Rõ ràng là không gì và không ai có thể giải thích được việc này bằng những lý do đích đáng, nếu không sa vào việc nêu những lí do kiểu tư biện.
Nào là số tiền dành cho quảng cáo chỉ 50 triệu thì quá nhỏ so với chi phí 21 tỉ làm phim, nào là làm phim lịch sử để phục vụ cho lễ lạt khó lắm thay.
Và đặc biệt, một quan chức điện ảnh còn cho rằng Sống với lịch sử làm được như thế và chiếu cho cả chục ngàn người xem miễn phí, thế là đã xong sứ mệnh lịch sử của một bộ phim đặt hàng từ nhà nước, chuyện ra rạp mà không bán được vé nào là ngoài ý muốn và có thể hiểu được.
Thật là một cách đánh tráo khái niệm khá là tinh vi, sống sít, bởi hai loại công chúng phim lịch sử là rất khác nhau, một bên là xem phim miễn phí, xem chùa, như ngắm trăng tập thể thời bao cấp, một bên là bỏ tiền cá nhân ra mua vé xem phim.
Dư luận đã cực kì khó chịu, nói theo cách Nam Bộ là chịu hết nổi cái cách giải thích của vị này về chuyện hoàn thành sứ mệnh lịch sử kiểu trên trời của phim Sống cùng lịch sử.
Tôi xin nối dài thêm ý kiến này theo logic sau: Vậy thì nó đủ lý do để cất vào kho và cất vào kho là bi kịch đã từng xảy ra với bao bộ phim lịch sử khác. Và tại thời điểm này cũng đã có hai phim nữa chịu số phận không bán được vé tương tự, là Đam mê và Mộ gió.
Tôi cho rằng bi kịch này đã nhãn tiền. Những bộ phim xài tiền nhà nước như tiền chùa này cần phải được phê phán và tìm cho ra nguyên nhân khiến chúng chết yểu.
Theo tôi việc phim lịch sử không bán được vé, với sự quay lưng ngoảnh mặt của người xem đối với phim kiểu này trước hết nằm trong cách nghĩ rất cũ kĩ, lạc điệu và vô cảm trong ứng xử của người nắm hầu bao nhà nước trong chuyện rót tiền tỉ cho một bộ phim, ngay từ trên giấy (kịch bản phim).
Một nghiên cứu sinh điện ảnh đã nói với tôi rằng anh đã được đọc kịch bản phim từ trên giấy và biết trước là phim không hay, mình không đi xem, thế mà nó vẫn cứ được làm và cuối cùng là chẳng ai bỏ tiền mua vé đi xem cả.
Sao lại có thể tiêu một núi tiền vào việc sản xuất một bộ phim lịch sử mà chả có ai xem? Và việc tiêu tiền này được biện minh là dùng để làm phim tuyên truyền, đến mức một nhà báo phải kêu lên: làm phim tuyên truyền cũng phải có nghệ thuật chứ!
Vậy câu hỏi lớn đặt ra là giải pháp nào để chống lại bi kịch phim lịch sử được nhà nước đặt hàng tiền tỷ, nhiều tỷ mà không người xem và cho đến hôm nay đã thành “dị ứng” với người xem?
Theo tôi, có lẽ giải pháp căn cơ nhất và trước hết là phải thay đổi tư duy người quản lý về chuyện rót tiền cho phim. Tôi nhớ cái cách quyết định xác đáng của những nhà quản lý phim Hà Nội, năm 2010 nhân Đại lễ Hà Nội 1.000 năm, đã quyết định ngừng cấp 200 tỉ cho việc làm phim về Lý Thái Tổ ngay từ khi nó mới bắt đầu, số tiền này gần gấp 10 lần số 21 tỉ đã chi tiêu cho Sống cùng lịch sử.
Không nên sản xuất phim lịch sử hoành tráng này mặc dù chủ trương và kinh phí của nhà nước cho phim này là hoàn tòan chính đáng! Đó là thí dụ đáng giá nhất mà tôi được tham gia viết chùm bài cho một tờ báo và thấy thán phục sự sáng suốt trong cách nghĩ, cách tiêu tiền của Hà Nôi trong bộ phim này.
Tất nhiên, việc thay đổi tư duy cần phải diễn ra tiếp liền ở những người thực hiện phim lịch sử, nhất là ở vai trò người đạo diễn. Người đạo diễn là tổng chỉ huy một bộ phim, chịu trách nhiệm nghệ thuật về phim lịch sử, cũng hệt như vị huấn luyện viên bóng đá. Việc thành công hay thất bại là do anh ta, anh không thể vô can trước một bộ phim do mình đạo diễn mà chẳng ai buồn lấy vé đi xem, và nếu có lấy vé đi xem thì bảo là chỉ… tạm được!
Tôi thấy đạo diễn Việt nên học tập quan niệm và cách làm phim lịch sử của các cường quốc từng thành công với loại phim mà họ cho đó là phương diện của quốc gia này, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ.
Các quốc gia này đều đã thành công trong việc làm phim lịch sử đạt tới trình độ kinh điển về chính lịch sử của quốc gia mình. Mình nên học từ họ cách làm phim lịch sử tiên tiến ấy, khi lịch sử Việt Nam vốn có những trang sử rất lộng lẫy huy hoàng? Tại sao không?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.