Liêu, ngoài những phong tục tập quán còn là nỗi xót thương cuộc đời nông dân nghèo trước Cách mạng Tháng Tám. Họ khốn khổ vì mê tín dị đoan, vì sự áp bức của nạn cường hào ác bá và cả những chuyện đau thương đè nặng lên cuộc sống hàng ngày...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem